Chủ Nhật, 08/07/2012 10:13

Những nhầm lẫn chết người trên TTCK

Ngoài hành vi cố tình sai phạm hay lừa đảo của các cổ đông lớn, những sai sót, nhầm lẫn của doanh nghiệp và các cơ quan quản lý cũng khiến cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ ngậm ngùi chịu thiệt.

Ông nói gà, bà nói vịt

Như VietNamNet đưa tin, hôm 3/7 Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty Cổ phần Phát triển Phụ gia và Sản phẩm Dầu mỏ (APP-HNX) đã ban hành Nghị quyết số 18 tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2012 bằng tiền mặt với tỷ lệ 5% (01 cổ phiếu được nhận 500 đồng) để bù đắp cho sai sót trước đó.

Cụ thể, trước đó APP quyết định trả cổ tức đợt 2 năm 2011 là 20% (đợt 1 đã trả 5% trong tháng 11/2011). Tuy nhiên, thông báo của APP gửi Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) không rõ ràng và có 1 sự sơ suất nào đó đã khiến VSD và Sàn chứng khoán Hà Nội (HNX) công bố tới các nhà đầu tư là APP trả cổ tức 25%.

Như vậy, vô hình chung nhiều người hiểu rằng APP trả cổ tức đợt này là 25% (cộng với 5% cũ là 30% tổng cộng cho năm 2011). Thông tin nóng bỏng này dường như phần nào đã góp phần đẩy giá cổ phiếu tăng khá mạnh và đạt đỉnh là 16.100 đồng/cp một vài ngày trước ngày giao dịch không hưởng quyền 1/6 vừa qua.

Sự việc ngay sau đó được phát hiện khi mà giá cổ phiếu APP được điều chỉnh giảm 2.500 đồng/cp trong ngày giao dịch không hưởng quyền. APP sau đó cũng đã gửi công văn đề nghị VSD và HNX điều chỉnh tỷ lệ. Tuy nhiên, sự việc không đơn giản như thế. VSD cho biết không thể sửa sai khi mà giá cổ phiếu đã được điều chỉnh. Sai sót này có thể đã khiến nhiều nhà đầu tư thiệt hại. Hơn thế, biện pháp sửa sai xem ra cũng có nhiều dấu hiệu vi phạm các quy định và có thể lại gây thiệt hại một lần nữa cho các nhà đầu tư.

Trước đó, cũng đã có không ít các trường hợp nhầm lẫn và sai sót gây thiệt hại khá nhiều cho các nhà đầu tư.

Trường hợp, Viglacera Từ Sơn (mã VTS-HNX) là một ví dụ. Ngày 22/10/2007, HNX công bố thông tin cho biết VTS đạt lợi nhuận trước thuế quý III/2007 là 1,8 tỷ đồng. Trên thực tế, con số này chỉ là hơn 600 triệu đồng. Sự nhầm lẫn xuất phát từ báo cáo tài chính không theo chuẩn và gây khó hiểu. Với quy mô 11 tỷ đồng của VTS, lợi nhuận 1,8 tỷ đồng trong một quý là rất cao. Ngay sau khi HNX công bố, giá cổ phiếu này đã tăng một mạch gần gấp hai lần trong vòng khoảng hai tuần. Khối lượng giao dịch cũng cao, đạt trên 50.000 đơn vị/phiên.

Nhầm lẫn của cơ quan chức năng cũng khiến nhiều cổ đông chịu thiệt (ảnh minh họa)

Tất nhiên, ngay sau khi sự nhầm lẫn được phát hiện và lan truyền trong giới đầu tư, thì cổ phiếu VTS đã bị bán ra rất mạnh. Cả hai phía là VTS và HNX đều đã thừa nhận những sai sót của mình nhưng chắc hẳn rất nhiều nhà đầu tư đã bị sốc và thực sự bức xúc vì những nhầm lẫn nghiêm trọng như vậy.

Trước đó, ngày 10/10/2007, HNX đã tính nhầm giá tham chiếu của Công ty cổ phần Gạch men Thăng Long Viglacera (TLT), là 74.200 đồng/cp thay vì 54.000 đồng/cp. Vụ việc này đã khiến HNX phải hủy kết quả giao dịch trong ngày của mã chứng khoán này. Với hơn 120.000 cổ phiếu được trao tay và mức chênh 20.200 đồng/cp thì con số thiệt hại mà những người mua suýt phải gánh chịu là hơn 2,5 tỷ đồng.

Sai sót nghiêm trọng nhiều khi còn được phát hiện trong các bản tin giấy của Sàn chứng khoán TP.HCM, như sự việc sai lợi nhuận hàng chục lần của cổ phiếu LGC trong quý III/2007, hay "râu ông nọ cắm cằm bà kia" như trường hợp số liệu báo cáo tài chính của SDN nhầm thành của VFC...

Nhầm lẫn hay thiếu minh bạch?

Trong vụ việc APP, cho dù đã được phát hiện từ hôm 1/6/2012 nhưng cho tới 3/7/2012 quyết định sửa sai mới được đưa ra. Và cho đến chiều 4/7 thông tin về Nghị quyết 18 (tạm ứng 5% cổ tức 2012 để bù cho sai sót nói trên) mới được APP đưa lên trang web.

Trước đó, APP đã có nhiều công văn trao đổi qua đổi với VSD về sai sót nói trên nhưng không công bố ra bên ngoài. Việc xử lý cũng khá chậm chạp có thể khiến hậu quả của sự nhầm lẫn bị cộng dồn lên.

Một điều cũng đáng lo ngại là Nghị quyết 18 (sửa sai) có khá nhiều dấu hiệu sai phạm về tính pháp lý như: Được ban hành 3/7/2012 nhưng áp dụng ngày 5/6/2012 và tạm ứng cổ tức khi chưa có báo cáo tài chính soán xét trong 6 tháng đầu năm. Hơn thế, với sự phức tạp của sự việc, vấn đề này nên được đưa ra xin ý kiến của cổ đông thông qua 1 đại hội cổ đông bất thường.

Trường hợp VTS, lãnh đạo công ty khi đó đã cho biết thực sự đó là sự nhầm lẫn đáng tiếc và hoàn toàn không có chuyện thiếu minh bạch trong công bố thông tin. Mặc dù vậy, khi đó không ít nhà đầu tư đã đặt ra khả năng có thể có một sự lập lờ nào đó.

Về vụ việc TLT, việc tính nhầm giá tham chiếu đã không gây ra hậu quả nghiêm trọng do HNX đã hủy bỏ kết quả giao dịch trong ngày của mã chứng khoán này. Tuy nhiên, ảnh hưởng tới các nhà đầu tư chắc hẳn là có.

Sự nhầm lẫn hay cố tình sai phạm ở một số trường hợp là khó xác định. Dù vậy, trong trường hợp sai sót thực sự thì việc chậm giải quyết hay giải quyết một cách bưng bít cũng có thể được coi là thiếu minh bạch.

Không chỉ thế, nhiều trường hợp việc xử lý rơi vào ngõ cụt và phần thiệt hại thường rơi vào các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Cơ quản quản lý cũng lúng túng

Trong văn bản mới nhất (3464/VSD-ĐK) gửi APP, VSD cho biết: Trường hợp APP không đưa ra được giải pháp xử lý phù hợp, APP phải thanh toán đủ (cổ tức) và đúng thời gian theo Thông báo số 80/TB-APP ngày 21/05/2012 và Thông báo số 1042/TB-VSD ngày 23/05/2012 của VSD.

Điều đó có nghĩa là APP phải thanh toán đủ 25% cổ tức (đợt 2) năm 2011 sau khi đã tạm ứng 5% vào tháng 11 năm ngoái.

Theo ông Hoàng Trung Dũng, thành viên HĐQT kiêm phó tổng giám đốc APP - người tham gia họp với VSD và HNX, đại diện hai đơn vị này cho biết, đây là trường hợp hy hữu và chưa có cách xử lý thấu đáo.

Tới 4/7, Nghị quyết 18 (sửa sai bằng cách tạm ứng 5% cổ tức 2012) đã được gửi lên VSD nhưng không rõ VSD sẽ quyết định như thế nào với cách xử lý như đã nêu trên của APP. Quyền lợi của cổ đông có được đảm bảo như yêu cầu của VSD và HNX hay không?

Trường hợp của VTS, TLT, LGC, SDN... cũng khá là rắc rối và gây ra những hậu quả không mong muốn.

Rõ ràng, vấn đề lớn ở đây chính là tính cẩn trọng trong việc công bố thông tin. Công bố thông tin phải rõ ràng và minh bạch. Trách nhiệm của các bên cũng cần được gắn rõ ràng với từng cá nhân.

Ngoài ra, nhiều sai sót, nhầm lẫn không được xử lý kịp thời cũng đã gây ra những điều đáng tiếc và bức xúc lớn hơn về sau. Việc xử lý kịp thời sẽ giúp bảo vệ tốt hơn quyền lợi của các cổ đông nhỏ lẻ - chiếm đại đa số trên TTCK, qua đó cải thiện niềm tin trên thị trường này.

Mạnh Hà

DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM

Các tin tức khác

>   Dự báo chứng khoán tuần qua: Nhiều CTCK thất vọng (07/07/2012)

>   Mong... tháng 7 qua mau (07/07/2012)

>   Nỗ lực cải thiện chính sách tiền tệ (07/07/2012)

>   Kết quả giao dịch cuối ngày 06/07 của chỉ số HNX 30 (06/07/2012)

>   Nên mua vào nếu thanh khoản tiếp tục hồi phục (06/07/2012)

>   Ưu đãi thuế mới có vực được thị trường? (06/07/2012)

>   Chứng khoán kỳ vọng “sóng” HNX30 (06/07/2012)

>   Động lực thị trường ở đâu? (06/07/2012)

>   Thị trường chứng khoán - BĐS: Chờ cú hích mạnh (06/07/2012)

>   Quyết liệt tạo kênh dẫn vốn dài hạn (06/07/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật