Cổ phiếu quỹ là thứ vô giá trị
Theo chuyên gia Huy Nam, cổ phiếu quỹ là thứ vô giá trị (hiểu theo nghĩa vật chất) và có thể được “vứt đi”.
Thông tin CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên (TLH) được phép dùng cổ phiếu quỹ để chia cổ tức đã được báo chí đặt thành vấn đề nghiêm túc. Tuy có lúng túng về “hạch toán và điều chỉnh giá giao dịch”, nhưng hầu hết ý kiến phản hồi về cách làm này từ giới hữu trách, nhà điều hành và chuyên gia đều cho là được, chẳng vướng gì, thế giới họ cũng làm. Thậm chí, có người khen đây là cách tốt để cổ đông lớn tích tụ sở hữu. Thật đáng tiếc…
Cổ phiếu quỹ là cái gì mà có thể đem chia? Nếu lý lẽ “công ty bỏ tiền ra mua cổ phiếu quỹ thì đó là tài sản của công ty” đã in sâu trong cách nghĩ của nhiều người, thì nay có lẽ cũng ít ai ngờ rằng, suy nghĩ đó chỉ là ảo giác. Việc “lấy tài sản đó để trả cổ tức cho cổ đông” nếu đang được cho là bình thường, thì đó có thể là sự nhầm lẫn chết người. Nhầm lẫn vì ta tưởng cổ phiếu quỹ là cái gì “sờ’ được, thì thực ra đó chỉ là hình, là bóng, là cái vỏ trống không và đáng nói hơn, cho dù bút tích trong sổ sách có ghi, nó cũng không phải là tài sản của DN. Để làm rõ điều cốt tử này, thiết nghĩ, ta cần lùi lại một chút để biết thật chính xác cổ phiếu quỹ là gì và để làm gì, đặc điểm vận động của nó trong DN cổ phần ra sao, cách người ta sử dụng và/hoặc xử lý nó thế nào...
Thế nhưng, điều cần ghi nhận trước tiên là hoạt động mua lại cổ phiếu của chính DN (buyback) nói chung, chứ không hẳn là cổ phiếu quỹ (treasury shares). Cổ phiếu quỹ chỉ là phần nổi của vấn đề. DN mua lại cổ phiếu của mình có thể sẽ có các quyết định khác nhau: hủy ngay, giữ để bán lại (reissue) hoặc sẽ hủy một thời gian sau đó. Trường hợp cổ phiếu được mua lại và hủy ngay thì đó không phải là cổ phiếu quỹ. Tuy nhiên, kể cả khi không hủy ngay mà để làm cổ phiếu quỹ (hai cách sau), thì tất cả các giao dịch này đều làm cho vốn chủ sở hữu (shareholders’equity) giảm xuống. Cách đầu giảm vốn dứt khoát và vĩnh viễn, cách sau là giảm tạm thời. Nói cách khác, việc DN mua lại cổ phiếu đã phát hành của chính mình thực chất là việc hoàn vốn cho cổ đông, là chuộc lại và triệt tiêu một lượng cổ phần đã bán ra để giảm “nghĩa vụ”, là đưa một lượng cổ phần, tức vốn, về trạng thái “ngủ” (tùy cách hiểu). Việc này có thể thực hiện bằng hình thức chào mua bất kỳ trên thị trường (mua ngẫu nhiên) hoặc mua lại từ tất cả cổ đông theo một tỷ lệ.
Có một số lý do khiến DN mua lại cổ phiếu của chính mình. Đó có thể là do DN dư tiền và tạm thời chưa có nhu cầu sử dụng hiệu quả, nên chọn cách dùng tiền đó để rút bớt số cổ phần đang lưu hành nhằm tăng giá trị thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS). Hoặc DN có tiền và tin rằng, cổ phiếu của mình đang bị thị trường định thấp hơn giá tính toán, nên việc mua lại sẽ vừa làm lợi cho cổ đông (giá trị cổ phần tăng), vừa có lợi cho DN nếu sau này bán lại với giá cao hơn giá vốn đã mua (nhưng lợi đó không phải là lợi nhuận). Tuy nhiên, nếu DN tính toán sai dẫn đến việc mua với giá cao, sau đó giá xuống thấp, thì sẽ “thiệt đơn, hại kép” - đây có thể là khoản lỗ thực “cắn” vào lợi nhuận. Chỗ này khá thú vị, nếu có dịp tôi sẽ làm rõ. Việc mua lại cũng có thể là để tái cấu trúc nguồn vốn của DN và đây là cách làm không xa lạ với DN tại các nước phát triển. Theo đó, với một thị trường vốn vay rẻ, DN có thể vay nợ và dùng nợ này để mua lại cổ phần của mình, nhằm mục đích thay thế (để giảm bớt) nguồn vốn chủ sở hữu. Trường hợp này, lượng cổ phiếu được mua lại sẽ bị hủy ngay lập tức và như vậy, không phát sinh CP quỹ.
Rõ hơn, cổ phiếu quỹ là loại bị công ty thoái vốn, nhưng được giữ lại để có điều kiện huy động về sau. Việc giữ lại này nôm na gọi là lưu kho, được xếp chung với các cổ phiếu được phép phát hành khác nhưng chưa phát hành (nếu có). Gọi lưu kho (treasury) chỉ là để phân biệt với việc hủy ngay, chứ thực tế cổ phiếu quỹ chính là loại được phép phát hành nhưng chưa phát hành và quan trọng hơn, nó chưa hiện thực (chưa phải là chứng khoán). Vả lại, cũng không loại trừ nó sẽ bị loại bỏ để giảm vốn vĩnh viễn nếu có một quyết định như vậy của ĐHCĐ. Vậy thì làm sao ta có thể lấy cái không có để mà chia cổ tức được?
Cổ phiếu quỹ là thứ vô giá trị
Về tài chính, theo cách hiểu và cách làm của thế giới, việc mua lại cổ phiếu quỹ sẽ làm giảm một khoản tiền mặt (cash) bằng với giá vốn đã bỏ ra, đồng thời vốn chủ sở hữu sẽ bị giảm một khoản tương ứng.
Để các nhà đầu tư hiểu đúng khoản giảm này là do mua lại cổ phiếu, chứ không phải là khoản nợ hay lỗ, DN cần ghi nhận thật rõ trên bảng cân đối kế toán bút tích cổ phiếu quỹ một khoản âm (-) ở dưới mục vốn chủ sở hữu.
Do bản chất của hoạt động mua lại cổ phiếu nói chung (stock repurchase) và mua cổ phiếu quỹ nói riêng chỉ có thể là việc giảm vốn (hay tái cơ cấu nguồn vốn), thế giới người ta không phân biệt nguồn tiền dùng để mua cổ phiếu quỹ là gì như quy định ở ta (là vốn thặng dư hay lợi nhuận giữ lại), thay vào đó, cứ hễ mua lại cổ phiếu là ghi giảm tiền mặt (tiền nào không cần biết) đồng thời với giảm nguồn vốn chủ sở hữu.
Mua cổ phiếu quỹ cũng không thể là cách làm tùy tiện. Luật lệ nhiều nước (và nhiều tiểu bang của Mỹ) đặt ra giới hạn lượng cổ phiếu một công ty được phép mua lại cùng với thời gian được nắm giữ. Vì ngoài ý nghĩa tích cực, người ta phòng ngừa việc tuồn nguồn lực (cụ thể là tiền) ra khỏi DN với ý đồ tiêu cực, gây nguy hại cho quyền lợi cổ đông nhỏ và các chủ nợ, là những đối tượng được luật pháp quan tâm bảo vệ. Ở Anh, hoạt động mua và giữ cổ phiếu quỹ bị cấm dài cho đến năm 1993 mới được phép.
Về “sáng kiến” chia cổ tức bằng cổ phiếu quỹ ở ta, trong nhiều lý lẽ được đưa ra có nội dung “chia bằng cổ phiếu quỹ hay bán cổ phiếu quỹ lấy tiền để chia thì cách nào cũng được”. Nếu đây được cho là chuyện bình thường và được nhân lên đại trà sẽ là điều đáng tiếc. Tại sao? Vì như đã nói ở trên, cổ phiếu quỹ là cái vỏ không thì lấy gì để trả? Còn nếu bán cổ phiếu quỹ lấy tiền để trả thì khác nào ta tự “cắn vào đuôi” mình. Bởi lẽ, khi bán cổ phiếu thì khoản thu sẽ được đưa vào nguồn vốn chủ sở hữu, vậy thì làm sao có thể lấy vốn huy động để trả cổ tức được?
Có người còn cho cách chia cổ tức này giống như việc “chia cổ tức bằng cổ phiếu bình thường, nhưng có nguồn từ cổ phiếu quỹ và có thể đi tắt với các bút tích bù trừ cho đơn giản”. Nghe có vẻ nghiệp vụ, nhưng thực ra đây là điều không tưởng, vì đã là cổ phiếu quỹ thì làm gì có “nguồn” để mà chia? Tóm lại, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu quỹ là sự ngộ nhận.
Có thể nói, cổ phiếu quỹ là thứ vô giá trị (hiểu theo nghĩa vật chất) và có thể được “vứt đi”. Nếu cổ phiếu quỹ là thứ gì đáng giữ, thì đó là vì DN không có sẵn cổ phiếu được phép phát hành (authorized share) và đây chỉ mới như điều thuận tiện cho DN. Trường hợp DN dùng cổ phiếu quỹ để thưởng cho nhân viên như ta thường thấy (theo các tiêu chí “chiêu hiền đãi sĩ” thay cho việc thưởng bằng tiền), thì đó chẳng qua là cách bán lại số cổ phiếu này với nguồn tài trợ từ lợi nhuận giữ lại. Tương tự là việc dùng cổ phiếu quỹ để chia cổ tức. Chia cổ tức bằng cổ phiếu quỹ nếu được cho là điều gì mới lạ, thì việc này cũng chỉ có thể được thực hiện thông qua nguồn tài trợ là lợi nhuận giữ lại. Điều này không khác việc chia cổ tức bằng cổ phiếu theo cách đã quen thuộc, chẳng có gì phải bàn cãi, vì cổ phiếu quỹ lúc này đơn giản chỉ là loại cổ phiếu chưa phát hành. Còn nếu cho rằng, cổ phiếu quỹ đã được “tạo ra” bằng nguồn lợi nhuận giữ lại, nên được xem là tài sản, thì đó chỉ là sự o ép sai lầm, là việc dấu trừ (-) đã bị để nhầm chỗ. Một lần nữa, ta cần xác định, việc mua cổ phiếu quỹ sẽ làm giảm tiền mặt và giảm nguồn vốn chủ sở hữu nói chung. Tiền đó đã bị rút ra khỏi DN và cổ phiếu quỹ kia chỉ có giá trị như một chữ ký nhận. Chấm hết!
DN cổ phần và TTCK sẽ rất khó phát triển trong điều kiện kém đồng bộ và không tương thích. Đây lại là những định chế du nhập, hiểu sâu biết đủ thôi đã mệt. Không nên vội có những sáng kiến xa lạ với các mắc xích khoa học.
Huy Nam
đầu tư chứng khoán
|