Thứ Sáu, 13/07/2012 21:35

Bưu chính chật vật cạnh tranh

Bưu chính – chuyển phát, một phần quan trọng trong chuỗi hậu cần (logictics) của nền kinh tế nhưng nhiều năm qua chưa có bứt phá. Từ tháng 1.2012, thị trường chuyển phát Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn theo lộ trình WTO, thì các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa tạo được một mạng lưới đủ sức đối trọng.

Năm 2006, Viettel và VNPT bắt đầu xây dựng chiến lược tách bưu chính ra khỏi viễn thông. Sau khi rời “bầu sữa” viễn thông, bưu chính đã phải chật vật thoát ra khỏi cơ chế cũ với bộ máy nặng nề, xoay trở chậm, trong khi dịch vụ nghèo nàn và hạ tầng công nghệ lạc hậu. Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (Vietnam Post) đến năm 2011 mới bắt đầu đạt được lợi nhuận 32,5 tỉ đồng, trong khi năm 2010 vẫn lỗ gần 350 tỉ đồng.

Trong ngoài đều khó

Ông Lương Ngọc Hải, tổng giám đốc Viettel Post cho biết, nhiều dịch vụ gia tăng mới đang được phát triển để cạnh tranh, Viettel Post cũng mở rộng mạng lưới thông qua việc đầu tư sang Campuchia. “Thị trường bưu chính càng sôi động khi Việt Nam gia nhập WTO, tạo áp lực cho doanh nghiệp đổi mới từ chiến lược phát triển đến chất lượng dịch vụ, ứng dụng khoa học công nghệ, tối ưu chi phí, bộ máy để “đánh thức phần đang còn ngủ”, ông Hải nói.

Vietnam Post mới tuần rồi công bố hợp tác với DHL Express trong dịch vụ chuyển phát nhanh VNQuickpost nhằm kết hợp lợi thế về hệ thống giao dịch rộng khắp của Vietnam Post và chất lượng mạng chuyển phát phủ rộng toàn cầu của DHL Express. Theo ông Nguyễn Quốc Vinh, phó tổng giám đốc Vietnam Post, dịch vụ mới giúp hai bên mở rộng tiếp cận đến phân khúc khách hàng tầm trung với giá cước ở khoảng giữa của dịch vụ chuyển phát nhanh EMS của Vietnam Post và dịch vụ chuyển phát quốc tế của DHL Express.

Rào cản kỹ thuật của ngành bưu chính trong nhiều chục năm qua, là các doanh nghiệp nước ngoài không được quyền kinh doanh khai thác trực tiếp tại Việt Nam mà phải qua hợp tác liên doanh với đối tác trong nước. Tuy nhiên, từ tháng 1.2012, thị trường chuyển phát Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn theo lộ trình WTO, thì các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa tạo được một mạng lưới đủ sức đối trọng. Những mạng lưới của các tập đoàn đa quốc gia như DHL, FedEX, UPS, TNT… đều đã tạo lập ở phân khúc trên của thị trường khi đi ra quốc tế, và dần đặt mạng lưới khai thác thị trường nội địa.

Tỷ trọng chu chuyển thương mại quốc tế của Việt Nam tăng mạnh trong những năm gần đây đang tiếp tục thu hút sự quan tâm của các tập đoàn mới như Yamoto (Nhật), KLN (Singapore), Kerry Intergrated Logistics (Hong Kong) thông qua đường đầu tư nắm cổ phần trong các công ty trong nước. Áp lực càng lớn hơn với các công ty vốn có lợi thế nội địa. Nếu như năm 2008, Việt Nam mới có tám công ty hoạt động trong lĩnh vực này thì hiện nay khoảng gần 50 công ty được cấp phép kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư, tuy nhiên vẫn chưa có đủ một đội ngũ doanh nghiệp đủ lớn và chuyên nghiệp. Quy mô lớn nhất hiện nay thuộc về Vietnam Post, nhưng vẫn chưa tạo ra một đầu tàu đủ mạnh trên thị trường.

Ngon nhưng không với tới

Doanh nghiệp trong nước như Viettel Post những năm qua đã nỗ lực hiện đại hoá mạng lưới của mình với máy tính và phần mềm quản lý kết nối đến tận tuyến xã, trang bị thiết bị kỹ thuật số hỗ trợ cá nhân cho bưu tá tác nghiệp theo quy trình hiện đại. Tuy nhiên vẫn còn rất xa để so sánh về hạ tầng và mạng lưới của các tập đoàn lớn với bề dày kinh nghiệm và khả năng “địa phương hoá” rất linh động. Một mạng lưới như của DHL Express tại Việt Nam thực hiện đến 77 chuyến bay nội địa và 64 chuyến bay quốc tế hàng tuần với hạ tầng đến cả chục điểm cung cấp dịch vụ, bốn trạm trung chuyển và nhiều trung tâm khai thác. Năm 2010, năng suất vận chuyển đạt 7.189 tấn hàng hoá. Hạ tầng này đang tiếp tục đẩy mạnh “xanh hoá” các phương tiện chuyên chở để tiết giảm chi phí và đẩy mạnh các dịch vụ, tung ra các cổng thông tin hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ làm dịch vụ xuất nhập khẩu.

Ông Christopher Ong, tổng giám đốc công ty DHL-VNPT, cho biết chu chuyển thương mại Việt Nam với thế giới đang tăng nhanh với mức tăng trưởng xuất khẩu hơn 33% và nhập khẩu hơn 25%, buộc DHL luôn linh hoạt và làm mới để cung ứng giải pháp vận chuyển kịp thời. Đặc biệt nhắm vào các phân khúc hàng hoá đặc thù như dược phẩm, các sản phẩm công nghệ cao. Trong khi đó, không ngừng tung ra các giải pháp nhắm đến tiếp cận khối doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam. Ông Nguyễn Duy Bình, tổng giám đốc FedEx Vietnam, trong cuộc hội thảo mới đây tại TP.HCM cũng cho biết kết hợp với các đối tác về thanh toán cung ứng dịch vụ khác, đưa ra giải pháp linh hoạt cho các doanh nghiệp xuất khẩu và khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, những giải pháp vận chuyển đặc thù giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng lợi thế cạnh tranh.

Trong khi đó chuỗi cung ứng của các công ty trong nước nhỏ lẻ, việc cạnh tranh chủ yếu bằng cách giảm giá dịch vụ nhưng thiếu các giải pháp dài hạn. Doanh nghiệp khai thác theo mạng lưới nhỏ lẻ và thiếu kết nối, làm cho hạ tầng đầu tư không khai thác hết công suất, tình trạng không tải làm lãng phí tài nguyên, thời gian giao hàng chậm, chi phí tăng… Trong khi đó, TNT, UPS hay FedEx đều trở mình dễ dàng trong việc gia tăng xuất nhập khẩu của Việt Nam, đồng thời cũng dễ dàng nếu muốn hình thành hệ thống vận chuyển nội địa. Các tập đoàn mới khác cũng dễ dàng tham gia thị trường bằng cách mua lại các công ty trong nước khi thị trường đủ độ lớn. Thị trường càng mở cửa nỗi lo của doanh nghiệp càng lớn, tuy nhiên chỉ có sức ép mới giúp doanh nghiệp trong nước năng động hơn và tìm hướng khai thác chuyên nghiệp hơn.

Tuyết Ân

sài gòn tiếp thị

Các tin tức khác

>   Hơn 70% doanh nghiệp khai lỗ (13/07/2012)

>   'Nhà đầu tư Việt thận trọng nhất Đông Nam Á' (13/07/2012)

>   Thủ tướng yêu cầu EVN từ năm nay phải có lãi (13/07/2012)

>   Brazil: Các công ty giày VN không trốn thuế (13/07/2012)

>   Giá xăng sẽ tách bạch lợi nhuận doanh nghiệp (13/07/2012)

>   Nhật Bản muốn lập công ty tài chính tại TPHCM (13/07/2012)

>   Vinacomin: 6 tháng đầu năm ước đạt 500 tỷ đồng lợi nhuận (13/07/2012)

>   Một kiểu trúng thầu lạ đời (13/07/2012)

>   Cắt giảm gần 9.100 dòng thuế với Chi Lê (13/07/2012)

>   Kiến nghị thu hồi, xử lý gần 3.500 tỷ đồng (13/07/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật