“Ăn đong” hàng xuất khẩu
Doanh nghiệp trong nước không chỉ kiệt quệ vì tín dụng siết chặt và lãi suất cao, nhiều đơn vị giờ đây đang phải đi ăn đong từng đơn hàng xuất khẩu do sức mua của thị trường giảm sút nghiêm trọng.
Nhận định trên được nhiều doanh nghiệp đưa ra tại hội nghị giao ban xuất khẩu sáu tháng đầu năm và giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp do Bộ Công thương tổ chức sáng 17-7 tại TP.HCM.
Doanh nghiệp trong nước lép vế
Nhập siêu giảm mạnh
Trong sáu tháng đầu năm nay, nhập siêu của VN đạt mức thấp nhất trong vòng năm năm trở lại đây. Cụ thể, nhập siêu của VN là 158 triệu USD, bằng 0,3% kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên theo ông Nguyễn Thành Biên, mức nhập siêu thấp cũng chứa đựng nhiều vấn đề cần lưu ý. Nhất là trong hoàn cảnh khu vực doanh nghiệp có 100% vốn trong nước giảm nhập khẩu 8,8% so với cùng kỳ 2011 (đạt 25,6 tỉ USD) trong khi doanh nghiệp khu vực FDI nhập khẩu tăng tới 25,5%.
|
Tình hình khó khăn của các doanh nghiệp trong nước thể hiện ngay ở con số xuất nhập khẩu mà Bộ Công thương đưa ra. Dù xuất khẩu sáu tháng đầu năm nay của VN đạt 53,33 tỉ USD, tăng 22,7% so với cùng kỳ 2011 nhưng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước chỉ đạt 4,1% (đạt 20,5 tỉ USD), trong khi khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có mức tăng tới 38%. “Nếu không tính dầu thô thì mức tăng trưởng của nhóm doanh nghiệp này còn cao hơn, trên 40%” - ông Nguyễn Thành Biên, thứ trưởng Bộ Công thương, cho biết.
Dệt may tiếp tục là mặt hàng dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu (6,84 tỉ USD), tuy nhiên tốc độ tăng trưởng có xu hướng chậm hơn cùng kỳ và thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước. Ông Biên cho biết khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp xuất khẩu của VN hiện nay là thị trường. Sức mua của nhiều thị trường nhập khẩu từ VN có nhiều hạn chế, giảm sút khiến rất nhiều doanh nghiệp rơi vào tình cảnh thiếu đơn hàng, nhất là đơn hàng dài hạn. “Đa số doanh nghiệp chỉ còn đơn hàng 1-3 tháng, chẳng khác gì đi ăn đong, hết sức bấp bênh” - ông Biên nhấn mạnh.
Nhóm hàng nông nghiệp có mức tăng rất mạnh trong nửa đầu năm 2011 nhưng đến nửa đầu năm nay đã có dấu hiệu chững lại. Xuất khẩu nhóm này đạt 10,44 tỉ USD trong sáu tháng đầu năm nay, tăng trưởng thấp (8,4% so với cùng kỳ 2011) và xuất khẩu tháng 6 đã giảm 10% so với tháng 5-2012. Bà Mai Thị Ánh Tuyết, giám đốc Sở Công thương An Giang, cho biết xuất khẩu của An Giang giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái do hai mặt hàng chủ lực của tỉnh là lúa gạo và cá tra giảm. “Xuất khẩu gạo nửa đầu năm nay của tỉnh chỉ đạt 214.000 tấn, bằng 79% so với cùng kỳ 2011, chỉ đạt gần 40% so với kế hoạch. Đây là một sự lo lắng rất lớn với tỉnh An Giang vì xuất khẩu đóng góp phần lớn cho GDP của tỉnh” - bà Tuyết nói.
Giữ vai trò chi phối trong cán cân xuất khẩu là nhóm hàng công nghiệp chế biến khi đã tăng 31,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 33,5 tỉ USD. Tuy nhiên, mức tăng trưởng các mặt hàng thuộc nhóm này là điện thoại (tăng 146,2%), máy vi tính (85,6%)... lại chủ yếu thuộc về các doanh nghiệp FDI.
Chờ lãi suất hạ
Tất cả doanh nghiệp tham gia phát biểu tại hội nghị đều cho rằng bên cạnh khó khăn về thị trường xuất khẩu, chính cách điều hành về tín dụng thời gian qua của các ngân hàng đã đẩy doanh nghiệp trong nước vào tình cảnh kiệt quệ. Ngay cả mức lãi suất có về 15%/năm như thông báo của Ngân hàng Nhà nước thì đến nay doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được. Theo ông Lê Phước Vũ - phó chủ tịch Hiệp hội Thép VN, mức lãi suất 15%/năm trong tình cảnh hiện nay thì các doanh nghiệp trong nước cũng không thể sống nổi và đề nghị phải giảm thêm nữa.
Ông Đỗ Hà Nam, tổng giám đốc Công ty Intimex, cho biết đến nay vẫn chưa nhận được thông tin chính thức giảm lãi suất về 15%/năm cho doanh nghiệp. Và theo ông Nam, ngoài việc giảm lãi suất hiện nay, Nhà nước và các ngân hàng nên có chính sách cho các doanh nghiệp vay vốn trung và dài hạn để đầu tư công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa nội địa. “Hầu hết doanh nghiệp rất khó tiếp cận nguồn vốn dài hạn, nếu có cũng chỉ được 50% so với nhu cầu” - ông Nam nói.
Ông Điền Quang Hiệp, tổng giám đốc Công ty Mifaco (Bình Dương), nhấn mạnh chưa bao giờ doanh nghiệp trong nước lại thấy khó như năm nay sau thời gian ngắn nhưng liên tục bầm giập với lạm phát cao, siết tín dụng và lãi suất cao. “Để tăng giá bán cho khách hàng nước ngoài, chúng tôi phải đàm phán từ 3-6 tháng mới tăng được 3-7% thì các nhà cung ứng trong nước chỉ sau một đêm có thể tăng giá 5-15% và hầu như không có đàm phán, phải chấp nhận” - ông Hiệp nói. Cũng theo ông Hiệp, bản thân doanh nghiệp trong nước cũng phải cạnh tranh với doanh nghiệp FDI cùng ngành và trong cuộc đua này thì doanh nghiệp VN thua chắc. Ông Hiệp cho biết: “Doanh nghiệp FDI có đầu ra ổn định, trình độ quản lý tốt, năng suất cao và nhất là lãi suất thấp... nên không khó hiểu khi doanh nghiệp trong nước không thể cạnh tranh nổi”.
Cũng theo ông Hiệp, do kinh doanh khó khăn nên nhiều doanh nghiệp phải tạm ngưng sản xuất hoặc phá sản, thậm chí không đóng tiền hội phí. “Hiệp hội Chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ TP.HCM có 330 thành viên nhưng sáu tháng đầu năm nay chúng tôi mới chỉ thu được hội phí 40% số đó” - ông Hiệp cho biết.
Trước việc các doanh nghiệp lên tiếng vì chưa tiếp cận được nguồn vốn lãi suất thấp, đại diện Ngân hàng Phát triển VN cho rằng còn vướng giữa việc phải bảo đảm yếu tố an toàn cho đồng tiền ngân hàng đưa ra, trong khi có không ít doanh nghiệp bị sai lệch trong vấn đề đầu tư, “nên rất khó để đưa tiền vào hoạt động hiệu quả”. Ông này cho rằng khi ngân hàng “nhả tiền” ra cho doanh nghiệp vay, ít nhiều cũng phải tính toán rất kỹ.
Theo ông Cáp Quang Dương, - phó vụ trưởng Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước), tính đến nay đã có 20 tổ chức tín dụng, chiếm gần 90% thị phần hoạt động tín dụng VN, triển khai đưa lãi suất các khoản vay cũ về mức dưới 15%. “Tôi tin chắc trong thời gian tới sẽ không còn việc khiếu kiện ngân hàng cho vay ngoài khung quy định của Ngân hàng Nhà nước” - ông Dương nhấn mạnh. Ông Dương cũng cho biết thêm hiện Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp với UBND một số tỉnh, thành phố lớn tập hợp danh sách các doanh nghiệp hội đủ các điều kiện được vay vốn gửi về các chi nhánh của Ngân hàng Nhà nước để các tổ chức tín dụng xem xét giải quyết từng trường hợp cụ thể.
Ông Nguyễn Thành Biên cũng yêu cầu các hiệp hội ngành hàng rà soát, lên danh sách các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về việc tiếp cận tín dụng với lãi suất mới, các doanh nghiệp có nhu cầu tái cơ cấu nợ, cũng như điều chỉnh lãi suất vay cũ theo lãi suất mới dưới 15%/năm gửi về bộ để bộ có thông tin.
Đặt mục tiêu109,5 tỉ USD
Ông Nguyễn Thành Biên cho rằng dù xuất khẩu sáu tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn nhưng ngành công thương vẫn đặt mục tiêu phấn đấu vượt kế hoạch 109,5 tỉ USD. Trong thời gian tới Bộ Công thương sẽ khẩn trương đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia nhằm khai thông thị trường cho các doanh nghiệp. Bộ cũng sẽ thúc đẩy ký kết các thỏa thuận cấp chính phủ/bộ về xuất khẩu các mặt hàng gạo, ximăng, phân bón... cho các nước có nhu cầu lớn gắn với việc hỗ trợ lãi suất, bảo lãnh tín dụng...
|
Trần Vũ Nghi - Trần Mạnh
Tuổi trẻ
|