Thứ Tư, 11/07/2012 08:50

Lợi nhuận các ngân hàng có thể “mất” tới 16.500 tỷ đồng?

Trường hợp Ngân hàng Nhà nước ngắt cầu giao cái rụp, số lợi nhuận các ngân hàng thương mại “mất đi” có thể lên đến 16.500 tỷ đồng.

Còn 5 ngày nữa để yêu cầu giảm lãi suất đối với các khoản vay cũ bắt đầu triển khai. Tất cả mới chỉ dừng lại ở sự gợi mở là Ngân hàng Nhà nước yêu cầu, các thành viên đồng thuận, đúng ra là cân nhắc đồng thuận.

Theo ý kiến của Thống đốc Nguyễn Văn Bình đưa ra tại hội nghị ngành ngày 7/7 vừa qua, từ 15/7 các ngân hàng thương mại thực hiện giảm lãi suất đối với các khoản vay cũ, ít nhất là áp 15%/năm, tốt hơn là theo mặt bằng lãi suất các khoản cho vay mới (dưới 15%/năm theo Thống đốc).

Còn quá nhiều biến số ở phía trước. Thứ nhất, thế nào là khoản vay cũ, xác định theo thời điểm nào? Thứ hai, yêu cầu điều chỉnh đó có phân loại hay không, áp cho riêng các nhóm lĩnh vực cụ thể hay dàn hàng ngang? Thứ ba, đó là yêu cầu có tính định hướng hay là mệnh lệnh bắt buộc? Thứ tư, tính thực tế khi triển khai như thế nào bởi có thể có sự đối phó, nhất là liên quan đến bài toán lợi nhuận của các ngân hàng thương mại?

Trong tình huống có sự ảnh hưởng lớn nhất, tốt nhất đối với khách hàng vay vốn, Ngân hàng Nhà nước cắt cầu giao cái rụp, tắt điện toàn thành phố, lãi suất mọi khoản vay cũ đều được giảm về tối đa là 15%/năm, lợi nhuận các nhà băng sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?

Trước hết, đây là một tình huống ngẫu nhiên. Cơ cấu vốn huy động và cho vay của các ngân hàng có tính chất gối đầu, khó có một lát cắt gọn gàng, chính xác một mức lãi suất cho tổng huy động, tổng cho vay để cân đối và tính toán ra đáp án tuyệt đối; có thể xác định theo lãi suất bình quân, nhưng cơ cấu nguồn vốn theo các kỳ hạn khác nhau lại dẫn đến những đánh giá khác nhau.

Một cách tương đối và trực quan, đến thời điểm này lãi suất huy động ở khoảng 9 - 12%/năm, lãi suất cho vay ra có thể từ 13 - 15%/năm. Nhưng thực tế lãi suất các khoản vay cũ hiện vẫn cao, 17 - 18 - 19%/năm… Nguyên do, phần lớn nguồn vốn huy động trước đó các ngân hàng phải chịu lãi suất phổ biến 14%/năm (chưa tính phần đội lên do có thể thỏa thuận vượt trần trước đây).

Có một độ trễ để trung hòa dần chi phí huy động vốn, khi lãi suất huy động bắt đầu giảm từ tháng 4/2012, đến nay đã được 3 tháng. Liệu việc trung hòa đó hiện đã đáng kể để đặt ra yêu cầu giảm lãi suất cho vay tương ứng một cách sòng phẳng? Hay các ngân hàng vẫn đang sống với quá khứ, tranh thủ lãi suất cao các khoản cho vay cũ để bớt áp lực bài toán lợi nhuận?

Những câu hỏi trên sẽ được trả lời ở mỗi thành viên, mỗi ngân hàng tự biết, do sự phức tạp của cơ cấu vốn và kỳ hạn chỉ họ biết, và cả ý chí chia sẻ với thị trường của họ nữa… Còn từ 15/7 này, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu thực hiện. Và tình huống có sự ảnh hưởng lớn nhất, tốt nhất đối với khách hàng vay vốn nói trên nếu xẩy ra chắc chắn sẽ tạo một lát cắt lớn đối với thu nhập của các ngân hàng, đồng nghĩa với người vay vốn được vơi đi áp lực chi phí đáng kể.

Ở tình huống đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo phải rút toàn bộ về tối đa 15%/năm. Nếu vậy, đó có thể xem là một trần lãi suất cho vay mới; và nếu vậy, sẽ không bất ngờ khi nhà điều hành nhân cơ hội này để lật lại vấn đề lãi suất cơ bản, đảm bảo thực thi lời hứa trước Quốc hội kỳ họp vừa qua.

Có thể xác định các khoản vay cũ là từ thời điểm 31/12/2011. Đến nay, những khoản vay này vẫn chưa đáo hạn và vẫn phải đèo bòng lãi suất cao, là các khoản vay trung và dài hạn từ 12 tháng trở lên.

Với giả thiết phân định trên, tỷ trọng các khoản vay này cuối năm 2011 chiếm 42% tổng dư nợ toàn hệ thống. Tính theo tổng dư nợ, quy mô cụ thể là khoảng 1,1 triệu tỷ đồng dư nợ cũ đang chịu lãi suất cao.

Chỉ là tương đối, lãi suất cho vay các khoản này cuối năm 2011 là 19 - 20%/năm; qua các kỳ điều chỉnh hiện bình quân giả sử còn khoảng 18%/năm. Trong tình huống trên, tất cả phải rút về 15%/năm, các ngân hàng mất 3%/năm. Số lợi nhuận mà các ngân hàng thương mại có thể “mất đi” tối đa tính cho 6 tháng cuối năm là 16.500 tỷ đồng.

Dĩ nhiên đó là khả năng tối đa, bởi thực tế trong 6 tháng cuối năm sẽ có nhiều khoản vay cũ đáo hạn trước 31/12/2012, hoặc được giảm lãi suất xuống theo các kỳ điều chỉnh, hoặc phụ thuộc vào điều khoản hợp đồng cố định lãi suất hay thả nổi…

Mặt khác, ước tính ở tình huống trên cũng chỉ là tương đối, theo chủ quan dữ liệu đầu vào và đặc biệt là có chênh lệch nhất định về yếu tố lãi suất trên thực tế. Và biết đâu, một phần đáng kể trong số nợ cũ được giảm lãi suất xuống sâu hơn 15%/năm thì sao.

Cũng có thể, Ngân hàng Nhà nước sẽ xác định các khoản vay cũ ở là trước mốc 8/5/2012 - thời điểm trần lãi suất cho vay bắt đầu áp cho 4 nhóm đối tượng, lĩnh vực theo Thông tư 14. Đây cũng là một khả năng.

Nhưng có một điều được khẳng định: việc giảm lãi suất cho các khoản vay cũ dù mức độ nào cũng đều có giá trị cho người vay, nhất là trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay.

Dự kiến, cuối tuần này Ngân hàng Nhà nước sẽ đưa ra thông tin chính thức để định hình tác động của sự kiện một cách rõ ràng hơn.

Còn ở một trường hợp cụ thể, ngay sau yêu cầu trên của Thống đốc, ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank), cho biết Vietcombank “mất” 1.800 tỷ đồng bởi sẽ thực hiện thẳng, xử lý thẳng mà “doanh nghiệp không cần phải xin xỏ gì hết”.

Chỉ riêng Vietcombank, con số bước đầu đưa ra đã là 1.800 tỷ đồng. Ngân hàng này hiện đang chiếm tỷ trọng khoảng 8% tổng dư nợ của toàn hệ thống.

Minh Đức

TBKTVN

Các tin tức khác

>   Fitch giữ nguyên xếp hạng STB, CTG, ACB và Agribank; triển vọng “ổn định” (11/07/2012)

>   Ngân hàng cho vay mua nhà với lãi suất 9,9 tới 12% (10/07/2012)

>   Doanh nghiệp “sốt ruột” xin giảm lãi (10/07/2012)

>   Ngân hàng thôn tính bất động sản (10/07/2012)

>   Nợ xấu của các tổ chức tín dụng tại Hà Nội gia tăng (10/07/2012)

>   Lãi suất ngắn hạn vẫn vượt xa trần 9% (10/07/2012)

>   Phá băng nợ xấu, Kỳ 1: Bít đường làm ăn (10/07/2012)

>   Ngân hàng gia tăng sở hữu chéo (10/07/2012)

>   Vụ kiện sàn vàng ACB: Hệ lụy từ... quản lý (10/07/2012)

>   'Trần' lãi suất nợ cũ 15%: Ngân hàng hi sinh để cứu mình? (10/07/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật