Thứ Ba, 10/07/2012 18:31

Doanh nghiệp “sốt ruột” xin giảm lãi

Mặc dù chưa đến thời hạn (từ 15.7) để các ngân hàng (NH) điều chỉnh lãi suất các món nợ cũ lãi cao xuống còn 15% theo chỉ đạo của ngân hàng nhà nước (NHNN), nhưng hai ngày hôm nay, rất nhiều doanh nghiệp (DN) đã tỏ ra sốt ruột.

15%/năm vẫn còn quá cao

Ông Nguyễn Tiến Đạt - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thương mại quốc tế CDC (Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ, lần trước ông cũng có nghe NHNN yêu cầu các NH phải điều chỉnh giảm lãi vay các hợp đồng tín dụng cũ có lãi suất cao hơn thị trường, nhưng DN ông không được NH giảm.

“Lần này Thống đốc đã chỉ đạo trực tiếp phải giảm cho DN xuống mức 15%/năm, nên chúng tôi đang chuẩn bị hợp đồng để yêu cầu NH phải hạ lãi suất”, ông Đạt nói.

Còn ông Nguyễn Thành Phương, Tổng giám đốc (TGĐ) Công ty cổ phần thương mại Alibaba, cho biết, ông có một món vay xuất khẩu tại NH TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB), lần trước NH đã giảm xuống còn 16%/năm, lần này ông sẽ tiếp tục đề nghị giảm xuống 15%/năm và có thể thấp hơn.

“Thống đốc nói nếu DN tốt, có đủ khả năng trả nợ thì giảm xuống thấp hơn 15%/năm. Tôi hy vọng NH sẽ xem xét để hỗ trợ trong lúc khó khăn như thế này. Bởi thực tế mức lãi suất như trên DN cũng đã đủ chết rồi chứ đừng nói đến việc kinh doanh”, ông Phương nói.

Trao đổi với Thanh Niên Online, TGĐ một NH có trụ sở tại Hà Nội cho biết, ngay trong ngày đầu tuần và sáng 10.7, ông nhận được hàng loạt cú điện thoại của các DN đề nghị sớm xem xét lại các hợp đồng cho vay trước đó với lãi suất trên 15%/năm.

“Các chi nhánh cũng ồ ạt gọi điện về Hội sở hỏi về việc giảm lãi ở mức nào, điều kiện giảm ra sao, cho các đối tượng thuộc lĩnh vực gì. Chúng tôi đang phải rà soát lại tất cả các hợp đồng để điều chỉnh giảm cho DN”, ông nói.

Cũng theo TGĐ này, có khách hàng hợp đồng tín dụng còn 16%/năm xin giảm xuống 15%/năm, có khách hàng hợp đồng 18%/năm cũng đòi kéo xuống 15%/năm.

Không nên cào bằng

Thực tế, không phải đến giờ NHNN mới yêu cầu các NH phải giảm lãi suất cho các món vay cũ, bởi ngày 24.4 công văn số 2056/NHNN-CSTT đã quy định: Trên cơ sở khả năng tín dụng của từng NH xem xét hạ lãi suất các hợp đồng tín dụng theo lãi suất thị trường, đặc biệt lĩnh vực tam nông, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ.

Tuy nhiên, điều hết sức đáng tiếc là việc quy định quá chung chung, lại không rõ điều kiện, đối tượng cụ thể được giảm, mức giảm bao nhiêu và không có chế tài đi kèm, khiến cho các NH nơi làm, nơi không, nơi giảm cho có, hoặc chỉ điều chỉnh đối với những khách hàng VIP của mình. Vì vậy, lần này NHNN buộc phải dùng biện pháp hành chính để ép.

Nguyên Thống đốc NHNN Cao Sĩ Kiêm nói: “Kêu gọi mãi các NH không chịu giảm thì đã đến lúc phải ép, kể cả là biện pháp hành chính, dù tôi luôn phản đối nó, nhưng trong lúc này không còn cách nào khác”.

Cần phải thấy rằng, ngay cả đến khi NHNN “ép” các NH thương mại bằng mệnh lệnh hành chính, thì chính sách này cũng tỏ ra còn nhiều bất cập, nóng vội. Bởi sau “thất bại” của công văn 2056, NHNN cũng không yêu cầu các NH thương mại báo cáo tổng dư nợ lãi cao trên các hợp đồng tín dụng cũ/tổng dư nợ tại các NH cụ thể còn bao nhiêu, không rà soát lại xem các NH đã thực hiện việc giảm lãi suất này như thế nào. Vì vậy, cơ sở để NHNN ấn định mức lãi suất 15%/năm rất thiếu cơ sở, và cào bằng.

“NHNN rất cần xem xét lại mức lãi vay 15%/năm nêu trên, đánh giá đúng thực trạng tín dụng tại từng NH để có hướng dẫn cụ thể, tránh cào bằng vì nhiều DN tốt do khó khăn nhất thời, nhất là DN xuất khẩu, hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, cần phải giảm hơn nữa”, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh kiến nghị.

Anh Vũ

Thanh Niên

Các tin tức khác

>   Ngân hàng thôn tính bất động sản (10/07/2012)

>   Nợ xấu của các tổ chức tín dụng tại Hà Nội gia tăng (10/07/2012)

>   Lãi suất ngắn hạn vẫn vượt xa trần 9% (10/07/2012)

>   Phá băng nợ xấu, Kỳ 1: Bít đường làm ăn (10/07/2012)

>   Ngân hàng gia tăng sở hữu chéo (10/07/2012)

>   Vụ kiện sàn vàng ACB: Hệ lụy từ... quản lý (10/07/2012)

>   'Trần' lãi suất nợ cũ 15%: Ngân hàng hi sinh để cứu mình? (10/07/2012)

>   Moody's hạ triển vọng tín nhiệm SHB xuống “tiêu cực” (09/07/2012)

>   Nhà băng có hy sinh lợi nhuận? (09/07/2012)

>   Giảm lãi suất cho vay: Chờ xử lý “cục máu đông” nợ xấu (09/07/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật