Thứ Năm, 05/07/2012 09:11

Chứng chỉ quỹ: Có nên trở lại?

Chứng chỉ quỹ (CCQ) ACBGF của Quỹ Tăng trưởng ACB trở thành CCQ đại chúng thứ 6 được niêm yết. Cùng với 5 CCQ còn lại (thị giá đang thấp hơn mệnh giá), nhiều nhà đầu tư bắt đầu kỳ vọng vào sự đột phá của CCQ.

3/5 CCQ đã niêm yết đang do công ty quản lý quỹ có thâm niên nhất Việt Nam là Vietfund (VFM) quản lý. Trong số này, VFMVF1 quy mô tài sản lớn nhất, xấp xỉ 1.600 tỷ đồng.

Với thời hạn hoạt động 10 năm, dự kiến VFMVF1 sẽ được giải thể vào năm 2014. Hai “anh em” khác của VFMVF1 là VFMVF4 và VFMVFA. Nếu như VFMVF4 chuyên đầu tư vào các công ty cổ phần hàng đầu thì VFMVFA là quỹ đầu tư hoạt động theo mô hình định lượng. Tài sản của hai quỹ lần lượt ở mức 550 tỷ đồng và 180 tỷ đồng.

Hai quỹ đại chúng còn lại được chống lưng bởi các thương hiệu lớn ngành bảo hiểm. Đó là MAFBF1 do Công ty Quản lý quỹ Manulife quản lý, hiện có tổng tài sản khoảng 150 tỷ đồng; Prudential là “bà đỡ” của PRUBF1, quy mô quỹ gần 500 tỷ đồng. Các CCQ đóng dù sắp tới hạn hay mới thành lập đều mang nhiều nét tương đồng kèm số phận hẩm hiu.

Thứ nhất, thị giá CCQ vài năm qua liên tục thấp hơn mệnh giá - mức đóng góp vốn của người mua ban đầu. Cá biệt như VFMF4, VFMFA, MAFBF1 rẻ như... rau khi có thị giá 4.000 - 5.000 đồng. Điều này đồng nghĩa với sự thua lỗ tương ứng của các nhà đầu tư (NĐT) trung thành.

Đành rằng sự mất mát này mới thể hiện trên sổ sách, nhưng một số quỹ đã hoạt động 5 - 7 năm vẫn chưa thể quay về vạch xuất phát, khả năng thua lỗ thực sự của cổ đông góp vốn ban đầu khi đóng quỹ là khá lớn. Thứ hai, chênh lệch giữa giá trị tài sản ròng của quỹ và thị giá hiện nay khá lớn dao động trong biên độ 25 - 50% tùy thời điểm.

Theo báo cáo mới nhất của LCF Rothschild, mức chiết khấu của các CCQ đóng đại chúng của Việt Nam cao hơn khu vực khi con số tương ứng tại các quốc gia láng giềng chỉ trong khoảng 10 - 15%. Thứ ba, do thành tích hoạt động yếu kém nên đầu tư vào CCQ hầu như không được hưởng cổ tức. Sự bất mãn này khiến mùa đại hội nào cũng xuất hiện ý kiến cổ đông đề nghị đóng quỹ trước thời hạn hay giảm phí quản lý, lương thưởng của ban lãnh đạo quỹ.

So với các cựu binh, “mặt hàng” ACBGF mới niêm yết tạo ra ngoại lệ hiếm hoi. So thời điểm đóng quỹ một năm trước tài sản của ACBGF tăng khoảng 13%. Thành tích này rất đáng ghi nhận vì cùng thời gian trên, đa phần các quỹ đầu tư nội địa và nước ngoài hoạt động tại thị trường chứng khoán Việt Nam thua lỗ nặng nề.

Tuy nhiên, nếu mổ xẻ kỹ sự thành công này cũng chưa hẳn hoàn toàn thuyết phục. Trong suốt một năm qua, Quỹ chưa đầu tư vào bất cứ cổ phiếu nào, 240 tỷ đồng huy động vẫn đem đi gửi ngân hàng. Sự tăng trưởng của ACBGF đến từ lãi tiền gửi chứ không phải từ một danh mục đầu tư vượt trội.

Nhà đầu tư góp vốn vào ACBGF không phải để quỹ đem tiền đi gửi ngân hàng. Lên sàn ACBGF đối diện với áp lực lớn hơn về hoạt động. “Dù phần lớn tài sản của ACBGF là tiền mặt nhưng quỹ sẽ giải ngân Quỹ sẽ thay đổi vị thế tiền mặt bằng cách giải ngân có chọn lọc vào các cổ phiếu hàng đầu hiện nay đã rơi xuống các mức giá hấp dẫn”, ông Nguyễn Minh Tuấn, Tổng giám đốc ACBGF, cho biết. Đầu tư vào cổ phiếu, ACBGF mới gặp thử thách thực sự hiệu quả hoạt động và năng lực được bộc lộ như các quỹ chúng trước đó.

Nhỏ buông, lớn nhào

Nếu quan sát sẽ dễ dành nhận thấy nhà đầu tư cá nhân đang thờ ơ với CCQ. Một số CCQ thanh khoản teo tóp, số khác giao dịch khi có khi không. Ngay cả ACBGF trong tuần giao dịch đầu tiên trung bình mỗi phiên khối lượng cổ phiếu sang nhượng quá khiêm tốn khi trung bình chưa vượt 1.500 đơn vị/phiên. Con số này quá nhỏ so với một quỹ đại chúng đen niêm yết hơn 24 triệu CCQ.

Trái ngược với sự thờ ơ đó, một số tay chơi lớn lại đang âm thầm vào cuộc. Chẳng hạn, Quỹ đầu tư của SSI hiện đang là cổ đông lớn của PRUBF1 và VFMVF4 với tỷ lệ nắm giữ lần lượt là 9,51% và 17,64%. Với MAFBF1, một tổ chức khác là Công ty CP Đầu tư Hà Việt đã có lúc nắm giữ tới trên 15% CCQ. Khi giá PRUBF1 giảm sâu so với mệnh giá chính Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam chào mua công khai thành công 15.85 triệu CCQ, nắm giữ 33.7% số CCQ PRUBF1 đang lưu hành.

Tương tự, dù tuyên bố không sa đà vào tự doanh nhưng Công ty Chứng khoán TP.HCM (HCM) hiện đang nắm giữ 10,71% CCQ VFMVF1 như một khoản đầu tư dài hạn. Giải thích về nước cờ này, ông Trịnh Hoài Giang, Phó tổng giám đốc HCM, cho biết, với thị giá của VFMVF1 hiện tương đương 50% giá trị tài ròng của CCQ. Chưa tính tới khả năng thị trường phục hồi, nếu giữ nguyên mốc hiện tại khi VFMVF1 giải thể, Công ty vẫn thu hoạch kết quả vượt trội so với chi phí cơ hội nếu đem gửi tiền vào ngân hàng.

Nhưng nhà đầu tư cá nhân với số vốn khá hạn chế khó có thể đầu tư vào CCQ theo kiểu phân tán rủi ro bỏ trứng vào nhiều rọ như các NĐT tổ chức. So với các chứng khoán niêm yết khác hiệu quả hoạt động của các quỹ không thể đột biến nên khó thu hút dòng tiền nóng. CCQ không hứa hẹn “có sóng” thích hợp để đầu cơ ngắn hạn.

Với một thị trường cận biên như Việt Nam, 90% giao dịch thuộc về nhà đầu tư cá nhân và tâm lý đầu cơ ngự trị phổ biến, CCQ không thể là mặt hàng được giới đầu tư cá nhân ưa thích khi đòi hỏi tầm nhìn lâu dài.

Tống Ngọc

Doanh nhân Sài Gòn

Các tin tức khác

>   05/07: Bản tin 20 giờ qua (05/07/2012)

>   HNX: Thị phần môi giới chứng khoán quý 2/2012 (04/07/2012)

>   GFC: Cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo (04/07/2012)

>   Chứng khoán chờ đợi gì mà không tăng? (04/07/2012)

>   MCO: Được đưa ra khỏi diện bị cảnh báo từ 05/07 (04/07/2012)

>   12 năm, TTCK huy động khoảng 650.000 tỷ đồng (04/07/2012)

>   30 NĐT nước ngoài được cấp mã giao dịch trong tháng 6 (03/07/2012)

>   04/07: Bản tin 20 giờ qua (04/07/2012)

>   10 điều kiện và 5 bước niêm yết thành công trên sàn chứng khoán Singapore (03/07/2012)

>   PVV: Thay đổi người được ủy quyền CBTT (03/07/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật