Thứ Sáu, 13/07/2012 07:24

Kiến nghị thu hồi, xử lý gần 3.500 tỷ đồng

Xử lý những vấn đề lớn tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

Ngày 12-7, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã tổ chức họp công bố kết quả thanh tra trong quý 2-2012 với nhiều nội dung quan trọng.

Đặc biệt, lãnh đạo TTCP cho biết, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII tới đây, Chính phủ sẽ trình thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi. Theo đó, sẽ mở rộng đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập; xử lý các đối tượng kê khai không trung thực cũng như phần tài sản, thu nhập tăng lên bất hợp lý mà người kê khai không giải trình được.

Theo Phó Tổng TTCP Lê Tiến Hào, trong quý 2, TTCP đã ban hành 6 kết luận, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bao gồm: Thanh tra việc chấp hành pháp luật trong công tác sử dụng vốn, tài sản tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam; thanh tra công tác quản lý Nhà nước trong việc liên doanh, liên kết đào tạo đại học, sau đại học của Bộ Giáo dục-Đào tạo, việc liên doanh liên kết đào tạo đại học và sau đại học của ĐHQG Hà Nội giai đoạn từ năm 2006-2010; thanh tra công tác quản lý đầu tư xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị tại Vĩnh Phúc; thanh tra công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản tại Ninh Bình; thanh tra thực hiện pháp luật về đầu tư, quản lý sử dụng đất đai và giải quyết khiếu nại tố cáo một số dự án trồng rừng, trồng cao su, dự án kinh tế quốc phòng trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc. TTCP cũng đã báo cáo Thủ tướng kết quả thanh tra chuyên đề về quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai; xây dựng báo cáo và hoàn chỉnh kết luận thanh tra đối với 6 cuộc thanh tra, tiếp tục tiến hành 12 cuộc thanh tra theo kế hoạch.

TTCP cũng cho biết, trong thời gian qua, Thủ tướng đã có ý kiến đối với 6 kết luận thanh tra, cụ thể: thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật trong công tác quản lý sử dụng vốn, tài sản tại Tập đoàn Hóa chất; thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật tại Tập đoàn Viễn thông quân đội; thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật trong công tác quản lý sử dụng vốn, tài sản tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam; thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật trong công tác quy hoạch, quản lý sử dụng đất, quản lý tại Kiên Giang; thanh tra công tác quản lý đầu tư xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị tại Vĩnh Phúc; thanh tra việc chấp hành pháp luật thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng chống tham nhũng tại Bến Tre.

Từ 6 cuộc thanh tra đã có ý kiến của Thủ tướng, TTCP kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước 1.503 tỷ đồng, 48ha đất; kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý 1.978 tỷ đồng (trong đó vi phạm chủ yếu do hạch toán sai quy định trên 920 tỷ đồng; chi không đúng đối tượng, chưa được phê duyệt trên 650 tỷ đồng; trích khấu hao, tăng tỷ lệ vốn góp, vốn mua cổ phần vượt quy định 340 tỷ đồng...) và 155ha đất; kiến nghị tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có vi phạm, chuyển cơ quan điều tra xem xét 1 vụ việc.

Liên quan đến quá trình khắc phục các kiến nghị của TTCP trong kết luận thanh tra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, tại buổi họp báo, Phó Tổng TTCP Nguyễn Văn Sản cho biết, sau khi có kết luận của TTCP, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã có văn bản gửi TTCP nêu 9 nội dung mà tập đoàn này đã khắc phục theo kết luận của TTCP. Cụ thể, về kiến nghị thu hồi về quỹ sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp Tập đoàn Dầu khí số tiền 1.922 tỷ đồng từ việc cổ phần hóa mà một số đơn vị chưa nộp về quỹ, kể cả lãi chậm nộp, tập đoàn cho biết đến ngày 10-4-2012, tập đoàn đã nộp về quỹ gần hết số tiền này, chỉ còn 125 tỷ đồng hiện tập đoàn vẫn đang tiếp tục đôn đốc các đơn vị thực hiện đúng quy định.

Về việc sử dụng 15.000 tỷ đồng cho các hoạt động tài chính không thuộc dự án trọng điểm dầu khí, tập đoàn cho rằng tại thời điểm thanh tra, tập đoàn đã báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về việc này nhưng Thủ tướng chưa có ý kiến. Tuy nhiên, sau đó Thủ tướng đã có ý kiến cho phép tập đoàn được sử dụng số tiền này. Về kiến nghị của TTCP điều chỉnh lại đúng nguồn khoản tiền 11,8 tỷ đồng được sử dụng từ Quỹ Nghiên cứu khoa học và đào tạo mà Tập đoàn Dầu khí đã sử dụng để xây dựng Trường Trung học phổ thông Đất Mũi, tập đoàn cho biết đến tháng 4-2012 đã điều chỉnh nguồn này về nguồn an sinh xã hội của tập đoàn.

