Thứ Sáu, 06/07/2012 07:16

Tìm lối ra cho kinh tế Việt Nam:

Quyết liệt tạo kênh dẫn vốn dài hạn

Tại VN, ước tính vốn ngân hàng (NH) trong các doanh nghiệp (DN) vẫn chiếm hơn 70% trong khi ở Malaysia, con số này chỉ là 4%, Philippines là 27%, Thái Lan 40%, Indonesia 35%... Sự phụ thuộc vào nguồn vốn NH của DN chỉ có thể cải thiện một khi các kênh dẫn vốn dài hạn phát triển.

* Cắt "sở hữu chéo" trị nợ xấu

Thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Nguồn vốn huy động từ trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) là dòng vốn ổn định nhất, với thời hạn có thể lên tới 15 - 20 năm. DN khi phát hành trái phiếu sẽ chủ động kiểm soát được rủi ro lãi suất (LS) chứ không bị động như sử dụng vốn vay từ NH. Nếu vốn vay từ NH chủ yếu là vốn ngắn hạn, chỉ dùng để bổ sung vốn lưu động thì với trái phiếu, DN có nguồn lực để từ đó có thể hoạch định kế hoạch đầu tư phát triển dài hạn.

 

DN khi phát hành trái phiếu sẽ chủ động kiểm soát được rủi ro lãi suất chứ không bị động như sử dụng vốn vay từ NH. Nếu vốn vay từ NH chủ yếu là vốn ngắn hạn, chỉ dùng để bổ sung vốn lưu động thì với trái phiếu, DN có nguồn lực để từ đó có thể hoạch định kế hoạch đầu tư phát triển dài hạn

Dù quan trọng như vậy nhưng cho tới nay, thị trường TPDN của VN hầu như chưa định hình. Thời gian qua chỉ có vài DN lớn, một số tổng công ty, tập đoàn nhà nước phát hành thành công TPDN nhưng hầu hết cũng chỉ là TPDN ngắn hạn từ 1 - 3 năm.

Nhận xét về nguyên nhân của tình trạng trên, TS Nguyễn Văn Thuận - Trưởng khoa Tài chính - NH (Trường ĐH Mở TPHCM) - cho rằng do hành lang pháp lý cho thị trường này còn quá sơ sài. Việc thiếu khung pháp lý, đặc biệt là vấn đề vai trò giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, xử phạt các hành vi vi phạm trong phát hành... đã khiến các nhà đầu tư (NĐT) không yên tâm rằng mình đã được bảo vệ tốt, từ đó họ có tâm lý e ngại, hạn chế tham gia các đợt phát hành trái phiếu của DN. Đây là những điểm quan trọng cần phải khắc phục ngay.

Đồng tình với nhận xét này, TS Lê Đạt Chí (ĐH Kinh tế TPHCM) cũng cho rằng nhà nước phải xây dựng ngay các chính sách bảo vệ NĐT, tạo niềm tin cho họ. Cụ thể là xây dựng điều kiện đối với DN phát hành trái phiếu về quy mô, tính minh bạch thông tin; những quy định về tài sản đảm bảo hay cam kết về dự án đầu tư khi huy động vốn bằng trái phiếu... Song song đó, NHNN cần có những chính sách khuyến khích hệ thống NH thương mại tham gia đầu tư vào TPDN hơn là chủ yếu mang vốn huy động gửi lại ở những NH khác. Nhà nước cũng cần chú trọng phát huy vai trò giám sát tình hình sử dụng vốn huy động từ trái phiếu ở DN một cách thường xuyên.

Nâng cấp Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Hầu hết các chuyên gia tài chính đều cho rằng cần thiết phải nâng cấp UBCKNN, tách cơ quan này thành một cơ quan độc lập ngang tầm cấp Bộ. Khi đó UBCKNN mới có thể chủ động và linh hoạt hơn trong việc xây dựng các chính sách thúc đẩy TTCK phát triển, có thể phối hợp cùng với Bộ Tài chính và NHNN đưa ra những giải pháp phát triển thị trường vốn trong tương lai.

Tại Mỹ, Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) độc lập và ngang hàng với NH Trung ương và Bộ Tài chính. Tại Anh, Bộ Tài chính, NH Trung ương và Cơ quan Dịch vụ tài chính - đơn vị quản lý các công ty chứng khoán, NH đầu tư... cũng là 3 đơn vị tồn tại độc lập. Đó là mô hình VN có thể nghiên cứu áp dụng.

Từ góc độ cá nhân, ông Trịnh Hoài Giang - Phó chủ tịch Hiệp hội Trái phiếu VN - đề xuất, cần tổ chức hoặc khuyến khích thành lập cơ quan định mức tín nhiệm. Bản thân các DN cũng phải tự nâng cấp về quy mô và uy tín để thu hút được sự tham gia của NĐT mua trái phiếu. Theo ông Giang, 3 yếu tố quan trọng để hình thành và thúc đẩy được thị trường TPDN gồm thông tin minh bạch, sự hấp dẫn của trái phiếu (ví dụ TPDN có LS cao hơn LS của trái phiếu Chính phủ) và tính thanh khoản cao của TPDN.

Tăng thanh khoản cho thị trường chứng khoán

Tổng mức huy động vốn trên thị trường chứng khoán (TTCK) thông qua phát hành cổ phiếu (CP), đấu giá cổ phần hóa và đấu thầu trái phiếu Chính phủ 6 tháng đầu năm nay đạt 84.000 tỉ đồng (tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2011). Tuy nhiên, Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN) thừa nhận vốn huy động qua phát hành CP đã giảm mạnh khoảng 50% so với cùng kỳ. Theo giấy chứng nhận chào bán CP được cấp thì các DN chỉ huy động được hơn 5.468 tỉ đồng, một con số quá khiêm tốn so với tổng số vốn huy động được 100.000 tỉ đồng trong năm 2010.

Huy động vốn của DN từ năm 2001 đến nay đã sụt giảm mạnh do giá CP trên sàn giảm mạnh, NĐT không muốn tiếp tục bỏ vốn vào TTCK. Không huy động vốn được từ TTCK, DN quay lại vay NH. Và do LS NH liên tục cao, DN càng suy kiệt. Tăng tính thanh khoản cho thị trường là việc làm cấp thiết để giúp TTCK khởi sắc, từ đó tạo điều kiện để DN huy động được vốn, giảm được thế bị động này.

Theo TS Nguyễn Văn Thuận, muốn vậy, Chính phủ phải ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định LS và giữ lạm phát ở mức thấp. UBCKNN cần tạo sự linh hoạt hơn cho giao dịch của NĐT song song với việc giám sát chặt chẽ hơn việc phát hành CP của các DN niêm yết. Điều đó cũng hạn chế tình trạng phát hành CP bừa bãi, gây ra hiện tượng cung nhiều hơn cầu trong khi hàng hóa không đảm bảo chất lượng, khiến NĐT thất vọng.

Thị trường chứng khoán ảm đạm khiến doanh nghiệp rất khó phát hành thêm cổ phiếu huy động vốn dài hạn
Thị trường chứng khoán ảm đạm khiến doanh nghiệp rất khó phát hành thêm cổ phiếu huy động vốn dài hạn

Ông Johan Nyvene - Tổng giám đốc Công ty chứng khoán TPHCM (HCM) - nhấn mạnh sự quan trọng của việc tăng chất lượng hàng hóa trên TTCK. Theo ông, không phải cứ DN lớn là trở thành một loại hàng hóa tốt trên TTCK mà phải nhìn vào hiệu quả kinh doanh, lợi nhuận mà nó tạo ra. Một vài DN có quy mô lớn, hoạt động có hiệu quả thì khối NĐT ngoại đã sở hữu ở mức đụng “trần” (NĐT nước ngoài chỉ được phép nắm giữ 49% số lượng CP của DN). Điều này khiến dòng vốn mới khó có cơ hội gia tăng. Điều quan trọng nữa là dù đã có nhiều quy định về minh bạch công bố thông tin nhưng NĐT vẫn chưa thấy yên tâm.

Tại nhiều nước như Mỹ, Singapore, thủ tục, quy định cho DN niêm yết trên sàn cực kỳ khắt khe nên DN nào đáp ứng được các chuẩn đó sẽ khiến NĐT yên tâm. Trong khi tại VN, quy định niêm yết vẫn còn khá thấp và chưa phân loại rõ đâu là DN mạnh, DN yếu.

TS Lê Đạt Chí nhấn mạnh, cũng giống như các quy định về việc phát hành trái phiếu, cơ quan quản lý nhà nước cần phải nâng điều kiện niêm yết trên sàn đối với các DN. Ví dụ quy định về qui mô DN phải dựa trên vốn chủ sở hữu chứ không phải nhìn theo vốn điều lệ. Quan trọng nhất là phải căn cứ trên doanh số hằng năm của DN.

Theo ông Trịnh Hoài Giang, VN cần nhanh chóng xây dựng hệ thống thanh toán, giao dịch và lưu ký hiện đại để có thể tiến tới phát triển các sản phẩm phái sinh trên TTCK. Đồng thời các quy định về giám sát hoạt động của DN, của TTCK cần phải chặt chẽ hơn và tăng cường thực hiện vai trò giám sát của cơ quan quản lý.

Cần cho phép hình thành Quỹ đầu tư mở

Theo chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển, để phát triển thị trường vốn đầy đủ, cần phải phát triển các định chế tài chính phi NH huy động vốn trung - dài hạn. Cơ quan quản lý cần xây dựng quy chế và giám sát chặt chẽ việc hình thành và hoạt động các định chế tài chính này. Hiện tại VN chỉ mới có các quy định về hoạt động của Quỹ đầu tư đóng (không được phép huy động thêm vốn) nên hạn chế việc huy động vốn và tham gia đầu tư của các quỹ vào DN. Cụ thể cần cho phép hình thành Quỹ đầu tư mở (được huy động thêm vốn trong bất kỳ thời điểm nào) để có cơ chế huy động và tạo thanh khoản mạnh hơn hiện nay. Tiếp theo sẽ hình thành nên các quỹ hưu trí tự nguyện, bảo hiểm y tế tự nguyện, tín thác bất động sản...

Các quỹ này có thể gom vốn trong dân đang ở dưới dạng dự trữ bằng vàng, bằng ngoại tệ, hay gửi tiết kiệm nhỏ lẻ thành nguồn vốn quy mô lớn dài hạn tập trung để đầu tư vào trái phiếu Chính phủ, TPDN, CP, tham gia đầu tư phát triển hạ tầng...

TS Hoàng Công Gia Khánh - Trưởng khoa Tài chính NH (Trường ĐH Kinh tế - Luật): DN phải tự cải thiện mình

Về dài hạn, để DN có thể tham gia hiệu quả trên thị trường trái phiếu, ngoài các giải pháp vĩ mô mà nhà nước phải thực hiện, bản thân các DN phải tự cải thiện mình. Đầu tiên, phải đảm bảo được sự minh bạch về tài chính và đảm bảo độ trung thực, tin cậy đúng nghĩa của báo cáo tài chính. Sau đó, phải thay đổi tư duy khi lập phương án sử dụng vốn, NĐT phải được cung cấp đủ thông tin chính xác để đánh giá, thẩm định dự án đầu tư chứ không thể thực hiện theo kiểu làm “mờ mắt” NĐT như lâu nay.

Bên cạnh đó, cơ chế hoạt động của đơn vị thụ ủy trái phiếu (đơn vị được các trái chủ ủy quyền) cũng cần phải quy định rõ ràng. Điều đó khiến cho đơn vị thụ ủy thực hiện đúng và đầy đủ chức năng người đại diện cho các trái chủ nhằm giám sát chặt chẽ các cam kết của DN phát hành trái phiếu.

TS Alan Phan - Chủ tịch Quỹ đầu tư Viasa (Hồng Kông): Tạo công cụ giao dịch nhanh chóng

Nhiều NĐT nước ngoài đồng ý rằng VN nói chung và TTCK nói riêng có tiềm năng phát triển trong tương lai nhưng ở thời điểm hiện tại thì chưa thể hiện được điều đó. Tại nhiều TTCK khác, NĐT có thể mua bán trong vòng 1 - 2 phút nên việc kiếm lời hay hạn chế lỗ đều dễ dàng thực hiện. Trong khi đó tại VN, sau khi mua phải chờ đến ngày thứ 4 mới có CP để bán. Điều này khiến NĐT e ngại khi giao dịch. Đó là chưa kể thanh khoản của thị trường quá kém khiến lúc muốn bán ra cũng khó. Một điểm nữa là việc khó chuyển từ tiền VN đồng sang ngoại tệ cũng là rào cản khá lớn để thu hút dòng tiền đầu tư trên thế giới vào TTCK VN.

Ông Võ Hữu Tuấn - Giám đốc Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVS) chi nhánh TP.HCM: Cần có tổ chức bảo lãnh

Vấn đề khó của TPDN là tính thanh khoản thấp. Việc phát hành TPDN thành công hay không phải được căn cứ vào một tổ chức đánh giá mức độ tín nhiệm mà hiện nay tổ chức này tại VN chưa có, nên việc mua TPDN vẫn rủi ro cao. Để phát hành TPDN thành công cần phải một hay nhiều NH đứng phía sau DN đó để bảo lãnh, trả LS trái phiếu.

TS Vũ Viết Ngoạn - Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia: Gấp rút xếp hạng tín nhiệm

Thị trường trái phiếu là kênh dẫn vốn quan trọng của DN. Thế nhưng thời gian qua phát triển khá èo uột bởi thành viên tham gia thị trường chỉ có mỗi NH, chưa có sự tham gia của các quỹ đầu tư, công ty tài chính, công ty bảo hiểm...

Bộ Tài chính và NHNN cần sớm gấp rút bắt tay vào phát triển thị trường này. Cần nhanh chóng đưa ra được hệ thống xếp hạng tín nhiệm DN để tạo điều kiện cho các DN được phân loại, xếp hạng, từ đó các tổ chức trong và ngoài nước mới biết được “sức khỏe” từng DN, mới dám đầu tư mua trái phiếu.

Phải có một hàng hóa “chuẩn” trên thị trường trái phiếu đó là trái phiếu Chính phủ, vì đó là căn cứ để các DN đưa ra mức LS khi phát hành trái phiếu. NHNN và Bộ Tài chính làm sao phối hợp một cách đồng bộ, NHNN điều hành bộ công cụ LS chủ chốt theo đường cong ngắn hạn lãi thấp, dài hạn lãi cao... từ đó mới hình thành được LS chuẩn cho trái phiếu Chính phủ. Thông thường, nếu trái phiếu Chính phủ 10 năm có LS 10%/năm thì DN phát hành trái phiếu sẽ lấy trái phiếu Chính phủ cộng với LS 1,5%, DN nào độ rủi ro cao hơn thì 2%, kém hơn nữa thì 2,5%...

Tiến hành phát triển thị trường này bây giờ đã là quá muộn, vì vậy cần phải quyết liệt hơn nữa.



Mai Phương

Thanh niên

Các tin tức khác

>   Sàn vàng chui chài khách chứng khoán (06/07/2012)

>   06/07: Bản tin 20 giờ qua (06/07/2012)

>   REE đang bị thâu tóm? (05/07/2012)

>   Thị trường chứng khoán: Càng lướt, càng lỗ (05/07/2012)

>   Môi giới quý 2 tại HOSE: Hoán đổi nhiều vị trí trong top 10 (05/07/2012)

>   AGC: Sắp hủy niêm yết còn bị "làm khó" (05/07/2012)

>   6 tháng huy động gần 5.500 tỷ đồng qua phát hành cổ phiếu (05/07/2012)

>   Chứng chỉ quỹ: Có nên trở lại? (05/07/2012)

>   05/07: Bản tin 20 giờ qua (05/07/2012)

>   HNX: Thị phần môi giới chứng khoán quý 2/2012 (04/07/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật