Giá điện và trách nhiệm chính trị của Chính phủ
Quyết định tăng giá điện 5% bắt đầu từ 1.7 chưa ráo mực, doanh nghiệp, người dân chưa biết tính toán ra sao với hầu bao teo tóp của mình thì chiều 9.7, bộ Công thương đã phát đi thông điệp giá điện có thể điều chỉnh ba tháng một lần.
Đành rằng “điều chỉnh” có thể là tăng hoặc giảm, nhưng cứ nhìn vào một số liệu lịch sử thì ai cũng thấy và… sợ, vì giá điện chỉ có một chiều tăng. Tại buổi họp thường kỳ Chính phủ đầu tháng 7, bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam nói trong việc tăng giá điện vừa rồi, tập đoàn Điện lực Việt Nam – EVN cần “rút kinh nghiệm” vì đã “không khéo” trong khâu công khai lý do tăng giá, tuyên truyền.
Câu hỏi vì sao tăng giá điện một lần nữa được đặt ra với bộ chủ quản Công thương trong cuộc họp báo chiều 9.7, nhưng cục trưởng cục Điều tiết điện lực né bằng cách khẳng định việc này đã được sự “giám sát” của liên bộ Công thương – Tài chính. EVN – doanh nghiệp im lặng với người dân – khách hàng là điều không thể chấp nhận, nhưng có thể hiểu động cơ làm lợi cho mình của họ. Còn các bộ, với tư cách “giám sát”, thì ngoài việc không thể chấp nhận còn có thể bị quy kết động cơ. Rốt cuộc, các bộ giám sát cái gì, để làm gì mà không công khai cho dân biết? Sự “phê bình” của Chính phủ, đáng ra phải dành cho cả các bộ liên quan.
Quyết định 24 ngày 15.4.2011 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường được các bên bán và quản lý nhà nước sử dụng như lá bùa hộ mệnh. Nhưng, các chuyên gia kinh tế đã chỉ ra, nếu căn vào đó, mức tăng 5% vừa rồi cũng là… làm trái. Giả sử việc tăng giá là do thông số đầu vào cơ bản tăng, như sự cho phép của quyết định này, thì những thông số đó đang ổn định, chỉ có than tăng 10 – 11% nhưng tỷ suất huy động các nhà máy nhiệt điện từ đầu năm đến nay mới khoảng 20% tổng công suất toàn hệ thống. EVN im lặng như vậy trong bối cảnh đơn vị này đang có nhiều lùm xùm về các khoản lỗ, nhất là các khoản lỗ do đầu tư trái ngành và nhiều cán bộ chủ chốt đã – đang bị xử lý kỷ luật, người dân chỉ có thể tự giải thích với mình là EVN tăng giá để bù lỗ do lỗi có phần chủ quan của họ. Có cái lý nào vô lý như vậy?
Còn xét rộng ra, ngay từ khi mới ra đời, quyết định này đã khiến nhiều chuyên gia băn khoăn về lộ trình thực hiện. Giá điện theo cơ chế thị trường là con đường tất yếu, nhưng lộ trình đến đó phải tuỳ thuộc vào lộ trình làm cho thị trường điện cạnh tranh lên như nó phải thế chứ không phải độc quyền như hiện nay. Nếu không, cái gọi là giá thị trường chẳng qua là khoảng trống cho những trục lợi, yếu kém trong quản lý, điều hành và là sợi dây thắt họng người tiêu dùng. Cho đến nay, những gì mà bộ Công thương và EVN chuẩn bị cho sự đồng bộ hoá này hầu như vẫn còn trên giấy, ngoại trừ việc tăng giá bằng tiền tươi thóc thật mà mọi người đang than khóc.
Không ai chịu làm việc phải làm thì Chính phủ cần đứng ra giải thích với dân vì sao EVN “đăng ký” và bộ Công thương “chấp thuận” việc tăng giá này. Không có lý do chính đáng để tăng giá mà vẫn cho tăng, Chính phủ dù chỉ phê bình, EVN hay cả các bộ liên quan thì cũng… không đủ, theo nghĩa số lượng đối tượng và mức độ. Chính phủ cần làm nhiều hơn những điều thuộc chức năng quản lý trong nội bộ nội các của mình. Chính phủ còn phải có trách nhiệm với đồng tiền chi ra của người dân và tác động của việc này với toàn nền kinh tế.
Đặt quyết định tăng giá vào tình cảnh bi đát hiện nay của doanh nghiệp vì sức mua yếu, sẽ thấy, nếu như việc giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp được thống đốc ngân hàng Nhà nước gọi là “nhiệm vụ chính trị”, thì việc tăng giá điện – một chi phí đầu vào quan trọng của doanh nghiệp và chiếm cơ cấu không nhỏ trong rổ tiêu dùng của người dân – có thể gọi là việc phản chính trị, không chỉ ở chỗ mức tăng bao nhiêu, mà quan trọng hơn, là ở niềm tin vào sự quan tâm, tìm kiếm giải pháp cứu giúp của Nhà nước mà đứng đầu là Chính phủ. Doanh nghiệp, người dân biết bấu víu vào đâu nếu không muốn nói là sẽ bị đổ gục.
Thị trường ngân hàng về cơ bản đã là thị trường cạnh tranh, ai cũng biết là không nên can thiệp vào nó bằng mệnh lệnh hành chính mà phải để cho quan hệ cung – cầu tự điều chỉnh. Thế nhưng, khi mệnh lệnh hạ lãi suất được đưa ra, không chỉ doanh nghiệp mà cả các chuyên gia kinh tế, dù còn nhiều băn khoăn về cách thức thực hiện hay tính khả thi, cũng lên tiếng đồng ý với giải pháp chẳng đặng đừng này. Đó là vì họ đứng trước sự đánh đổi lớn hơn: sức khoẻ của toàn nền kinh tế. Cũng nằm chung bầu trời kinh tế này, thị trường điện đang độc quyền, hà cớ gì chạy đua với cuộc đua thị trường, để rồi tạo cớ cho những lạm dụng danh nghĩa thị trường?
Tại hội nghị sơ kết sáu tháng đầu năm và triển khai kế hoạch sáu tháng cuối năm 2012 của ngành ngân hàng, ngoài mệnh lệnh hạ lãi suất, thống đốc ngân hàng Nhà nước còn phát biểu: “Ngân hàng phải có trách nhiệm xã hội… không chỉ vì lãi suất cho vay cao mà gây phản cảm với xã hội”. Trong lúc các ngân hàng thương mại, trong đó có ngân hàng tư nhân, có thể phải chịu thiệt để không gây “phản cảm”, thì quả bóng phản cảm khác đang được sút ra từ chân của EVN, bộ Công thương, mà chỉ có bàn tay của thủ môn – Chính phủ mới có thể ngăn lại được. Sự lọt lưới lần tăng giá vừa rồi, hoặc chí ít cũng là sự không công khai minh bạch của những đường chuyền về giá, cùng với thông điệp giá điện có thể điều chỉnh ba tháng một lần mà bộ Công thương vừa mới đưa ra, sẽ đặt nền kinh tế trước nguy cơ của những bàn thua trông thấy kế tiếp.
NGUYÊN LÊ
sài gòn tiếp thị
|