Thứ Sáu, 13/07/2012 21:54

Xác lập lại vai trò kinh tế tư nhân: Đừng phân biệt đối xử!

Không chỉ tự xoay xở để tìm đường sống trong điều kiện kinh tế đình trệ, khối doanh nghiệp tư nhân còn chịu nhiều thiệt thòi và rủi ro từ chính sách, quy định của pháp luật...

Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT CTCP Vinamit: Nên miễn thuế GTGT cho DNTN

Nếu giai đoạn 1991, khủng hoảng kinh tế tàn phá khu vực kinh tế quốc doanh thì trong cơn suy thoái hiện nay, khối doanh nghiệp tư nhân (DNTN) đang chịu thiệt hại nặng nhất. Họ đã suy kiệt bởi thị trường gần như đóng băng, lại phải chịu các áp lực về thuế, lãi suất ngân hàng, hàng giả, hàng dỏm…

Ngoài ra, DN sản xuất và chế biến nông sản còn phải cõng thêm thuế GTGT thay cho nông dân. Theo quy định, hàng hóa nông dân bán ra không chịu thuế GTGT (trong khi đầu vào của sản xuất nông nghiệp là giống, phân bón, máy móc nông cụ… đều có GTGT) nên mặc nhiên tất cả chi phí đều được tính vào giá thành.

DN mua hàng của nông dân, sản xuất - chế biến rồi bán ra thị trường nội địa thì phải chịu 10% thuế GTGT trên sản phẩm mà không được khấu trừ đầu vào (mỗi năm, Vinamit đóng khoảng 100 tỉ đồng tiền thuế GTGT). Đây là bất hợp lý gây thiệt thòi cho DNTN, làm tăng giá thành sản xuất, giảm sức cạnh tranh và sâu xa hơn đã triệt tiêu ngành phân phối trong nước do DN không mua trực tiếp từ nông dân mà thông qua thương lái.

Khối DNTN còn bị phân biệt đối xử so với DN Nhà nước dù đóng góp của khu vực này cho nền kinh tế rất lớn (khoảng 50% GDP). Chính phủ cũng đã có một số chủ trương, chính sách hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân nhưng chỉ có những chính sách thông qua ngân hàng thì đến được với DN, còn những chính sách khác hầu như rất xa vời. Ngay cả việc tìm kiếm thị trường, khối DNTN cũng tự lo; các hiệp hội, câu lạc bộ DN cũng tự thân vận động.

Để vực dậy khu vực kinh tế này, Nhà nước cần nhanh chóng thực hiện các chính sách giảm thuế, trước mắt là miễn thuế GTGT để DN dùng số tiền thuế được miễn tái đầu tư.

Ông Cao Tiến Vị, Chủ tịch HĐQT CTCP Giấy Sài Gòn: Chính sách phải nhất quán

Đối với khối DN ngoài Nhà nước, sự bất ổn hoặc thay đổi quá nhanh của các chính sách vĩ mô gây tác động rất lớn. Bản thân Giấy Sài Gòn cũng “kẹt cứng” vì không trở tay kịp trước những thay đổi chính sách. Năm 2007, công ty lập dự án mở nhà máy mới ở Vũng Tàu, dự kiến tổng vốn đầu tư là 100 triệu USD.

Thời điểm đó, lãi suất ngân hàng là 12%, Nhà nước khuyến khích đầu tư phát triển công nghệ mới và hỗ trợ 4% lãi suất vay; nhập khẩu thiết bị dây chuyền sản xuất đồng bộ được miễn thuế GTGT… Đùng một cái, năm 2008, chương trình hỗ trợ 4% lãi suất bị cắt; lãi suất NH liên tục “nhảy múa”, có thời điểm trên 20%; thiết bị nhập khẩu đồng bộ cũng bị đánh thuế GTGT 10%...

Những thay đổi bất ngờ này đẩy chúng tôi vào thế tiến thoái lưỡng nan. Lẽ ra, theo kế hoạch, nhà máy đã hoàn thành từ 2 năm trước nhưng nay mới đưa vào hoạt động một trong 3 dây chuyền sản xuất. Nguồn vốn cho dự án tăng đáng kể, chưa kể các tổn thất do nhà máy chậm tiến độ.

Từ đó, có thể nói rằng DNTN mong rằng chính sách kinh tế phải nhất quán, đừng giật cục; kèm theo đó là chính sách hỗ trợ nhất quán, có trọng tâm để kích thích đúng đối tượng, ngành nghề cần ưu tiên và tạo môi trường thuận lợi cho DN yên tâm hoạt động.

Ông Trần Thế Dũng, Phó GĐ Công ty Du lịch Thế hệ trẻ: Thiệt thòi vì luật chưa chặt

Các DN du lịch Nhà nước có lợi thế về tài sản, được hỗ trợ cơ sở vật chất và có nhiều kinh phí để thực hiện các chương trình dài hơi, có mối quan hệ tốt và lượng khách ổn định nên được các đơn vị cung ứng dịch vụ ưu tiên hơn, cung cấp với giá thấp hơn. Những DNTN không có được những thế mạnh này nên phải rất cân nhắc trước mọi quyết định. Bên cạnh đó, do Luật Du lịch chưa có các điều khoản quy định về sở hữu trí tuệ và việc các công ty cùng khai thác một số tour, tuyến là bình thường nên đã xảy ra tình trạng “đạo” tour trắng trợn, gây thiệt hại cho những DN tiên phong trong việc khai thác tour tuyến mới.

Ngành du lịch đang chịu ảnh hưởng bởi khó khăn chung của nền kinh tế. Trong giai đoạn này, nếu được giảm thuế GTGT còn 5% hoặc hỗ trợ giảm các loại thuế khác, các DNTN sẽ có điều kiện sử dụng số thuế được giảm này để hạ giá tour và tăng kích cầu.

Thanh Nhân ghi

người lao động

Các tin tức khác

>   Thoái vốn ngoài ngành: Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược (13/07/2012)

>   Bưu chính chật vật cạnh tranh (13/07/2012)

>   Hơn 70% doanh nghiệp khai lỗ (13/07/2012)

>   'Nhà đầu tư Việt thận trọng nhất Đông Nam Á' (13/07/2012)

>   Thủ tướng yêu cầu EVN từ năm nay phải có lãi (13/07/2012)

>   Brazil: Các công ty giày VN không trốn thuế (13/07/2012)

>   Giá xăng sẽ tách bạch lợi nhuận doanh nghiệp (13/07/2012)

>   Nhật Bản muốn lập công ty tài chính tại TPHCM (13/07/2012)

>   Vinacomin: 6 tháng đầu năm ước đạt 500 tỷ đồng lợi nhuận (13/07/2012)

>   Một kiểu trúng thầu lạ đời (13/07/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật