Phá băng nợ xấu, Kỳ 1: Bít đường làm ăn
Nhiều chuyên gia đã ví von nợ xấu tại các ngân hàng hiện nay như “khối u ác tính” hay “cục máu đông”... khiến dòng chảy tín dụng lâu nay bị đóng băng, việc hạ lãi suất cho vay bị bế tắc. Và dòng vốn chảy vào sản xuất thật sự thông thoáng nếu giải quyết được “khối u” này.
Theo ước tính đến cuối tháng 5, tổng nợ xấu tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng khoảng 100.000 tỉ đồng. Các khoản nợ này rơi vào rất nhiều nhóm lĩnh vực và đây chính là chiếc “vòng kim cô” khiến cả ngân hàng và doanh nghiệp bít đường làm ăn.
Một số doanh nghiệp (DN) do vướng nợ xấu đã phải bán tài sản để trả nợ nhưng vẫn chưa trả hết và giờ đây đang phải tính đến bán nhà xưởng...
Dồn vào đường cùng
Sản xuất khó khăn, bị đẩy vào thế không trả được nợ khiến DN sản xuất sữa và hàng tiêu dùng ĐH (Q.6, TP.HCM) đang rơi vào cơn bĩ cực. Cách đây đúng một tuần, bà H.K. - chủ DN - chạy vạy khắp nơi để xoay tiền trả nợ nhưng sự cố gắng của bà K. cũng vô ích khi các ngân hàng từ chối cho bà vay vì nợ xấu. Ngày 9-7, bà K. đành phải dọn tất cả đồ đạc đến ở tại nhà xưởng của mình tại quận Tân Bình do căn nhà cuối cùng bà đã bán để trả ngân hàng 15 tỉ đồng. Thế nhưng, bà K. cho biết hiện cũng mới chỉ trả được 70% số nợ. Không tính các khoản nợ bên ngoài, chỉ riêng số nợ vay tại ngân hàng của bà K. vẫn còn 4 tỉ đồng, đang chịu mức lãi suất 19%/năm và đã 5 tháng bà không có tiền trả lãi cho ngân hàng. “Phao cứu sinh duy nhất là đẩy mạnh bán hàng hóa thì lại đang gặp khó khăn về thị trường. Có lẽ tôi phải bán nốt nhà xưởng, máy móc để trả nợ”, bà K. rầu rĩ.
Bà H.K. cho biết nguyên nhân chính đẩy công ty bà vào khó khăn như hiện nay là do suốt quá trình dài công ty không tiếp cận được các nguồn vốn vay của ngân hàng bởi tài sản thế chấp không còn. Trong khi đó sức mua tại thị trường kém khiến đầu ra các sản phẩm của công ty gặp khó khăn. Cùng lúc này các khoản nợ cũ với lãi suất cao ngất ngưởng từ 18-19%/năm càng dồn DN vào chân tường.
Tương tự tại Công ty cổ phần đầu tư và phát triển xây dựng H (TP.HCM), hiện việc trả lãi và gốc cho các ngân hàng đối với các khoản vay đang khiến công ty “kiệt quệ” trong khi lượng hàng tồn kho của công ty đang rất lớn. “Không kể việc lo tiền lương cho 3.000 công nhân, trả cổ tức cho cổ đông, riêng việc trả nợ và lãi ngân hàng là đã quá mệt rồi. Chúng tôi đang rất khó khăn lo nguồn để trả lãi gốc cho ngân hàng hằng tháng”, một lãnh đạo công ty này cho biết.
Công ty này hiện đang có khoản nợ gần 100 tỉ đồng bị liệt vào khoản nợ xấu tại một ngân hàng và công ty đã gửi công văn “nhờ cậy” xem xét để giãn, khoanh nợ, nhưng đến thời điểm này phía ngân hàng vẫn chưa trả lời. “Do các khoản vay cũ tại ngân hàng chưa trả xong nên DN hoàn toàn bế tắc trong việc tiếp cận nguồn vốn mới khiến các dự án đang triển khai đành bỏ dang dở”, vị lãnh đạo công ty chua xót.
Thờ ơ với lãi suất thấp
Bất động sản (BĐS) được xem là lĩnh vực bị “sa lầy” nhiều nhất đối với các khoản nợ xấu và đây chính là lý do khiến nhiều DN hiện vẫn chưa thể tiếp cận được vốn mới mặc dù không ít DN có “lý lịch” tốt.
“Sáng 9-7, tôi liên hệ với một số ngân hàng, thế nhưng tất cả đều cho rằng chưa thể giảm lãi vay nợ cũ xuống dưới 15%/năm như chỉ đạo, chưa nói đến việc vay vốn mới với lãi suất thấp...” - ông Nguyễn Cao Trí, tổng giám đốc Công ty CP đầu tư địa ốc Bến Thành (BenThanh Land), cho biết. Theo ông Trí, hầu hết các ngân hàng đều “thờ ơ” trước thông tin hạ lãi suất cho vay khi viện ra đủ các lý do như đã huy động vốn với lãi suất cao, nợ xấu đang gia tăng... “Các ngân hàng đều cho biết đang chờ hướng dẫn cụ thể hơn về việc phân loại nợ, phân loại DN, các biện pháp hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước... mới có thể kéo lãi vay nợ cũ xuống, rồi tính toán cho vay mới...” - ông Trí nói.
Không riêng gì BenThanh Land, hầu hết DN BĐS đều cho biết đang là “con tin” của ngân hàng. Ông Trần Minh Hoàng - chủ tịch HĐQT Vinaland - khẳng định hầu hết DN BĐS đều có nợ xấu tại ngân hàng. Theo ông Hoàng, các DN hiện đã thế chấp toàn bộ tài sản, kể cả tài sản hiện có cho đến tài sản hình thành trong tương lai, cho ngân hàng. “Thị trường BĐS đã mất thanh khoản trong mấy năm gần đây, DN BĐS không có khả năng trả lãi vay lên tới hơn 20%/năm chứ chưa nói nợ gốc. Do tài sản đã thế chấp hết trong ngân hàng nên hiện các DN hầu như không đủ điều kiện để vay mới, nếu các ngân hàng không có cơ chế cơ cấu lại nợ vay, lãi suất...”, ông Hoàng nói.
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Đực, phó giám đốc Công ty Đất Lành, cho biết đã có nhiều DN BĐS phải vay ngoài với lãi suất cao để trả lãi ngân hàng, thậm chí có DN gán cả BĐS cho ngân hàng và chấp nhận lỗ hơn 30% giá trị đầu tư. “Có một dự án tại Tân Phú được một DN đầu tư hơn 300 tỉ đồng, nhưng sau đó gán nợ cho ngân hàng với giá chỉ có 200 tỉ đồng để thoát khỏi thị trường...” - ông Đực nói. Theo ông Đực, nếu không gán nợ, DN cũng không có tiền trả lãi, chưa kể tiền duy trì bộ máy trong khi giá trị tài sản ngày càng teo tóp. Theo các DN, chính các ngân hàng cũng đang trả giá cho chính sách “ăn dày” bằng lãi suất cao.
Ông Nguyễn Vũ Bảo Hoàng - phó tổng giám đốc Công ty CP Phát triển nhà Thủ Đức (TDH) - cho rằng với lãi suất cao ngất ngưởng thời gian qua, nhiều người quay lưng với thị trường BĐS, họ bỏ vốn vào ngân hàng lấy lãi thay vì vay thêm để mua BĐS. Sản phẩm không bán được, DN BĐS không có tiền trả cho ngân hàng, dòng tiền bị tắc nghẽn tại các dự án. “Nếu một vài DN thì ngân hàng còn xử lý được chứ hầu hết các DN, từ BĐS đến vật liệu xây dựng, sản xuất... đều bị chết, ngân hàng đâu có xử lý được” - ông Hoàng nói.
Ông Bùi Kiến Thành (chuyên gia tài chính):
Doanh nghiệp “sống” mới trả được nợ
Nợ xấu gia tăng do DN không có khả năng trả được nợ. Nếu không có biện pháp giải quyết ngay giúp DN tiếp cận được nguồn vốn với lãi suất hợp lý để sống, phục hồi và phát triển thì cả nền kinh tế sẽ khó khăn.
Nợ xấu đang làm đóng băng nguồn tín dụng chảy về DN. DN có nợ xấu quá hạn thì không được vay tiếp và ngân hàng có nợ xấu quá hạn thì không được cho vay tiếp. Như vậy, nguồn vốn từ ngân hàng không thể chảy đến DN được bất chấp lãi suất là bao nhiêu. Đến lúc này, dù có đem lãi suất thấp thì DN cũng không vay được khi không có tài sản thế chấp. Đã có nhiều cảnh báo đưa ra rằng DN chỉ có thể sống với lãi suất khoảng 10%, trên 10% là lãi suất có vấn đề, còn 20% là lãi suất chết.
Ngân hàng phải tự cứu mình bằng cách ngồi lại với các DN, rút lãi suất cho vay xuống như chỉ đạo của thống đốc Ngân hàng Nhà nước. DN sống, bình phục để hoạt động kinh doanh bình thường thì mới trả nợ được cho ngân hàng. Do vậy, ngân hàng phải tạo mọi điều kiện để cho DN sống chứ không thể tìm cách xiết nợ, phạt người ta. Nếu áp dụng lãi suất phạt 150% so với lãi suất vay trước đây thì khác nào bóp cổ cho người ta chết.
LÊ THANH ghi
Nợ xấu chiếm 4,4% tổng dư nợ
Ông Nguyễn Đồng Tiến, phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết tính đến cuối tháng 5, theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, tổng nợ xấu của toàn hệ thống chiếm 4,47% tổng dư nợ cho toàn nền kinh tế, tương đương khoảng 100.000 tỉ đồng. Nợ xấu gia tăng là do phát sinh từ các khoản nợ trước đây, khi tình hình tài chính của bên đi vay yếu đi, không có khả năng trả nợ cho ngân hàng. Tuy nhiên, theo số liệu giám sát của cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng, 84% nợ xấu của hệ thống ngân hàng được đảm bảo bằng tài sản thế chấp và tổng giá trị của các tài sản thế chấp này bằng 135% giá trị nợ xấu. Tính đến cuối tháng 5, các tổ chức tín dụng đã tiến hành trích dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu được khoảng 67.000 tỉ đồng.
Một trong những giải pháp thực hiện trong sáu tháng cuối năm để ngăn sự gia tăng của nợ xấu, theo Ngân hàng Nhà nước, là các tổ chức tín dụng phải tích cực phối hợp với khách hàng để rà soát đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng, cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vốn vay, cho vay mới trả nợ cũ không nhằm che giấu nợ xấu... Đồng thời, theo ông Tiến, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ đề xuất với Chính phủ chỉ đạo các địa phương và bộ ngành để rà soát, sửa đổi những quy định liên quan đến giao dịch bảo đảm, xử lý tài sản bảo đảm, để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu, tăng thanh khoản, tăng khả năng cấp vốn cho nền kinh tế.
LÊ THANH
|
HẲI ĐĂNG - ĐÌNH DÂN
Tuổi trẻ
|