Vì sao M&A chỉ mới có duyên với các doanh nghiệp lớn?
Năm 2011 có thể coi là năm bùng nổ của hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) tại VN với tổng giá trị các thương vụ ước đạt gần 3 tỉ USD.
Tuy nhiên có vẻ M&A chỉ mới có duyên với các DN lớn vì còn khá ít thương vụ diễn ra với doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).
4 lí do DNNVV không bén duyên
Thứ nhất, M&A với DNVVN là hoạt động không hấp dẫn đối với các DN nước ngoài, khi mục tiêu chính của họ là lấy thị phần nhanh chóng mà không phải xây từ đầu, trong khi DNNVV có thị phần không đáng kể.
Thứ hai, thường DNVVN ở VN chỉ bán khi đã rơi vào thế đường cùng – tức là gặp khó khăn về tài chính hoặc kinh doanh. Vì thế các DN có nhu cầu M&A lại cũng không hấp dẫn, người mua muốn mua DN đang đi lên. Rất ít người muốn mua DN đang đi xuống.
Thứ ba, nếu nhìn trên bình diện rộng, đặc điểm phổ biến của nhiều DNNVV là quản trị không tốt, đặc biệt là về tài chính, không minh bạch vì vậy không thích hợp với chuẩn về minh bạch của các nhà đầu tư, nhất là từ Nhật Bản và Tây Âu.
Thứ tư, việc định giá DN quá khác biệt giữa bên mua và bên bán. Nhiều khi bên bán ra giá cao quá bất hợp lý. Và cuối cùng, các tổ chức, đội ngũ tư vấn M&A chuyên nghiệp cũng ít khi muốn làm việc với DNVVN vì khối lượng công việc thường phức tạp và mất thời gian hơn là các DN lớn đã có hệ thống quản trị tốt và minh bạch hơn. Thí du, nhiều DNVVN thậm chí không làm báo cáo tài chính, không có kiểm toán và tư vấn M&A phải tham gia làm lại toàn bộ sổ sách và báo cáo. Trong khi đó, vì giá trị của giao dịch thường là bé, phí tư vấn khi thành công mà nhà tư vấn thu về không đáng bao nhiêu.
Mặc dù vậy, triển vọng của thị trường M&A nói chung và nhất là của hoạt động này đối với các DNVVN trong vài năm tới vẫn đang được giới đầu tư trong và ngoài nước đánh giá rất cao. Trong thời gian tới, chắc chắn các giao dịch M&A sẽ ngày càng nhiều và ngày càng sôi động. Bởi M&A không chỉ là một phần tất yếu của kinh tế thị trường và là một họat động tạo ra giá trị, mà một trong những lý do quan trọng nhất của M&A là lợi thế kết hợp (syngergy) giữa các Cty khi kết hợp lại với nhau. Đặt trong bối cảnh vĩ mô kinh tế VN đang ở trong giai đoạn phải chuyển đổi mạnh mẽ và quyết liệt theo hướng thị trường, thì M&A càng là một phần không thể thiếu của quá trình này.
Sự lựa chọn chiến lược hơn là tình thế
Có hai thái cực trong cách chủ DN nghĩ về DN của mình: một sự nghiệp và một sản phẩm, một khoản đầu tư. Nếu người chủ DN nghĩ DN của mình là một sự nghiệp, thì họ sẽ có tâm lý không muốn chia sẻ sự nghiệp, hoặc bán đi sự nghiệp đó. Cũng có những người chủ thậm chí nghĩ bán đi là chứng tỏ sự thất bại của mình, một vết nhơ, một nỗi nhục. Vì thế, họ chỉ muốn bán khi bị đẩy vào đường cùng. Nhưng trong trường hợp đó thì kiếm được người mua lại rất khó.
Trong quá trình tiếp xúc với nhiều DN, chúng tôi gặp khá đông các ông chủ như vậy. Thậm chí có một chủ DN trong lĩnh vực hàng tẩy rửa, xà phòng đã khăng khăng nói với chúng tôi là thương hiệu này là cả đời ông, và tượng trưng cho dòng họ. Ông có thể bán hết nhà máy và hệ thống phân phối, nhưng người mua không được dùng thương hiệu của ông. Và chúng tôi đã không tìm được đối tác để thực hiện thương vụ như kỳ vọng.
Một trong những trường hợp điển hình của xây để bán là trường hợp một hãng giáo dục quốc tế có tiếng ở Sài Gòn. Ngay từ đầu, tức là khoảng 6 – 7 năm trước, mục tiêu của các cổ đông sáng lập là xây để bán. Và họ đã tập trung làm mọi việc để sản phẩm của mình trở nên hấp dẫn nhất có thể được trong con mắt của các nhà đầu tư. Tới nay, họ là một trong các hãng giáo dục thành công nhất trong cả nước xét về góc độ thu hút các nhà đầu tư.
Dù là ở thái cực nào thì DN nói chung nên nhìn nhận M&A như một lựa chọn chiến lược, hơn là tình thế. Chúng ta không nhất thiết cứ phải xây lên để bán, nhưng cũng không cần phải giữ lập trường DN là sự nghiệp duy nhất của mình. Là một lựa chọn chiến lược, chúng ta có thể thực hiện việc M&A vào lúc thuận lợi nhất, với các điều kiện tốt nhất, thích hợp với các kế hoạch kinh doanh. Hơn nữa, nhìn về tổng thể, đa số các DN lớn đều bắt đầu từ vừa và nhỏ. Thế nhưng, quy luật cạnh tranh và quy mô thị trường không cho phép có nhiều DN lớn tồn tại trong cùng một ngành trên một thị trường như VN. Chính vì thế, việc hợp nhất với các DN nhỏ với nhau để tập trung sức mạnh, đứng vững qua những cơn sóng gió như hiện nay không phải là một lựa chọn tồi.
TS Trần Vinh Dự Tổng Giám Đốc Cty TNK Capital
diễn đàn doanh nghiệp
|