Thứ Bảy, 14/07/2012 23:13

Dầu ăn: thị trường dễ xơi

Quy mô thị trường dầu ăn Việt Nam năm 2012 ước tính khoảng 1 triệu tấn, trị giá 35.000 – 40.000 tỉ đồng. Là hàng tiêu dùng thiết yếu, nên dù kinh tế khó khăn, tiêu thụ dầu ăn tại Việt Nam vẫn mức tăng trưởng tốt: 17 – 20%/năm từ năm 2009 đến nay, sáu tháng đầu năm nay vẫn tăng trên 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo dự báo của viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp, mức tiêu thụ dầu ăn đầu người tại Việt Nam hiện nay khoảng 7,3 – 8,3kg/người sẽ tăng lên 16,2 – 17,4kg/người/năm vào 2012; và đến năm 2020 là 18,6 – 19,9kg/người/năm.

Nguồn: Tổng cục Thống kê; bộ Công thương * Dự báo của các nhà sản xuất trong nước
Nguồn: Tổng cục Thống kê; bộ Công thương * Dự báo của các nhà sản xuất trong nước

Tăng trưởng tự nhiên

Có thể nói mức tăng tiêu thụ dầu ăn có cơ sở vững chắc từ xu hướng xã hội chuyển từ sử dụng dầu mỡ động vật sang thực vật để bảo vệ sức khoẻ, từ tăng dân số, mà các doanh nghiệp không cần phải nỗ lực gì nhiều.

Theo công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, sau mì ăn liền, thì dầu ăn đang chiếm cơ cấu đến 29% trong ngành thực phẩm tiêu dùng. Tốc độ tiêu thụ dầu ăn của thị trường Việt Nam tăng khá nhanh trong các năm qua: 2009 khoảng 590.000 tấn, 2010 là 700.000 tấn, 2011 là 805.000 tấn, và dự kiến 2012 khoảng gần 1 triệu tấn (số liệu từ bộ Công thương và một số doanh nghiệp sản xuất dầu ăn).

Theo bộ Công thương, ngành dầu ăn Việt Nam hiện có khoảng 35 doanh nghiệp. Thống kê từ các siêu thị, tính đến hết năm 2011, toàn ngành dầu ăn hiện có gần 70 thương hiệu. Đại gia lớn nhất trên thị trường dầu thực vật là tổng công ty Công nghiệp dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex), có vốn trong hầu hết các công ty lớn trong ngành. Cụ thể tại hai doanh nghiệp chiếm hơn 60% thị phần là Cái Lân và Tường An, thì Cái Lân là liên doanh giữa Vocarimex (32%) và tập đoàn Wilmar (Singapore), còn ở Tường An thì Vocarimex chiếm 51% vốn chủ sở hữu.

Thử nhìn doanh nghiệp dầu ăn duy nhất niêm yết trên sàn là Tường An chiếm khoảng 25 – 26% thị phần (theo công bố của công ty Tường An và công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam), tăng trưởng khá tốt. Doanh số Tường An năm 2001 mới chỉ 495 tỉ đồng, thì năm 2011 đã là 4.442 tỉ đồng. Thật khó phân định tăng trưởng của Tường An đâu là từ nỗ lực của công ty trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gia tăng, đâu là từ nhu cầu tăng tiêu thụ một cách tự nhiên của xã hội.

Dễ doanh nghiệp, khó người dùng

Trong hàng chục loại dầu thực vật như mè, gấc, nành, hướng dương, ôliu, hạt cải, cám gạo… thị trường Việt Nam tiêu thụ chủ yếu là dầu cọ (khoảng 65% – có giá rẻ và giá trị dinh dưỡng thấp hơn các loại dầu khác); và dầu nành (khoảng 30%). Gần đây, ở thành thị, xu hướng tiêu thụ các loại dầu nành, mè, cải… đang tăng dần lên. Năm 2010, trong 700.000 tấn dầu thị trường tiêu thụ có 525.000 tấn dầu cọ và 175.000 tấn dầu nành. Năm 2011, tổng tiêu thụ 805.000 tấn có 560.000 tấn dầu cọ và 200.000 tấn dầu nành. Theo bộ Công thương, doanh nghiệp Việt Nam mới sản xuất được dầu từ mè, đậu phộng, cám gạo… với lượng khá ít, gần 90% nguyên liệu sản xuất chính là dầu cọ và và dầu nành đều nhập từ nước ngoài.

Lãnh đạo một công ty dầu ăn nhìn nhận: công nghệ sản xuất dầu ăn, thực chất chỉ là công nghệ phối trộn: nhập dầu ngoại về, thêm vào đó một số vitamin, omega-3, omega-6, omega-9 hoặc DHA, chất chống đông… rồi mang bán. Dầu ăn là loại thực phẩm mà người tiêu dùng rất khó để phân biệt được sự khác nhau trong mùi vị, độ béo. Cũng như rất ít bà nội trợ chú ý đến các thuộc tính riêng của dầu: mau sôi, mau khét, mau thay đổi màu, độ đông… Nên các doanh nghiệp giỏi chiêu trò quảng cáo tiếp thị, có thể nhanh chóng bán được hàng.

Trưởng phòng tiếp thị nhãn hiệu dầu ăn N, tiết lộ: hầu hết các loại dầu chiên xào nấu đang bày bán trong siêu thị dùng nguyên liệu chính là dầu cọ để có giá rẻ (giá nhập hiện khoảng 30.000 – 32.000 đồng/lít), sau đó pha chế thêm dầu nành, hoặc dầu khác, thêm dưỡng chất, rồi quảng cáo thật tốt, có thể bán giá 40.000 – 45.000 đồng/lít. Dễ dàng tìm thấy cả chục loại dầu ăn không ghi rõ tỷ trọng thành phần loại dầu ăn (dầu nành, dầu cọ, dầu hạt cải, dầu cám gạo…) trên nhãn. Vậy làm sao người dùng biết nó chủ yếu là dầu cọ trong thành phần mà vẫn được bán giá cao?

Theo số liệu do một doanh nghiệp ngành dầu ăn nghiên cứu, dầu ăn có thương hiệu chỉ chiếm khoảng 25% thị trường, còn lại là dầu ăn loại xá (đóng trong can nhựa 20 – 50 lít, dầu không có thương hiệu) bán tràn ngập vùng nông thôn, bếp ăn tập thể, nhà hàng, quán ăn…

Bích Nga

SGTT

Các tin tức khác

>   Khơi thông hàng tồn (14/07/2012)

>   Tập đoàn Công nghiệp xây dựng Việt Nam: Khó tứ bề (14/07/2012)

>   ‘Đói’ đơn hàng: Công nhân nhàn như công chức (14/07/2012)

>   Hỗ trợ doanh nghiệp: Không chỉ lắng nghe… (13/07/2012)

>   Xác lập lại vai trò kinh tế tư nhân: Đừng phân biệt đối xử! (13/07/2012)

>   Thoái vốn ngoài ngành: Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược (13/07/2012)

>   Bưu chính chật vật cạnh tranh (13/07/2012)

>   Hơn 70% doanh nghiệp khai lỗ (13/07/2012)

>   'Nhà đầu tư Việt thận trọng nhất Đông Nam Á' (13/07/2012)

>   Thủ tướng yêu cầu EVN từ năm nay phải có lãi (13/07/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật