Phá băng nợ xấu - Kỳ 2: Ứ vốn tại ngân hàng
Trước tình trạng nợ xấu tăng cao, từ cuối tháng 4-2012 Ngân hàng (NH) Nhà nước đã chỉ đạo các NH cơ cấu lại nợ nhằm tháo “vòng kim cô” cho NH, doanh nghiệp (DN).
Thế nhưng, đến nay việc cơ cấu này gần như không thực hiện được trong khi vốn tiếp tục ứ đọng.
>> Kỳ 1: Bít đường làm ăn
Thể hiện rõ nhất sự bế tắc này chính là nguồn vốn ra thị trường không tăng. Theo ông Nguyễn Ngọc Thắng - phó giám đốc NH Nhà nước TP.HCM, tổng dư nợ trên địa bàn TP đến ngày 30-6 tiếp tục âm 0,04% so với cuối năm 2011, chỉ đạt 763.000 tỉ đồng, thấp nhất trong các năm gần đây.
Nợ xấu “khó nuốt”
Vẫn theo ông Thắng, nợ xấu của hệ thống tín dụng trên địa bàn TP.HCM tăng cao, đến cuối tháng 6-2012 là 6,3% do nhiều DN khó khăn, không trả được gốc và lãi trong nhiều tháng. Kết quả khảo sát của NH Nhà nước TP.HCM tại nhiều NH cổ phần trên địa bàn cho thấy lợi nhuận của nhiều NH chỉ bằng 1/3 so với cùng kỳ năm 2011. “Nợ xấu tăng cũng dẫn đến chi phí của NH cao do phải trích dự phòng rủi ro cao, một lượng lớn vốn huy động không cho vay ra được” - ông Thắng phân tích.
Đặc biệt, qua báo cáo của các NH thương mại, hàng hóa tồn kho và nguyên vật liệu tại nhiều DN tăng cao so với dư nợ của NH. Với những hàng hóa không có thời hạn còn xoay xở được, còn những hàng hóa có thời hạn như thực phẩm, dược phẩm DN rất khó khăn. Nợ xấu cũng khiến quá trình giảm lãi suất cho vay chưa như mong muốn. DN trước đây vay 18%/năm, nay DN nào may mắn lắm vay được nguồn vốn lãi suất 15-16%.
Theo phó tổng giám đốc một NH cổ phần, về lý thuyết việc mở ra cơ chế cho cơ cấu lại nợ như điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ sẽ giúp các DN giảm tải áp lực trả nợ, cũng như có thêm điều kiện để nối lại hoặc thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh tốt hơn. Với các NH, khi điều kiện trả nợ của DN được cải thiện sẽ bớt áp lực gia tăng nợ xấu. Việc được giữ nguyên nhóm nợ sau cơ cấu cũng giảm bớt áp lực phải gia tăng việc trích lập dự phòng. Thế nhưng trên thực tế nhiều NH cho rằng hướng dẫn cơ cấu nợ của NH Nhà nước chưa rõ ràng, khiến họ khó thực hiện.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND TP.HCM ngày 7-7, ông Đỗ Duy Hưng, tổng giám đốc NH Bản Việt, đề nghị NH Nhà nước nên hướng dẫn rõ ràng hơn về việc giải quyết những món nợ trước ngày 23-4 (thời điểm NH Nhà nước chỉ đạo việc cơ cấu lại nợ), bởi thực tế nhiều DN gặp khó khăn nhiều năm liền chứ không phải mới đây, trong khi văn bản cơ cấu nợ của NH Nhà nước có hiệu lực tính từ sau ngày 23-4 sẽ rất khó cho NH và doanh nghiệp. Ông Hưng cho rằng hiện nay NH nào cũng khó khăn về nợ quá hạn, nhưng NH Nhà nước ấn định khoản nợ này không được quá 3% cả trong bối cảnh thị trường tốt hay xấu mà không có điều chỉnh. “Chỉ cần nợ xấu tăng lên trên 3% là NH Nhà nước có văn bản không cho mở chi nhánh, không tăng trưởng tín dụng... Điều này sẽ khó cho các NH thương mại nhỏ” - ông Hưng nói.
Cần văn bản hướng dẫn chi tiết
Tổng giám đốc một NH phía Bắc thừa nhận việc cơ cấu nợ chủ yếu cho các DN tại Hà Nội và TP.HCM do tại đây tập trung nhiều DN “đỉnh”, nhiều DN cũng chỉ khó khăn tạm thời, chuẩn bị có đầu ra. Mặt khác, do NH Nhà nước không có chỉ đạo cụ thể nên NH cũng chỉ cơ cấu nợ, còn việc điều chỉnh lãi suất không đáng kể, thậm chí giữ nguyên lãi suất. Vị tổng giám đốc này cũng kiến nghị chính sách NH Nhà nước sau khi ban hành cần có giám sát cụ thể, xem NH nào thực hiện, NH nào không. Hiện nay việc cơ cấu nợ chủ yếu chỉ có NH lớn thực hiện, còn nhiều NH nhỏ không thực hiện.
Tại cuộc họp của UBND TP.HCM với 16 NH cổ phần cuối tuần qua, bà Nguyễn Thị Hồng, phó chủ tịch UBND TP.HCM, nêu lên thực tế NH Nhà nước có văn bản chỉ đạo cơ cấu nợ nhưng cụm từ quá chung chung dẫn đến các NH lúng túng trong thực hiện. Bà đề nghị NH Nhà nước có văn bản hướng dẫn cụ thể để các NH triển khai đồng bộ.
Phó thống đốc NH Nhà nước Trần Minh Tuấn cũng thừa nhận thực tế NH Nhà nước đã có văn bản hướng dẫn về lãi suất lẫn tháo gỡ khó khăn cho DN nhưng nhiều NH thương mại trên địa bàn thực hiện chưa nghiêm, lãi suất huy động và cho vay vẫn còn cao. Ngoài ra, các NH thương mại còn lúng túng trong triển khai các văn bản, dẫn đến mỗi NH thương mại triển khai khác nhau. Vì vậy, NH Nhà nước sẽ ghi nhận lại những phản ảnh của DN để có văn bản hướng dẫn rõ ràng hơn.
Tồn kho vẫn ở mức cao
Theo Bộ Công thương, tính đến tháng 6-2012, lượng tồn kho của nhiều sản phẩm vẫn còn cao so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, lượng tồn kho của đồ uống không cồn tăng 23,8%, thuốc lá, thuốc lào tăng 41,4%; bột giấy, giấy và bìa tăng 15,6%; giấy nhăn và bao bì tăng 130%; sản xuất ximăng tăng 29,3%; sản xuất xe có động cơ tăng 116,7%; sản xuất môtô, xe máy tăng 25,7%; sản xuất trang phục (trừ quần áo da lông thú) tăng 23,1%; sản xuất sản phẩm bơ, sữa tăng 8,7%...
Bộ Công thương cũng cho rằng ngành công nghiệp chế biến vẫn là ngành gặp nhiều khó khăn. Chỉ số sản xuất sáu tháng đầu năm 2012 của ngành này thấp hơn nhiều so với mức tăng 12,7% cùng kỳ năm trước, trong đó các ngành có chỉ số sản xuất giảm khá mạnh tập trung vào các lĩnh vực ximăng, sắt thép, sản xuất sợi và dệt vải, sản xuất giày dép, sản xuất giấy nhăn, bao bì, bột giấy, giấy, bìa, sản xuất xe có động cơ, sản xuất đồ uống không cồn, sản xuất môtô, xe máy...
T.V.N. - C.V.K.
Xem xét từng doanh nghiệp
Ông Lê Hùng Dũng, chủ tịch HĐQT Eximbank (EIB), cho biết việc cơ cấu lại nợ của NH mình thời gian qua được thực hiện dựa trên khả năng kinh doanh sắp tới của từng DN, khả năng trả nợ... Những món nợ quá hạn thì NH bàn với đối tác theo hướng miễn cho DN lãi phạt quá hạn, giảm lãi trong hạn sao cho DN có khả năng trả được nợ. Trong trường hợp cả khi được miễn, giảm lãi DN vẫn không trả được nợ thì NH sẽ mua lại nợ đó, giảm nợ xấu của NH. Bù lại NH giảm được nợ xấu, tài sản mua lại của DN sẽ được bán thu hồi nợ, lấy lại vốn để NH cho vay. Trên tinh thần đó NH đã miễn gần 100 tỉ đồng cho DN. Nói về những vướng mắc, khó khăn trong cơ cấu nợ, ông Dũng cho rằng quan trọng là NH có muốn làm hay không, nếu không muốn làm NH có thể viện ra rất nhiều lý do để từ chối.
Ông Nguyễn Đình Tùng, tổng giám đốc NH Phương Đông, cho biết trong hai tháng qua đã xử lý 180 tỉ đồng đưa về nhóm 1 cho 47 DN; giãn nợ, giảm lãi suất bình quân tất cả khoản nợ nhóm 2 xuống 2-3%/năm, còn 15-16%/năm; điều chỉnh thời hạn trả lãi cho khách hàng, đồng thời tiếp tục cho vay lại tạo dòng tiền trong tương lai để cho vay nợ.
A.H.
|
ÁNH HỒNG
tuổi trẻ
|