Về việc tập đoàn tự ứng vốn cho các tỉnh để giải phóng mặt bằng, xây dựng công trình không phải công trình dầu khí, TTCP cho là không đúng quy định nhưng tập đoàn đã báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính là phải dùng ngân sách Nhà nước để hỗ trợ chứ không thể đợi các địa phương. Bộ Tài chính sau đó đã đồng ý ngân sách Nhà nước bố trí năm 2012 số tiền này để hoàn vốn cho tập đoàn…

Theo ông Sản, ngoài những nội dung lớn trên, những vấn đề khác cũng đã được tập đoàn báo cáo. Về việc kiểm điểm trách nhiệm, hiện tập đoàn đang tiến hành như kiến nghị của TTCP.

Về kết luận của Thanh tra Chính phủ đối với ĐHQG Hà Nội

Thủ tướng yêu cầu các bộ liên quan có ý kiến trước 15-7

Tại cuộc họp báo, Phó Tổng TTCP Nguyễn Văn Sản cho biết, sau khi TTCP công bố kết luận thanh tra về ĐHQG Hà Nội, đã có nhiều ý kiến tranh luận về việc áp dụng văn bản pháp luật về liên kết đào tạo của ĐHQG Hà Nội. Vì vậy, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao các cơ quan chức năng rà soát, tiếp tục nghiên cứu, trao đổi để có ý kiến xác đáng về kết luận thanh tra. Hiện TTCP đang tiếp tục tiếp nhận và nghiên cứu các giải trình của ĐHQG Hà Nội.

Hôm nay, 13-7, TTCP sẽ làm việc trực tiếp với đơn vị vừa qua TTCP đã có kết luận về liên kết đào tạo. Sau khi cơ quan chuyên môn trao đổi xong, lãnh đạo TTCP và lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ làm việc, trao đổi tiếp để báo cáo Thủ tướng. TTCP đang tiếp tục trao đổi thêm những vấn đề về chương trình, hình thức đào tạo với Bộ GD-ĐT; vấn đề áp dụng các quy định pháp luật với Bộ GD-ĐT, Bộ Tư pháp; vấn đề tài chính với Bộ Tài chính; các dấu hiệu vi phạm với Bộ Công an. Tất cả những vấn đề này, TTCP đều yêu cầu các bộ có ý kiến trả lời chính thức bằng văn bản. Theo yêu cầu của Thủ tướng, các bộ phải trả lời trước 15-7, cuối tháng 7 TTCP sẽ hoàn tất và báo cáo Thủ tướng.

Trả lời câu hỏi tại sao kết luận thanh tra về liên kết đào tạo ở ĐHQG Hà Nội của TTCP lại có nhiều ý kiến khác nhau, ông Sản trần tình: “Đây là cuộc thanh tra về trách nhiệm quản lý nhà nước, thời gian ngắn, không dài như thanh tra kinh tế-xã hội. Vì vậy, đã không có thời gian để các bên trao đổi kỹ với nhau”. Về phản ứng của ĐHQG Hà Nội cho rằng đoàn thanh tra của TTCP “có vấn đề”, ông Sản cho biết, trong quá trình thanh tra, đã có đơn phản ánh về 1 thành viên tổ công tác đến làm việc tại ĐHQG Hà Nội (có nhận quà của đối tượng được thanh tra), TTCP đã rút thành viên này ra khỏi đoàn thanh tra để xem xét kiểm điểm theo đúng quy định.

Phan Thảo

Sài gòn giải phóng

Các tin tức khác

>   Kiến nghị sửa luật để “cứu” doanh nghiệp FDI (12/07/2012)

>   Cơ hội cho thủy điện nhỏ ngày càng ít (12/07/2012)

>   Nhu cầu nhân lực trực tuyến quay đầu giảm mạnh (12/07/2012)

>   Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN: Ngành điện chỉ quan tâm đến tăng giá (12/07/2012)

>   Thiếu 22-27 triệu kWh điện/ngày do ngưng hệ thống khí PM3 (12/07/2012)

>   Cơ hội xuất khẩu VLXD sang Trung Đông và châu Phi (12/07/2012)

>   Khách nước ngoài "ngại" thủ tục hoàn thuế GTGT (12/07/2012)

>   Khó xoay xở trả nợ ngân hàng (12/07/2012)

>   Làm ăn với Trung Quốc: “Không cẩn thận, phá sản như chơi” (12/07/2012)

>   6 tháng, nhập siêu của Việt Nam chỉ còn 158 triệu USD (12/07/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật