Thứ Ba, 17/07/2012 09:20

Bán Công ty Bia Huế: Lấy vốn đầu tư hạ tầng?

Trước những ý kiến chưa đồng tình với quyết định chuyển nhượng Công ty Bia Huế cho đối tác Đan Mạch của UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, trong báo cáo trả lời cử tri (số 70/BC-UBND ngày 4/7/2012), UBND tỉnh TT- Huế cho rằng, ngoài thu hút vốn FDI, quan trọng hơn là tạo nguồn thu cho ngân sách tỉnh để thực hiện một số nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và phát triển đô thị theo Kết luận 48/KL-BCT của Bộ Chính trị.

Chuyển nhượng có vội vàng?

Hợp đồng chuyển 50% cho đối tác Đan Mạch được UBND tỉnh TT- Huế ký ngày 28/10/2011. Theo báo cáo số 70/BC-UBND, chuyển nhượng 50% vốn trong liên doanh Công ty Bia Huế, tỉnh TT - Huế nhận được 1.875 tỉ đồng, sau khi trừ chi phí chuyển nhượng 545 triệu đồng, thuế thu nhập 411 tỉ đồng. Số tiền còn lại 1.250 tỉ đồng đã được phía Đan Mạch chuyển đủ và đã được chi cho đầu tư hạ tầng và các dự án trọng điểm của địa phương.

Giải trình về tính hợp pháp của việc chuyển nhượng phần vốn này, UBND tỉnh cho biết, quyết định đã được Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh thống nhất chủ trương và có ý kiến tham mưu của các ban, ngành, tỉnh đã lập hội đồng giám sát, thuê tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp, thẩm định hợp đồng chuyển nhượng vốn… Trên cơ sở đó, UBND tỉnh mới chốt được con số cuối cùng là 1.875 tỉ đồng và thống nhất chuyển nhượng cho đối tác Đan Mạch.

Còn lý giải vì sao lại bán Công ty Bia Huế đang ăn nên làm ra, mỗi năm nộp ngân sách trên dưới 800 tỉ đồng, chiếm 1/3 ngân sách tỉnh, UBND tỉnh giải thích, Công ty Bia Huế với nhãn hiệu Huda chỉ chiếm 8% thị phần cả nước và trong thị trường cạnh tranh hiện nay phải đầu tư mở rộng để nâng thị phần lên từ 15- 20%.

Tuy nhiên, muốn đầu tư mở rộng phải tăng vốn nhưng tỉnh không đủ sức nên chọn phương án chuyển nhượng toàn bộ phần vốn cho đối tác Đan Mạch… Đồng thời, đối tác Đan Mạch hứa đến năm 2015 sẽ nâng công suất từ 230 triệu lít hiện nay lên 350 triệu lít và… sau đó là 1 tỉ lít/năm.

Không thuyết phục?

Công việc chuyển nhượng đã xong, nếu không khả thi cũng chẳng lấy lại được; nhưng nhiều ý kiến cho rằng, UBND tỉnh TT- Huế giải trình chuyển nhượng phần vốn cho đối tác Đan Mạch chưa thuyết phục. Theo quy định pháp luật, phần vốn góp trong liên doanh phải được chào bán công khai, chứ đây không phải là việc chuyển nhượng trao tay giữa hai bên.

Theo lộ trình sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước của tỉnh Thừa Thiên - Huế được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND tỉnh không tiếp tục trực tiếp quản lý phần vốn đầu tư vào Công ty Bia Huế như lâu nay mà lựa chọn chuyển nhượng vốn, cổ phần hóa hoặc chuyển vốn cho Tổng công ty Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Nhưng tỉnh Thừa Thiên - Huế đã “vội” chọn phương án chuyển nhượng vốn.

Lý do bán Công ty Bia Huế để có vốn đầu tư cho hạ tầng nhằm thực hiện Kết luận 48 của Bộ Chính trị mà UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế liệu đã đủ thuyết phục khi vội vàng bán mà bỏ qua quy trình đấu giá?

Trần Minh

báo công thương

Các tin tức khác

>   Cước vận tải: Vẫn điệp khúc tăng nhiều, giảm ít (16/07/2012)

>   Đề nghị lập Hiệp hội Các DN xuất khẩu clinker và xi măng (16/07/2012)

>   G7 và Nescafé - Trứng và đá? (16/07/2012)

>   Đại hạ giá vẫn ế ẩm (P1): Trung tâm thương mại đìu hiu (16/07/2012)

>   Tập đoàn nhà nước cắt giảm lương (16/07/2012)

>   Công ty mẹ VNPT sẽ chuyên đầu tư tài chính? (16/07/2012)

>   Doanh nghiệp thực phẩm “kêu cứu” (16/07/2012)

>   Hàng ế đầy kho, phó tổng giám đốc cũng phải đi bán hàng (16/07/2012)

>   Máy móc thiết bị chủ yếu vẫn nhập từ Trung Quốc (16/07/2012)

>   Lotte mua 20% vốn Minh Vân, chuyển sang 100% vốn ngoại (16/07/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật