Góc nhìn Nhà đầu tư
TTCK hắt hủi mọi nỗ lực của chính sách vĩ mô
Thị trường chứng khoán tiếp đà lao dốc bất chấp mọi tin tốt xuất hiện. Dường như thị trường đang hắt hủi mọi nỗ lực của chính sách vĩ mô.
Cách đây 6 tháng chúng ta đã chứng kiến sự tăng trưởng trở lại của TTCK chủ yếu nhờ vào tín hiệu CPI giảm dần và hai cú hích giảm lãi suất về 13%/năm và 12%/năm vào 13/3/2012 và 11/4/2012. Đồng thời, nếu nhìn lại con sóng nhỏ vào tháng 8 và tháng 9/2011, thị trường cũng có một đợt hồi phục nhờ cú hích đưa mặt bằng lãi suất huy động về 14%/năm và giá xăng giảm 500 đồng.
Thế nhưng, kể từ 9/5/2012 (là thời điểm tạo đỉnh của con sóng kéo dài từ ngày 9/1/2012) đến nay đã tròn hai tháng, TTCK dường như đang hắt hủi mọi nỗ lực của chính sách vĩ mô. Nhiều ý kiến cho rằng đó là do điều chỉnh kỹ thuật. Kể ra thì cũng đúng khi thị trường đã trải qua một đợt tăng dài; và các nhà đầu tư, từ nhỏ lẻ đến giới phân tích kỹ thuật, đều nhìn nhận sự suy giảm của thị trường vào thời điểm giữa tháng 5 trở đi là tất yếu, là đúng đắn.
Mùa Sell in May cũng qua đi hai tháng và thị trường vẫn cứ rơi trong bối cảnh vĩ mô không hề xấu đi so với thời điểm cuối năm 2011, thậm chí chúng ta phải thừa nhận các nhà điều hành chính sách ngày càng nỗ lực để nền kinh tế dần đi theo hướng tích cực hơn.
Tuy nhiên, các công ty chứng khoán cũng như giới phân tích kỹ thuật trên khắp các diễn đàn, cùng nhau hướng nhận định về những mốc lịch sử của năm 2011. Nào là VN-Index sẽ phải test lại 380, rồi 330; HNX-Index sẽ phải hướng về 60, rồi sẽ đến 55. Chỉ một bộ phận rất nhỏ nhà đầu tư tin tưởng vào chính sách vĩ mô mà “ôm” cổ phiếu (kể ra trong hai tuần trở lại đây cũng bị thiệt hại đi đáng kể, phần thưởng không biết có dành cho người dũng cảm?).
Chúng ta đang chứng kiến TTCK rơi bất chấp CPI giảm, bất chấp nỗ lực điều hành giá xăng dầu và cũng bỏ qua những thông tin tích cực về lãi suất, trong đó lãi suất đầu vào đã giảm xuống 9%/năm. Đặc biệt, phiên giao dịch ngày 9/7/2012 giảm mạnh ngay từ đầu phiên “do bị phản ứng bởi tin lãi suất cho vay với nợ cũ phải điều chỉnh về dưới 15%/năm bởi mệnh lệnh hành chính của NHNN”.
Dù là mệnh lệnh hành chính, hay sự điều tiết của thị trường thì chúng ta cũng nhận thấy các nhà điều hành đã và đang hoàn thành mục tiêu trước dự kiến khi đưa lãi suất huy động về 10%/năm. Hiện nay, người viết đang nhận thấy các nhà điều hành bắt đầu điều chỉnh trực tiếp vào lãi suất đầu ra. Mệnh lệnh đầu tiên đưa lãi suất cho vay với nợ cũ về dưới 15%/năm có vẻ rất giống với thời điểm ép lãi suất huy động về 14%/năm, nhưng hình như không có hình thức xử phạt kèm theo: chẳng hạn như nếu sau ngày 15/7 ngân hàng nào không điều chỉnh nợ vay cũ về dưới 15%/năm sẽ phải xử phạt hành chính?
Chẳng lẽ vì thế mà TTCK thiếu niềm tin nên cứ hoài đà giảm, hay thị trường đang bị định giá quá cao cho dù giá cổ phiếu trở lại “điệp khúc” vài nghìn đồng/cp nhưng vẫn là “quá đắt”?
Ngoài ra, phiên giao dịch ngày 9/7/2012 cũng chứng khiến sự ra đời của HNX30, cho dù HNX30 được cấu thành toàn “hàng cấm”, hàng không đủ tuổi “dưới mệnh giá” nên vừa mới chào đời đã không được đón nhận, và cũng bị hắt hủi như một đứa trẻ sinh ra đã mang trên mình nhiều dị tật.
Lúc này, nhiều nhà đầu tư đã chán nản, thậm chí còn đoán trúng gần như 100% diễn biến thị trường ngày mai bởi tin càng tốt càng ra thì càng giảm mạnh. Đó là điệp khúc của thị trường hiện nay!
Liệu TTCK có nên tiếp tục hắt hủi mọi sự nỗ lực của chính sách vĩ mô không? Và đâu rồi câu nói TTCK luôn đi trước một bước?
Cát Lợi (Vietstock)
FFN
|