Thứ Tư, 18/07/2012 15:50

Từ chuyện BTS nghĩ về số phận Vietnamobile

Câu chuyện Vietnamobile gửi công văn lên Bộ Thông tin và Truyền thông kêu cứu về việc Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) tăng giá thuê trạm thu phát sóng (BTS) quá cao đang là chủ đề được bàn tán xôn xao.

Am hiểu ngành này hay không cũng dễ dàng nhận ra vấn đề là nhà mạng này đang gặp hạn trước mức tăng giá từ 2-10 lần của VNPT. Tính ra, Vietnamobile mất thêm hàng chục tỉ đồng mỗi năm.

Thay thế HT Mobile vào tháng 4.2009, Vietnamobile từ đầu đã tập trung vào phân khúc giá rẻ, liên tục cho ra những gói cước ưu đãi và khuyến mãi. Điều đó giúp Vietnamobile chiếm được 4,11% thị trường với hơn 4 triệu thuê bao, vươn lên dẫn đầu nhóm các nhà mạng nhỏ. Kết thúc năm 2011, nhà mạng này công bố có hơn 10 triệu thuê bao. Nhưng họ vẫn chưa có chuyển biến đủ để có thể tiến đến ngôi vị số 3 thị trường như các nhà lãnh đạo mạng này mong muốn.

Gần đây, Vietnamobile liên tục bày tỏ những khó khăn trên con đường vươn lên vị trí thứ ba đó. Đầu tiên, nhà mạng này kêu về tỉ lệ ăn chia chi phí kết nối giữa các mạng. Giả sử thuê bao Vietnamobile gọi cho thuê bao MobiFone với giá 1.100 đồng/phút, hãng Vietnamobile phải cắt lại 500 đồng cho MobiFone. Ngược lại, thuê bao MobiFone gọi cho Vietnamobile thì MobiFone phải cắt lại 550 đồng cho Vietnamobile. Theo bà Elizabete Fong, Tổng Giám đốc điều hành của Vietnamobile, đáng ra nhà mạng lớn phải trả cho nhà mạng nhỏ nhiều hơn 550 đồng do nhà mạng lớn đã khấu hao nhiều sau nhiều năm hoạt động. “Chi phí kết nối giữa nhà mạng chi phối thị trường và các nhà mạng không chi phối chỉ có 10% sự khác biệt, trong khi đó ở thị trường quốc tế, thấp nhất là 30%. Đó là một khó khăn của Vietnamobile”, bà nói.

Tiếp theo là những câu chuyện gợi đến vấn đề độc quyền mà Vietnamobile cùng các nhà mạng nhỏ khác đang vướng phải. Đầu tiên là việc Viettel và VNPT cùng lúc nâng giá thuê kênh 200-300%. Không lâu sau đó, VNPT lại thông báo tăng giá thuê trạm BTS từ 2-10 lần đối với Vietnamobile. Theo đó, Vietnamobile phải chi khoảng 600 triệu đồng/BTS/năm tiền thuê 1 trạm, trong khi đó, chỉ riêng thuê của VNPT đã gần 300 trạm.

Lần tăng giá này của VNPT khiến nhiều người quan ngại đến vấn đề độc quyền trong viễn thông di động khi VNPT và Viettel hết lần này đến lần khác ép các nhà mạng nhỏ. Nhưng bỏ qua vấn đề độc quyền, chỉ nhìn đến tương lai của Vietnamobile, liệu nhà mạng này có đi theo vết xe đổ của Sfone hay Beeline, thậm chí là EVN không?

Đại diện một mạng nhỏ (không tiện nêu tên) cho rằng, cứ kiểu này thì làm không đủ nuôi các ông lớn. Với số thuê bao chỉ bằng số lẻ của các nhà mạng lớn, doanh thu/thuê bao thấp, giá thuê kênh tăng, phí BTS tăng cao, không biết Vietnamobile sẽ xoay xở cách nào?

Thông thường, ở các nước phát triển khác, nhà nước luôn giữ tối thiểu là 3 nhà mạng viễn thông để đảm bảo tính cạnh tranh, tránh độc quyền. Nếu kịch bản VinaPhone và MobiFone sáp nhập diễn ra thì có thể vị trí của Vietnamobile là vẫn cần thiết cho ngành viễn thông Việt Nam. Nhưng nếu ngược lại, Vietnamobile thực sự sẽ gặp khó khăn khi một mặt phải cạnh tranh với 3 nhà mạng chiếm hơn 95% thị trường, mặt khác phải chịu sự phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng của họ.

Đối tác của Vietnamobile là Hutchison đầu năm nay đã phải rao bán liên doanh viễn thông ở Úc vì cạnh tranh không nổi với những nhà mạng lớn bản địa. Nhưng ở Việt Nam, Hutchison đã đầu tư quá nhiều, lớn hơn nhiều so với VimpelCom đầu tư vào Beeline. Liệu hãng này sẽ tiếp tục theo lao hay buông tay cắt lỗ như VimpelCom? Dù như thế nào thì hiện tại, các cổ đông sáng lập Vietnamobile cũng cho thấy họ như ngồi trên đống lửa.

“Chúng tôi đã đầu tư cả tỉ USD vào xây dựng mạng di động ở Việt Nam. Thế nhưng giờ đây chúng tôi thấy khó quá vì phải chơi trên một sân chơi chưa công bằng. Cứ như thế này chúng tôi không thể tồn tại được nữa”, ông Phạm Ngọc Lãng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hanoi Telecom, cổ đông sáng lập Vietnamobile, cho biết.

Lan Ca

nhịp cầu đầu tư

Các tin tức khác

>   VNPT không được sở hữu đồng thời cả MobiFone và VinaPhone (18/07/2012)

>   Bất thường trong cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Lothamilk (18/07/2012)

>   Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vẫn làm ăn tệ hại (18/07/2012)

>   “Ăn đong” hàng xuất khẩu (18/07/2012)

>   Nửa cuối 2012: Hàng loạt DN sẽ tiếp tục phá sản (18/07/2012)

>   Xuất khẩu khó khăn, doanh nghiệp tự cứu mình (17/07/2012)

>   Nhiều gói hỗ trợ lãi suất đã đến doanh nghiệp (17/07/2012)

>   Hàng xuất khẩu đối mặt với nhiều rào cản kỹ thuật (17/07/2012)

>   “Đừng giật mình khi nhiều DN phá sản” (17/07/2012)

>   Đi vay vốn là đi bán niềm tin (17/07/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật