12 năm, TTCK huy động khoảng 650.000 tỷ đồng
Thống kê từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, sau gần 12 năm TTCK khai trương hoạt động (20/7/2000-20/7/2012), TTCK đã huy động khoảng 650.000 tỷ đồng, phục vụ cho phát triển DN và nền kinh tế.
Trong đó, riêng từ 2005 đến nay, đã huy động khoảng 550.000 tỷ đồng.
Theo UBCK, 12 năm qua, quy mô TTCK liên tục mở rộng, TTCK đã dần dần trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế. Trong giai đoạn 2000 - 2005, mức vốn hóa thị trường chỉ đạt trên dưới 1%GDP, nhưng năm 2007 đã đạt đến mức 47%GDP và trên 30% GDP trong những năm gần đây. Hệ thống các tổ chức niêm yết tăng liên tục hàng năm, từ chỗ chỉ có 2 công ty niêm yết đến nay đã có 705 công ty niêm yết. Quy mô nhiều công ty niêm yết tăng mạnh, hình thành các công ty, ngân hàng và tập đoàn lớn nhờ huy động vốn qua TTCK.
Về nhà đầu tư, từ chỗ chỉ có 2.900 tài khoản, nay đã tăng lên gần 1,2 triệu tài khoản, thu hút gần 10 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Khuôn khổ pháp lý và cơ sở hạ tầng cũng được củng cố và mở rộng, công tác quản lý giám sát TTCK được hoàn thiện, bảo đảm cho TTCK hoạt động suôn sẻ và ngày càng minh bạch.
Trên nền Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2020 đã được Chính phủ ban hành, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ đề án tái cấu trúc TTCK và các doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó, tập trung vào các vấn đề chính:
* Thứ nhất, nâng cao chất lượng hàng hóa kết hợp với việc đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ chứng khoán, bảo hiểm; nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro tại các tổ chức phát hành; bảo đảm tính công khai, minh bạch; từng bước áp dụng các tiêu chuẩn, chuẩn mực và thông lệ quốc tế, củng cố lòng tin của thị trường.
* Thứ hai, thu hẹp số lượng các tổ chức tài chính trung gian; kiện toàn mô hình hoạt động các tổ chức kinh doanh chứng khoán, bảo hiểm theo thông lệ quốc tế; nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro.
* Thứ ba, đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư; tập trung phát triển hệ thống nhà đầu tư tổ chức, phát triển các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư. Tập trung khuyến khích dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài trung và dài hạn, kết hợp với việc tăng cường công tác quản lý, giám sát, có giải pháp phù hợp, kịp thời để chủ động đối phó với biến động của dòng vốn này.
H.Hòe
đầu tư chứng khoán
|