Thứ Ba, 03/07/2012 16:09

10 điều kiện và 5 bước niêm yết thành công trên sàn chứng khoán Singapore

Niêm yết sàn ngoại đang là mục tiêu của nhiều doanh nghiệp lớn tại Việt Nam và một số thị trường đã lọt vào tầm ngắm của các DN này là Hồng Kông, Malaysia và Singapore. Trong đó, nếu muốn niêm yết thành công trên sàn chứng khoán của quốc đảo sư tử thì doanh nghiệp cần quan tâm tới 10 điều kiện và 5 bước dưới đây.

* Những điều cần biết khi niêm yết trên thị trường Hồng Kông

 

SGX bao gồm một sàn chính là GSX Mainboard và một sàn phụ là GSX Catalist. GSX Mainboard dành cho các doanh nghiệp lớn và thuộc tầm kiểm soát của Sở Giao dịch Quản lý và Giám sát Singapore trong khi GSX Catalist nằm dưới sự giám sát của Sở Giao dịch Quản lý CTCK và dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ với thời gian tiếp cận nhanh hơn cũng như tiêu chuẩn niêm yết dễ dàng hơn.

Các chuyên gia của PricewaterhouseCoopers Vietnam (PwC) khuyến nghị nếu muốn niêm yết thành công trên Sở GDCK Singapore (SGX), các doanh nghiệp Việt Nam cần phải đáp ứng được một số tiêu chuẩn bắt buộc sau và phải trải qua 5 giai đoạn kéo dài gần một năm tùy thuộc vào tốc độ đáp ứng các điều kiện niêm yết.

10 điều kiện quan trọng để chào sàn SGX thành công

1. Yêu cầu tài chính: Lợi nhuận tích lũy trước thuế 3 năm gần nhất phải đạt tối thiểu 7.5 triệu đôla Singapore - SGD (tương đương 122.24 tỷ đồng), trong đó lợi nhuận trước thuế mỗi năm phải đạt ít nhất 1 triệu SGD (16.29 tỷ đồng); hoặc lợi nhuận tích lũy trước thuế trong 1 hay 2 năm gần nhất phải đạt tối thiểu 10 triệu SGD.

2. Chuẩn mực báo cáo tài chính: Tuân thủ theo các chuẩn mực kế toán của Singapore (SFRS), Mỹ (GAAP) và Quốc tế (IFRS). Kết quả kinh doanh hàng năm phải được công bố trong vòng 60 ngày kể từ ngày kết thúc niên độ kế toán và BCTC năm phải được công bố trong vòng 4 tháng. Trong khi đó, kết quả kinh doanh hàng quý phải được công bố trong vòng 45 ngày kể từ ngày kết thúc niên độ kế toán và doanh nghiệp không cần phải công bố BCTC quý.

3. Kiểm soát tài sản: Liên quan đến việc kiểm soát tài sản, công ty phải giữ nguyên hoạt động kinh doanh và cơ chế quản lý trong suốt giai đoạn kiểm tra lợi nhuận tương ứng.

4. Vốn hóa thị trường: Vốn hóa thị trường tại thời điểm chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) phải đạt tối thiểu 80 triệu SGD (tương đương 1.3 ngàn tỷ đồng). Theo đó, doanh nghiệp phải có tình trạng tài chính lành mạnh và hoạt động kinh doanh phải đem lại luồng lưu chuyển tiền tệ dương.

5. Tỷ lệ khối lượng cổ phiếu tự do lưu hành: Tối thiểu 25% cổ phần của doanh nghiệp phải được ít nhất 500 nhà đầu tư nắm giữ; còn nếu vốn hóa thị trường lớn hơn 1 tỷ SGD thì số cổ phiếu do công chúng nắm giữ có thể được hạ xuống còn 12%.

6. Quản trị doanh nghiệp: Báo cáo quản trị doanh nghiệp được trình bày trong báo cáo thường niên và phải tuân theo Tiêu chuẩn Quản trị Doanh nghiệp của Singapore.

