Mong... tháng 7 qua mau
TTCK đã bắt đầu những phiên giao dịch đầu tháng 7 với trạng thái uể oải nối dài từ tháng 6. Trong tháng đầu của quý III/2012, liệu thị trường có khả năng hồi sức và lấy lại phong độ của những tháng đầu năm?
Mặc dù có rất nhiều thông tin tích cực hỗ trợ dài kỳ nhưng TTCK dường như vẫn “trơ lỳ”.
Hết... lực đỡ
Diễn biến đó cho thấy các thông tin tích cực, chủ yếu từ nền kinh tế vĩ mô như chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã giảm sâu xuống mức rất thấp, thậm chí là đạt mức âm; trần lãi suất huy động tiền gửi của hệ thống ngân hàng cũng đã được cơ quan quản lý điều chỉnh kịp thời với các bước chuyển động của CPI và kéo giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 8 năm qua và chỉ còn ở mức 9%/ năm; giá xăng dầu sau một đợt tăng mạnh đã liên tiếp hai lần điều chỉnh giảm; đồng thời, các nhà quản lý cũng đã tích cực thể hiện thông điệp đã định hướng và cam kết: Tiếp tục ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, song song vẫn đưa ra các biện pháp để cung vốn với một số lượng lớn ra nền kinh tế…, không phát huy được tác động tới thị trường.
Phải nhìn nhận rằng các thông tin vĩ mô tuy tích cực nhưng chỉ có thể nhìn được ở... bề mặt. Theo nhiều NĐT, “tảng băng chìm” ở dưới những dải màu tươi sáng kể trên, vẫn rất khó dự đoán. Họ có nhiều lý do để ngần ngại chưa dám tham gia mua bán cổ phiếu mạnh tay.
Ông Phan Dũng Khánh - Trưởng phòng Phân tích – Tư vấn Đầu tư CTCK Kim Eng VN nhìn nhận: Nói ngắn gọn, việc giá xăng dầu giảm, thuế giảm, lạm phát giảm… hầu như ko ảnh hưởng thị trường bởi thực chất thì các yếu tố nội tại vẫn còn xấu. Thành phần nền tảng của TTCK là cổ phiếu và cổ phiếu thì đại diện cho DN, mà DN lại đại diện cho nền kinh tế. Nền kinh tế dù có thông tin tích cực hỗ trợ nhưng quan sát kỹ thấy nội tại vẫn chưa có gì thay đổi. CPI, nhập siêu giảm nhưng song hành là các DN phá sản nhiều hơn, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên. Người lao động thất nghiệp nên cắt giảm chi tiêu, thắt chặt mua sắm hàng hóa, mãi lực hàng hóa giá hàng hóa giảm và vòng tròn hệ quá là DN không bán được hàng cũ, phải giảm giá để bán và hàng tồn kho lại tiếp tục tăng lên. DN không sản xuất được hàng mới, không thu được tiền hàng cũ, tiếp tục cắt giảm nhân công lao động, đồng thời theo đó sẽ cắt giảm nhập khẩu nguyên liệu. Đó chính là nguyên do khiến nhập siêu và CPI cùng giảm… Như thế, rõ ràng là hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN đang bất ổn. Dòng tiền vào thị trường nếu có, vì vậy không thể là dòng tiền bền vững mà chủ yếu đầu cơ nóng, đánh nhanh rút lẹ. Kết quả sau cùng: NĐT khó có niềm tin để đầu tư vào cổ phiếu.
Tích lũy, chờ thời
Một nguyên do khác khiến TTCK khó khởi sắc, là sự thiếu vắng của các NĐT ngoại. Đây vốn là lực đỡ của TTCK trong những khoảng thời gian trước đó, giúp thị trường tăng đà hưng phấn. Tuy nhiên, tình trạng NĐT ngoại “đóng cửa đi chơi” sau giai đoạn thoái vốn hưởng lợi của mấy tháng hai sàn chứng khoán tăng vùn vụt đã làm TTCK hụt hẫng không ít. Trong tháng 6, thống kê từ hai sàn HoSE cho thấy sau khi mua ròng 115 tỷ đồng trong tháng 5, khối ngoại đã bán ròng 653 tỷ đồng. Giá trị mua vào giảm 19% xuống 2.461 tỷ đồng trong khi giá trị bán ra tăng 7% lên 3.113 tỷ đồng. Khối lượng cổ phiếu bán ròng là 32,7 triệu đơn vị. Còn tại HNX, khối ngoại cũng giảm giá trị mua ròng tới 15%, xuống 142 tỷ đồng. Trong đó, giá trị mua vào và bán ra giảm lần lượt 31% và 40%, đạt tương ứng 345 tỷ đồng và 202 tỷ đồng. Khối lượng cổ phiếu mua ròng là 11,2 triệu đơn vị.
Khi NĐT ngoại đứng ngoài quan sát thị trường thì NĐT nội cũng giảm đà hưng phấn và bắt buộc phải quan sát, nhìn quanh. Xu thế chủ đạo của thị trường lúc này vẫn là… đứng ngoài quan sát.
Một điều nữa cũng khiến các NĐT chọn thái độ chờ thời trong giai đoạn bắt đầu của quý III, là lịch sử của TTCK VN từ năm 2001 đến nay cho một ấn tượng khá xấu về hoạt động giao dịch chứng khoán trong tháng 7: VN-Index chỉ có 2 năm tăng điểm vào tháng 7 nhưng có tới 9 năm giảm điểm. Đây cũng là tháng mà VN-Index từng có mức giảm điểm mạnh nhất với mức trung bình -4,4%. Do đó, các CTCK và cả NĐT đều thận trọng hơn khi đưa ra các dự báo về xu hướng của TTCK trong tháng 7. Cũng cần phải nói rằng tuy một thị trường vốn bậc cao nhưng nhìn chung TTCK cũng vẫn còn là nơi mà các NĐT giao dịch trong tâm lý cầu may, tránh rủi và các “ngưỡng tâm lý” của quá khứ vẫn có sức tác động rất lớn tới quyết định của các NĐT. Điều này đặc biệt ứng với một TTCK mà NĐT đa phần vẫn còn giao dịch theo xu thế đám đông, chưa thực sự chuyên nghiệp như CKVN.
Dù vậy, tháng 7 mới chỉ là khởi đầu của chặng thời gian trong 6 tháng cuối năm. “Điểm rơi” các báo cáo tài chính bán niên có soát xét của các DNNY trên TTCK sẽ lần lượt được công bố trong tháng 7 được kỳ vọng sẽ là lực tác động quan trong tới động thái của nhiều NĐT trên thị trường. Hơn thế, cơ hội kinh doanh của phần lớn DNNY vẫn thường được cho là rộng mở hơn vào những tháng cuối năm, nhất là khi chính sách tiền tệ thực sự nới lỏng, thì điều đó cũng đồng nghĩa với cơ hội của TTCK.
Lê Mỹ
Diễn đàn DN
|