Đi vay vốn là đi bán niềm tin
Nhiều ngân hàng đang thừa vốn, mong muốn đẩy mạnh cho vay, trong khi hầu hết DN đang cần vốn. Vậy nhưng, dòng vốn tín dụng hiện vẫn khó lưu thông, dù lãi suất đã giảm mạnh.
ĐTCK trao đổi với ông Huỳnh Bửu Quang, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC Việt Nam xung quanh tình trạng này.
Nhiều DN phàn nàn là khó tiếp cận vốn ngân hàng, bởi các điều kiện cho vay ngặt nghèo. Ông có nhận xét gì về thực tế này?
Tôi xin nói thêm một thực tế nữa là ngân hàng cũng muốn cho vay, nhưng lại không thể tìm được đầu ra cho đồng vốn của mình. Bản chất ngân hàng là một tổ chức trung gian, là nơi giữ hộ tiền của những người có nguồn vốn nhàn rỗi và sau đó đưa đồng vốn này đến với những người đang có nhu cầu sử dụng vốn. Nguyên tắc của hoạt động trung gian này là đảm bảo an toàn vốn, do đó khi ngân hàng cho vay, họ phải đảm bảo thu hồi lại vốn.
Ngân hàng cũng đồng thời là một tổ chức kinh tế nên chắc chắn phải và muốn tìm được đầu ra cho đồng vốn, đồng thời có nguồn thu để trả lãi cho người gửi tiền, trang trải các chi phí hoạt động và có lợi nhuận. Vì vậy, tôi cho rằng, không nên nói ngân hàng làm khó DN, vì DN là khách hàng, là đối tác của ngân hàng.
Nếu DN gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, DN cũng nên xem xét lại mô hình hoạt động kinh doanh của mình có đủ sức tồn tại và phát triển bền vững hay không, có an toàn hay không, có hiệu quả hay không? Báo cáo tài chính minh bạch, phương án kinh doanh cụ thể hay kế hoạch trả nợ rõ ràng…, không nên được coi là điều kiện cho vay ngặt nghèo, vì đó chỉ là những điều kiện tối thiểu. Nếu ngân hàng không có các tiêu chí xét duyệt tín dụng như vậy, mà cứ cho vay tràn lan, thì sẽ dẫn tới nợ xấu, sẽ không còn ai tin tưởng tìm tới ngân hàng gửi tiền nữa.
Thực tế hiện nay, các ngân hàng đang phải đối mặt với tình trạng nợ xấu trong toàn hệ thống, nên càng cẩn trọng hơn trong các điều kiện cho vay. Thời kỳ bùng nổ tín dụng với mức tăng trưởng 30 - 40% đã qua và hiện tại là thời kỳ nhiều ngân hàng phải giải quyết vấn đề nợ xấu - hậu quả trực tiếp của việc cho vay tràn lan trước đây. Sự cẩn trọng trong duyệt tín dụng phải được đề cao. Điều này không có nghĩa là các DN tốt cũng bị gom cùng một giỏ và bị từ chối cho vay.
Theo ông, DN cần làm gì để có thể hoàn thiện hồ sơ của mình “đẹp” trong mắt các ngân hàng để vay được vốn?
Tôi đặt lại vấn đề là nếu DN phải hoàn thiện hồ sơ “đẹp” để được vay vốn, thì có lẽ hoạt động của DN chưa thực sự hiệu quả. Với ngân hàng, điều quan trọng nhất là thực tế hoạt động hiệu quả của DN, mô hình kinh doanh tốt, quản trị điều hành tốt, con số hoạt động tốt và minh bạch. Với những điều này, DN sẽ không cần phải cố gắng làm “đẹp” hồ sơ để vay vốn. Thậm chí, ngân hàng sẽ tự tìm tới DN để chào cho vay vốn. Vàng thật thì không sợ lửa.
Dẫu sao, từ phía các ngân hàng cũng nên có động thái nào đó nhằm hỗ trợ DN để họ đáp ứng đủ điều kiện để vay vốn?
Ngân hàng không làm kinh doanh thay cho DN được, nhưng ngân hàng có thể tư vấn cho DN ở phương diện tìm hiểu các yêu cầu về vay vốn của ngân hàng, để DN có thể đáp ứng tốt nhất những yêu cầu này. Hiện tại, có hai cách tiếp cận duyệt cho vay tín dụng. Một là, cán bộ tín dụng tới tận nơi gặp DN, tìm hiểu về hoạt động kinh doanh, mô hình quản trị, các đối tác bao gồm người mua, người bán của DN, cách thức tiêu thụ hàng và các kênh phân phối…, để có một đánh giá toàn diện về hoạt động của DN, từ đó quyết định cho DN vay vốn hay không, đồng thời đề xuất loại hình tín dụng phù hợp nhất với DN.
Hai là, ngân hàng yêu cầu DN trình bày phương án kinh doanh. Trong trường hợp này, DN cần được tư vấn cặn kẽ cách viết và hoàn thiện thông tin của bản phương án kinh doanh phù hợp với yêu cầu của ngân hàng.
Cuối cùng, vấn đề cốt lõi vẫn là tính cạnh tranh, khả năng phát triển bền vững, hiệu quả hoạt động kinh doanh và tính minh bạch của DN là điều mà ngân hàng quan tâm nhất. Bản chất đi vay vốn là DN đi bán niềm tin, phải gây dựng được niềm tin để ngân hàng cấp tín dụng cho mình làm kinh doanh. Mối quan hệ giữa ngân hàng và DN là mối quan hệ đối tác bình đẳng, dựa trên niềm tin và cùng có lợi.
Hồng Dung thực hiện
đầu tư chứng khoán
|