Thứ Hai, 16/07/2012 09:42

Doanh nghiệp thực phẩm “kêu cứu”

Theo khẳng định của Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng đường niên vụ 2012 vào khoảng 1,4 triệu tấn sẽ không thiếu đường, thậm chí còn thừa. Tại sao hàng loạt các công ty thực phẩm, sữa, nước ngọt lại đồng loạt gửi đơn “kêu cứu” vì không thể mua được đường, dù giá đường trong nước cao hơn 40% so với giá của một số nước?

Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết, đến thời điểm này, tất cả các nhà máy đường đã kết thúc vụ ép mía 2011-2012. Ước tính cả vụ, sản lượng mía ép đạt 14.742.541 tấn, sản lượng đường thành phẩm là 1.373.601 tấn. Đến ngày 2/7, các doanh nghiệp còn tồn kho 314.600 tấn đường.

Cũng theo VSSA, dù đường trong nước đang tồn nhiều nhưng đường lậu từ Thái Lan vẫn tiếp tục vào nước ta. Giá đường nhập lậu rẻ hơn nhiều so với giá đường trong nước. Ngày 2/7, giá đường nhập lậu ở Tp.HCM là 16.000 đồng/kg, giá đường trong nước loại tinh luyện là 17.700-18.900 đồng/kg, đường vàng 16.800 đồng/kg, đường kính trắng 16.700-17.000 đồng/kg.

Tại Hà Nội, đường tinh luyện 17.800-18.100 đồng/kg, đường vàng 16.450-16.500 đồng/kg và đường kính trắng 17.400-17.700 đồng/kg. Trong những tháng qua, lượng tiêu thụ chỉ ở mức bình quân 80.000-90.000 tấn/tháng. Do đó, với lượng tồn kho cộng với nhập lậu, không chỉ tháng 7 mà cả trong những tháng tới, nguồn cung đường đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ. Thế nhưng, theo nhiều doanh nghiệp sử dụng đường, giá đường trong nước cao hơn nhiều so với giá thế giới, nhưng vẫn khó mua.

Theo nhiều doanh nghiệp, thị trường đang bị thao túng khiến một số nhà máy phải tạm thời dừng một số dây chuyền sản xuất do thiếu nguyên liệu. Thiếu nguyên liệu sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới kế hoạch sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là cho mùa cao điểm Tết Trung thu.

Một số doanh nghiệp đã có văn bản gửi các Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, VSSA để tăng cung thị trường đường, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hồi âm.

Chủ tịch VSSA Nguyễn Thành Long cho rằng, những thắc mắc của các doanh nghiệp chỉ mong được nhập khẩu đường với giá rẻ hơn giá đường nội địa. Hiện nay, giá đường RE do các nhà máy trong nước bán ra từ 18.000-19.000 đồng/kg, đường kính trắng RS khoảng 17.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá đường nhập khẩu khẩu về đến Việt Nam chỉ khoảng trên 15.000 đồng/kg. Nếu là đường nhập khẩu từ ASEAN, chỉ phải tính thuế 5%, thì giá thành chưa tới 16.000 đồng/kg.

Theo Vụ phó Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Nguyễn Xuân Chiến, số liệu thống kê giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và VSSA vẫn chưa thật sự khớp với nhau. Theo ông Chiến, đến thời điểm này, Bộ Công Thương vẫn chưa nhận được thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và VSSA về việc có hay không thị trường đường đang bị lũng đoạn.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra thông tin này để có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất cũng như đảm bảo quyền lợi người nông dân và người tiêu dùng trong nước.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải cho biết, sẽ yêu cầu Vụ Thị trường trong nước và Vụ xuất nhập khẩu theo dõi kỹ thông tin về thị trường để giải quyết cấp quota nhập khẩu đường cho hài hòa, giúp bảo vệ sản xuất trong nước và tránh gây khó khăn cho các doanh nghiệp phải nhập khẩu đường theo quota.

Trước đó, Bộ Công Thương đã tổ chức họp giữa doanh nghiệp sản xuất sử dụng đường lớn và các nhà máy đường, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu 5.000 tấn đường trong tổng số 30.000 tấn đã cho xuất khẩu từ đầu năm 2012 theo đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bộ Công Thương chưa công bố lượng hạn ngạch nhập khẩu năm 2012 (mức tối thiểu là 70.000 tấn) cho đến khi hết vụ sản xuất đường, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ngành mía đường cũng như ưu tiên sử dụng hàng được sản xuất trong nước, hạn chế nhập siêu.

Hai Bộ cũng đã thống nhất sau khi kết thúc vụ mía đường, dự kiến giữa tháng 7/2012 hai Bộ sẽ họp thống nhất, công bố và phân giao hạn ngạch.

Huyền Vy

tbktvn

Các tin tức khác

>   Hàng ế đầy kho, phó tổng giám đốc cũng phải đi bán hàng (16/07/2012)

>   Máy móc thiết bị chủ yếu vẫn nhập từ Trung Quốc (16/07/2012)

>   Lotte mua 20% vốn Minh Vân, chuyển sang 100% vốn ngoại (16/07/2012)

>   Thoái vốn đầu tư ngoài ngành: Nói dễ, làm khó? (15/07/2012)

>   Nghi vấn doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư chui tại Bình Thuận (15/07/2012)

>   Thành phố Đà Nẵng đẩy mạnh thu hút đầu tư từ Mỹ (15/07/2012)

>   Nhật duy trì ODA ở mức cao cho Việt Nam (15/07/2012)

>   Việt Nam và xung đột thương mại Mỹ - Trung (15/07/2012)

>   Lĩnh vực bất động sản chiếm gần 25% vốn đăng ký FDI (14/07/2012)

>   Dầu ăn: thị trường dễ xơi (14/07/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật