Thứ Sáu, 13/07/2012 21:47

Thoái vốn ngoài ngành: Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược

Chính phủ đang yêu cầu các tập đoàn thoái vốn đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính của mình. Lãnh đạo các tập đoàn này đi tới đâu cũng hô hào điều đó. Thế nhưng nói một đàng, thực tế mỗi doanh nghiệp lại làm một nẻo.

Dự thảo Nghị định về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu của Bộ Tài chính nêu rõ: “Doanh nghiệp đã góp vốn, đầu tư vào các lĩnh vực quy định (bất động sản, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm) phải có phương án cơ cấu lại theo hướng giảm dần tỷ lệ vốn góp. Việc thoái vốn tại các lĩnh vực này phải hoàn thành trước ngày 31-12-2015”. Tuy nhiên, vì chưa có quy định chung, nên việc thoái vốn thế nào, thoái cho ai và lộ trình thực hiện cụ thể ra sao là do doanh nghiệp quyết định.

Tại hội nghị về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước do Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức đầu tháng 6 tại Hà Nội, mỗi doanh nghiệp báo cáo chuyện thoái vốn một kiểu. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), đứng thứ hai trong danh sách đầu tư ngoài ngành (gần 7.000 tỉ đồng) chỉ sau tập đoàn Công nghiệp Cao su, đã thừa nhận việc kinh doanh đa ngành không hiệu quả và giải pháp được đưa ra là không cho phép doanh nghiệp thành viên tiếp tục đầu tư, thành lập thêm doanh nghiệp ngoài ngành chính; đồng thời bán phần vốn đã đầu tư cho tất cả các nhà đầu tư có nhu cầu, kể cả bán trực tiếp trên sàn giao dịch chứng khoán. PVN còn đề xuất “mạnh dạn xử lý các đơn vị làm ăn thua lỗ, mục đích kinh doanh không phù hợp”.

Lộ trình chung thì thế. Nhưng cách đây hơn một năm PVN đã ban hành quy chế sử dụng nhãn hiệu của PVN, nhằm hợp thức hóa việc đầu tư dưới nhiều hình thức khác nhau vào các công ty con và công ty liên kết.

Thoạt nhìn thì việc quản lý và sử dụng quy chế này có vẻ chặt chẽ (có hợp đồng, quy định thu phí không thấp hơn 1 tỉ đồng/doanh nghiệp sử dụng) nhằm tránh việc sử dụng thương hiệu tràn lan như ở Vinashin trước đây. Song, thực tế chưa có một khung pháp lý nào quy định việc sử dụng thương hiệu của các tập đoàn ra sao, các tập đoàn có được phép ban hành quy chế riêng về việc sử dụng thương hiệu do Nhà nước quản lý hay không. Việc thu phí sử dụng thương hiệu dù nhiều hay ít cũng cần phải làm rõ vì PVN không có chức năng kinh doanh thương hiệu.

Vấn đề quan trọng nhất là PVN không đưa ra một lộ trình chi tiết về việc thoái số vốn 5.636 tỉ đồng đầu tư vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm (chiếm đến 52,6% tổng vốn đầu tư vào các lĩnh vực này của 21 tập đoàn, tổng công ty nhà nước). Mặt khác, trong lĩnh vực bất động sản, sau khi tuyên bố rút vốn tại tòa tháp dầu khí do Tổng công ty Xây lắp dầu khí (PVX) làm chủ đầu tư, PVN chuyển qua mua thêm 1.100 tỉ đồng cổ phần tăng thêm do PVX phát hành. Trước đó, Chính phủ đã có chỉ thị yêu cầu PVN rút lui, không được góp vốn vào lĩnh vực bất động sản.

Ở tập đoàn Điện lực (EVN), theo những công bố thì số vốn phải thoái khác xa con số mà Bộ Công Thương đưa ra. Văn bản về tái cơ cấu của tập đoàn hôm 8-6-2012 cho biết EVN sẽ chuyển nhượng toàn bộ vốn cổ phần đã đầu tư ngoài ngành (khoảng 1.102 tỉ đồng) từ nay đến năm 2015. Trong khi đó, cuối năm 2011, Bộ Công Thương lại khẳng định bằng văn bản là EVN còn 2.108 tỉ đồng đầu tư vào ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản (không tính phần đã thoái ở EVN Telecom). Như vậy 1.000 tỉ đồng chênh lệch này thực hư ra sao và sẽ giải quyết như thế nào?

Còn phương án chuyển nhượng 5,3% vốn của EVN ở Ngân hàng An Bình về HDBank đã bị Ngân hàng Nhà nước chính thức từ chối vì “các bên chưa đáp ứng được yêu cầu về tỷ lệ chuyển nhượng vốn sở hữu cổ phần theo quy định của Ngân hàng Nhà nước”. Đến nay chưa thấy phương án thay thế hoặc xử lý vấn đề này từ EVN.

Riêng với tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản (TKV) cũng khó mà thoái được vốn đã góp vào Quỹ Đầu tư Việt Nam (48 tỉ đồng) - một trong năm doanh nghiệp mà TKV hiện đang còn “tồn” vài chục tỉ đồng vốn góp/doanh nghiệp. Trước đó, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, tập đoàn Sông Đà cũng có phần vốn góp 144 tỉ đồng vào Quỹ Đầu tư Việt Nam và cũng đã có quyết định thoái vốn khỏi quỹ này cách đây một năm nhưng chưa thu hồi được số tiền đã đầu tư, có nguy cơ mất vốn.

Đáng kể nhất là tập đoàn Công nghiệp Cao su (VRG), nơi có 20% vốn điều lệ đầu tư ra ngoài ngành (3.700 tỉ đồng) và gần một nửa trong số này rót vào lĩnh vực bất động sản. Thay vì thoái vốn theo yêu cầu của Chính phủ, VRG đã hợp thức hóa việc đầu tư bất động sản bằng đề nghị tái cơ cấu tập đoàn theo hướng cho phép bổ sung ngành đầu tư khu công nghiệp là ngành kinh doanh chính.

Trong khi đó thực trạng kinh doanh ở 13 khu công nghiệp (là đất trồng cao su được chuyển đổi mục đích) của tập đoàn này chẳng khả quan gì: ba khu công nghiệp cho thuê được 80%, năm khu cho thuê được 20% và 10 khu công nghiệp còn lại hiện mới đang đi vào hoạt động hoặc đang chuẩn bị các thủ tục đầu tư. Với hiện trạng các khu công nghiệp trên cả nước chỉ mới lấp đầy chưa tới 40% diện tích và hàng trăm khu công nghiệp đang đầu tư dang dở cho thấy đề nghị này của VRG cũng không mấy khả thi.

Không thể để các tập đoàn thích hiểu hoặc thích thoái vốn theo bất cứ lộ trình riêng nào của họ mà cần phải có “đường ray” cho các con tàu trật bánh chạy trở lại đúng đường của mình.

Ngọc Lan

tbktsg

Các tin tức khác

>   Bưu chính chật vật cạnh tranh (13/07/2012)

>   Hơn 70% doanh nghiệp khai lỗ (13/07/2012)

>   'Nhà đầu tư Việt thận trọng nhất Đông Nam Á' (13/07/2012)

>   Thủ tướng yêu cầu EVN từ năm nay phải có lãi (13/07/2012)

>   Brazil: Các công ty giày VN không trốn thuế (13/07/2012)

>   Giá xăng sẽ tách bạch lợi nhuận doanh nghiệp (13/07/2012)

>   Nhật Bản muốn lập công ty tài chính tại TPHCM (13/07/2012)

>   Vinacomin: 6 tháng đầu năm ước đạt 500 tỷ đồng lợi nhuận (13/07/2012)

>   Một kiểu trúng thầu lạ đời (13/07/2012)

>   Cắt giảm gần 9.100 dòng thuế với Chi Lê (13/07/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật