Làm ăn với Trung Quốc: “Không cẩn thận, phá sản như chơi”
Sau hai năm liền giảm liên tiếp, 6 tháng đầu năm nay kim ngạch xuất khẩu của Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) đã tăng 39% so với cùng kỳ.
Nhấn mạnh đây là "điều đặc biệt" trong bối cảnh khó khăn hiện nay, Phó tổng giám đốc Trần Văn Bắc cho biết con số cụ thể của kim ngạch xuất khẩu toàn doanh nghiệp này ước thực hiện 67,6 triệu USD, đạt 52% kế hoạch năm. So với cùng kỳ, công ty mẹ đã tăng tới 95%, các công ty con gần gấp ba lần, riêng các công ty liên kết thì chỉ tương đương.
Bên cạnh đa dạng hóa ngành hàng thì việc nỗ lực tìm kiếm, khai thác thêm thị trường cũng được coi là nguyên nhân quan trọng làm tăng kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, từ thực tế giao thương, ông Bắc đã chia sẻ, “cần hết sức thận trọng với thị trường Trung Quốc”.
Câu chuyện cụ thể của Satra liên quan đến lĩnh vực mũi nhọn của doanh nghiệp này: xuất khẩu gạo.
“Đầu năm nay khi có đối tác là một doanh nghiệp khá nổi tiếng của Trung Quốc đặt vấn đề, Satra đã cử hai đoàn cán bộ sang tìm hiểu, cũng thấy nhà kho nhà máy dữ dằn lắm, đàm phán cũng ngon lành, sau đó họ cũng ký hợp đồng mua số lượng tới vài chục ngàn tấn gạo”, Phó tổng giám đốc Trần Văn Bắc bắt đầu câu chuyện.
Cũng băn khoăn là xưa nay Trung Quốc đâu có nhập gạo Việt Nam nên đã để ý tìm hiểu kỹ và có thể là họ mua để viện trợ cho một số nước châu Phi nào đó, hơn nữa những nguyên tắc tránh rủi ro của Satra như khi mở LC thì ứng tiền trước họ cũng chấp nhận nên yên tâm, ông Bắc kể tiếp.
Rồi, chuyến gạo đầu xuôi chèo mát mái mấy ngàn tấn, giá nhỉnh hơn một số thị trường khác. Nhưng chỉ đến chuyến thứ hai là đã “có vấn đề”, khi Satra đang tiến hành thu gom gạo thì đối tác phía Trung Quốc đề nghị hạ giá và yêu cầu dời ngày giao hàng.
Cùng thời gian đó, một số doanh nghiệp miền Tây có quan hệ làm ăn với Satra cũng gặp phải tình huống tương tự: bị doanh nghiệp Trung Quốc ép giá khi đã gom gạo vào kho.
“Biết là họ ép nhưng mình cũng phải bán vì nếu không trả lãi ngân hàng cũng chết, hơn nữa kho nào mà chứa được hết hàng, để lâu thì gạo mốc, phải bán đổ bán tháo, nhiều đại gia đồng bằng sông Cửu Long lỗ lã lớn khi rơi vào cảnh này”, ông Bắc phân tích.
Một “chiêu” nữa cũng được các thương nhân Trung Quốc rất ưa dùng, vẫn theo phân tích của ông Bắc, đó là khi doanh nghiệp Việt Nam đã đưa gạo xuống tàu, song phía Trung Quốc kiểm tra lại và nói là không đảm bảo chất lượng, dù phía Việt Nam đã kiểm tra đủ hết điều kiện. Và lúc này việc ép giá lại tái diễn, bởi đưa hàng quay về cũng rất tốn kém, khó khăn.
Satra vốn liếng mạnh nên không chấp nhận chuyện ép giá, hơn nữa tôi đâu có thể thiếu tiền được của nông dân nên hợp đồng hết sức chặt chẽ, chi phí có thể hơi cao nhưng vẫn thuê kiểm nghiệm đầy đủ bên Việt Nam. Vì thế, khi phát hiện phía Trung Quốc có “vấn đề” Satra chỉ làm duy nhất một chuyến rồi thôi, ông Bắc cho biết.
Từ thực tế không chỉ của riêng Satra, ông Bắc “đúc kết” làm ăn với thương nhân Trung Quốc “nếu không khéo và không cẩn thận, phá sản như chơi”.
“Chúng tôi cũng thông tin trong nội bộ khi làm ăn với thương nhân Trung Quốc phải thận trọng, tất nhiên mình không đóng cửa hoàn toàn nhưng mà phải hết sức thận trọng”, ông Bắc nói.
Trong câu chuyện của mình, vị lãnh đạo Satra cũng không quên nhắc đến nỗi niềm của bà con nông dân Việt khi “mắc lưới” một số thương nhân Trung Quốc ban đầu trả giá cao mua hàng thủy sản, trả tiền đầy đủ, sau đó gom thật nhiều hàng rồi cao chạy xa bay.
Đây cũng là vấn đề đã được một số vị đại biểu Quốc hội chất vấn thành viên Chính phủ tại kỳ họp Quốc hội thứ ba vừa qua. Trao đổi với VnEconomy ngay sau phiên chất vấn đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cũng thừa nhận thực tế này.
Còn Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang khi trả lời chất vấn trực tiếp tại nghị trường cũng cho biết “đã phát hiện và xử lý một số trường hợp” một số thương nhân người nước ngoài vào các vùng miền Tây Nam Bộ để thu mua hải sản sau đó xuất ra nước ngoài lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của đồng bào, đưa ra giá mua cao hơn một chút sau đó ghi nợ, rồi lừa đảo trốn luôn.
Nguyễn Lê
tbktvn
|