Kiến nghị sửa luật để “cứu” doanh nghiệp FDI
Đại học RMIT Việt Nam là một trong số rất nhiều doanh nghiệp FDI chưa thực hiện thủ tục đăng ký lại và hiện đang hồi hộp chờ đợi các quyết định liên quan đến vấn đề này
Hàng ngàn doanh nghiệp FDI hiện đang đối mặt với khả năng phải dừng hoạt động sản xuất kinh doanh do không tuân thủ quy định về đăng ký lại theo Luật Doanh nghiệp 2005. Tuy nhiên, điều này sẽ không xảy ra nếu đề xuất mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Chính phủ chấp thuận.
Đại học RMIT Việt Nam là một trong số rất nhiều doanh nghiệp FDI chưa thực hiện thủ tục đăng ký lại và hiện đang hồi hộp chờ đợi các quyết định liên quan đến vấn đề này Đại học RMIT Việt Nam là một trong số rất nhiều doanh nghiệp FDI chưa thực hiện thủ tục đăng ký lại và hiện đang hồi hộp chờ đợi các quyết định liên quan đến vấn đề này
|
Cụ thể, cơ quan này đã kiến nghị Chính phủ hai phương án xử lý vấn đề này. Phương án thứ nhất là Chính phủ trình Quốc hội khoá XIII vào kỳ họp cuối năm 2012 ban hành Nghị quyết bỏ khoản 2, Điều 170, Luật Doanh nghiệp năm 2005 mà không chờ sửa Luật Doanh nghiệp dự kiến được thực hiện vào năm 2013.
Phương án thứ hai là Thủ tướng Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép các doanh nghiệp FDI tiếp tục được đăng ký lại cho đến khi sửa Luật Doanh nghiệp.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 27 doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại TP.HCM với tổng vốn đầu tư là 672 triệu USD và vốn điều lệ 634,4 triệu USD sẽ hết hạn hoạt động vào cuối năm 2012. Đồng thời, có tới 3.000 doanh nghiệp khác chưa tiến hành đăng ký lại mặc dù thời hạn đăng ký lại đã hết vào ngày 1/7 vừa qua.
Điều 170 của Luật Doanh nghiệp quy định rằng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập trước khi Luật này có hiệu lực phải đăng ký lại và tổ chức quản lý, hoạt động theo quy định của luật này và pháp luật có liên quan và việc đăng ký lại được thực hiện trong thời hạn hai năm, kể từ ngày luật này có hiệu lực.
Trong trường hợp không đăng ký lại, doanh nghiệp chỉ được quyền hoạt động kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề và thời hạn được ghi trong giấy phép đầu tư.
Rắc rối xảy ra khi hết thời hạn hai năm để thực hiện quy định này nhưng có rất ít doanh nghiệp tiến hành đăng ký lại, thậm chí Chính phủ đã phải gia hạn tiếp ba năm để hoàn tất việc này nhưng hiện vẫn chưa giải quyết xong.
Trao đổi với VnEconomy, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, ông Đỗ Nhất Hoàng cho biết, có ba nguyên nhân dẫn tới việc các doanh nghiệp không “chịu” đăng ký lại.
Thứ nhất, các doanh nghiệp FDI có thể thiếu cán bộ theo dõi để nắm được quy định đó.
Thứ hai, một số doanh nghiệp FDI không đăng ký lại vì họ muốn tiếp tục thực hiện các quy định tại hợp đồng và điều lệ, trong đó có nội dung rất quan trọng là các nguyên tắc biểu quyết, nhất trí. Các nguyên tắc này rất quan trọng vì liên quan đến bổ nhiệm tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, kế toán trưởng; thông qua kế hoạch kinh doanh, quyết toán vốn… và phải có sự đồng ý của các thành viên hội đồng quản trị, và tất cả các bên trong liên doanh.
Trong khi đó, theo quy định mới, việc biểu quyết những vấn đề như vậy thì trên cơ sở thành viên đại diện 65% vốn điều lệ biểu quyết là được. Vì thế, ở những liên doanh mà bên góp vốn có tỷ lệ vốn thấp thường thuộc phía Việt Nam, họ muốn duy trì quy định này, nên không muốn đăng ký lại.
Thứ ba, trong quá trình đăng ký lại, các cơ quan cấp phép đầu tư không quy định lại những ưu đãi đã ghi trong hồ sơ của doanh nghiệp trước đây. Vì thế, doanh nghiệp lo lắng không được hưởng những ưu đãi đó nữa, nên họ không muốn đăng ký lại.
Ông Hoàng cũng cho biết, đây mới chỉ là đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, còn cụ thể thế nào thì phải chờ Chính phủ trình Quốc hội xem xét.
Trước đó, nhiều ý kiến từng cho rằng, nếu trước đây không đưa nội dung đăng ký lại vào Luật Doanh nghiệp thì bây giờ các cơ quan quản lý đỡ phải đi “sửa sai”.
Về vấn đề này, ông Hoàng nói tại thời điểm soạn thảo, cơ quan soạn thảo đã từng kỳ vọng là tất cả các doanh nghiệp đều chuyển đổi sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư mới.
Nghệ Nhân
TBKTVN
|