7. Thành phần HĐQT: Phải có ít nhất hai Ủy viên HĐQT độc lập là người cư trú tại Singapore

8. Giải quyết mâu thuẫn về quyền lợi: Doanh nghiệp phải giải quyết hoặc loại bỏ các tình huống mâu thuẫn trước khi niêm yết. SGX có thể chấp nhận đề xuất để giải quyết hoặc loại bỏ các xung đột về quyền lợi trong một thời gian nhất định sau khi niêm yết.

9. Các loại phí niêm yết: Mức phí thấp nhất là 50,000 SGD và cao nhất là 200,000 SGD. Phí nộp hồ sơ xin niêm yết là 20,000 SGD và không hoàn lại. Ngoài ra, mỗi năm doanh nghiệp phải nộp tối thiểu 25,000 SGD và tối đa 100,000 SGD.

10. Niêm yết bổ sung: Việc phát hành bổ sung thường được thực hiện dưới hình thức thỏa thuận (mandate) để tránh phải nộp hồ sơ xin phép. Ngoài ra, việc niêm yết bổ sung còn được thực hiện qua hình thức phát hành quyền, trong trường hợp này cần phải có công văn đi kèm.

Quy trình IPO và 5 bước trước khi lên sàn

Sau khi đáp ứng được 10 quy định quan trọng trên, các doanh nghiệp sẽ bắt đầu quá trình IPO trên sàn GSX Mainboard diễn ra theo khung thời gian sau:

Trong quá trình này, doanh nghiệp phải thực hiện 5 bước cụ thể dưới đây:

1. Nộp hồ sơ IPO: Doanh nghiệp nộp hồ sơ lên SGX để xem xét trong vòng 8 đến 12 tuần.

2. Cấp phép đủ điều kiện niêm yết (ETL): GSX sẽ cấp giấy chứng nhận cho doanh nghiệp đủ điều kiện khi kết thúc quá trình xem xét.

3. Nộp bản cáo bạch sơ bộ: Doanh nghiệp nộp bản cáo bạch sơ bộ lên Ủy ban Tiền tệ Singapore (MAS) và MAS sẽ công bố bản cáo bạch này lên trang web của mình để nhà đầu tư có ý kiến. Giai đoạn xem xét của MAS dự kiến kéo dài trong khoảng 4 tuần.

4. Đăng ký bản cáo bạch cuối cùng: Doanh nghiệp đăng ký bản cáo bạch cuối cùng lên MAS và bắt đầu quá trình chào bán cổ phiếu ra công chúng.

5. Niêm yết trên GSX: Niêm yết và giao dịch trên GSX.

 Sở GDCK Singapore (SGX) được thành lập năm 1960 và tính đến thời điểm tháng 5/2012 đã thu hút được 779 doanh nghiệp niêm yết, trong đó 41% là doanh nghiệp nước ngoài, chủ yếu là từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc, Đông Nam Á, châu Âu, Australia và Mỹ. Vốn hóa thị trường của GSX tính đến thời điểm trên là 679 tỷ USD.

Phước Phạm (Vietstock)

FFN

Các tin tức khác

>   PVV: Thay đổi người được ủy quyền CBTT (03/07/2012)

>   03/07: Bản tin 20 giờ qua (03/07/2012)

>   BVG: Không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (02/07/2012)

>   Những thắc mắc về Lệnh thị trường (02/07/2012)

>   Cổ phiếu quỹ là thứ vô giá trị (02/07/2012)

>   02/07: Bản tin đầu tuần (02/07/2012)

>   DAS đưa vào sử dụng DongA Data Web từ 01/07 (02/07/2012)

>   Khoảng lặng chứng khoán (29/06/2012)

>   "Sóng và tính chu kỳ thị trường" (16/07/2012)

>   5 mục tiêu đến 2015 của HNX (29/06/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật