Thứ Hai, 30/07/2012 10:43

Ngân hàng “méo mặt” lo xiết nợ BĐS

Thời kỳ đỉnh điểm nhiều ngân hàng đã “bơm tiền” cho vay bất động sản để xây dựng dự án, kinh doanh... Nhưng sau thời gian dài “đóng băng”, những khoản nợ bất động sản trở thành nợ xấu, thậm chí dưới mức thế chấp, ngân hàng chưa biết xiết nợ ra sao...

Thực tế hiện nay, nhiều nhà đầu tư để có vốn mua nhà đất đã phải chấp nhận thế chấp căn hộ biệt thự cho ngân hàng. Ngân hàng có thể cho vay tối đa đến 70% giá trị tài sản, biệt thự, nhưng hiện nay, thị trường bất động sản trầm lắng, nhiều nhà đầu tư không có tiền trả ngân hàng đành chịu ngân hàng phát mại tài sản đã thế chấp.

Thậm chí nhiều lô đất biệt thự, liền kề chỉ còn giá trị 2 – 4 tỷ đồng. Như vậy, kể cả khi ngân hàng phát mại tài sản thế chấp, bán khó tìm khách mua, mà có người mua thì giá dưới hoặc bằng mức thế chấp, hệ lụy kéo theo nợ xấu càng tăng, mà Ngân hàng ngồi ôm "cục nợ" bất động sản cũng dở khóc dở cười.

Theo khảo sát của PV tại một số dự án khu vực Hà Đông, Hoài Đức, để tìm được những lô đất, biệt thự trong dự án khu đô thị mới hiện nay bị ngân hàng xiết nợ rao bán giá rẻ không khó. Tại dự án Vân Canh, giá hiện tại xoay quanh 30 đến 34 triệu đồng/m2, nhưng giá bán nhiều lô đất bị xiết nợ rẻ hơn thị trường từ 10 đến 12 triệu đồng/m2. Dự án Kim Chung – Di Trạch giá đất liền kề khoảng 32-35 triệu đồng/m2, nhưng có những lô mà chủ nhân nợ nần, giá bán chỉ 22-25 triệu đồng/m2.

Những căn biệt thự, liền kề trị giá hàng chục tỷ đồng thời kỳ hoàng kim, giờ mất tới nửa giá trị mà vẫn nằm đắt chiếu. Trong đó phần không nhỏ chìm trong đó là vốn vay của các ngân hàng.

Dự án Văn Phú, giá giao dịch các lô đất liền kề hiện khoảng 45 - 50 triệu đồng/m2, nhưng nhiều lô chào bán với giá rẻ bất ngờ 35 - 40 triệu đồng/m2. Dự án chung cư Văn Khê giá trung bình giao dịch trên thị trường khoảng 19-22 triệu đồng/m2, nhưng hiện nay có những căn được giao bán quanh với mức giá 16 triệu đồng/m2. Dự án Dương Nội, mặt bằng giá trung bình giao dịch 40-45 triệu đồng/m2 nhưng giá bán những lô đất bị xiết nợ chỉ khoảng 30-32 triệu đồng/m2…

Trao đổi với PV báo điện tử Infonet, một cán bộ Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Hà Đông (Hà Nội)cho biết, vì tính cạnh tranh khách hàng giữa các ngân hàng, mỗi ngân hàng có chính sách cho vay vốn mua nhà mức giá khác nhau. Có ngân hàng chỉ cho vay tối đa không quá 50% giá trị lô đất nền liền kề, biệt thự đã được thẩm định. Nhưng cũng có ngân hàng có chính sách hút khách về mình cho vay tối đa tới 70%, thậm chí 80% giá trị hợp đồng chuyển nhượng lô đất nền liền kề, biệt thự… tùy vào nhu cầu sử dụng vốn và khả năng trả nợ của khách hàng.

Còn đại diện Ngân hàng Viettinbank chi nhánh quận Đống Đa cho biết, nếu trường hợp phát mại tài sản, ngân hàng muốn bán tài sản phát mại thì phải qua tới 3 cấp tòa án và nhiều thủ tục khác nhau. Chẳng hạn, sau khi con nợ không thể chi trả, để bán được tài sản thế chấp, ngân hàng phải kiện lên các cấp, từ sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm… Việc xử lý nợ xấu bán tài sản thế chấp là bất động sản ở ngân hàng hiện nay đang là vấn đề nan giải.

Theo vị cán bộ Ngân hàng Vietcombank, cần giải quyết các thủ tục rườm rà và mang tính thị trường hơn trong việc xử lý nợ xấu, thì Ngân hàng mới "dễ thở" hơn. Có một thực tế hiện một số ngân hàng vẫn chấp nhận bơm thêm tiền cho các chủ nợ để xây dựng dự án và kinh doanh bất động sản, với điều kiện họ trả một phần khoản vay cũ. Nếu không làm vậy, giá trị các khoản nợ xấu sẽ giảm xuống qua thời gian và họ tin rằng, nếu cố đầu tư thêm, biết đâu con nợ sẽ trả được, tài sản cho vay lại sinh lời…

Trao đổi với PV, ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, áp lực tăng trưởng tín dụng thời gian qua đã khiến các ông chủ Ngân hàng quá mạnh tay cho vay bất động sản. Thời điểm đó nếu không chấp nhận cho vay thì không tồn tại được, nhưng giờ các ngân hàng mới thấy được chật vật vì phải ôm cục nợ thế chấp bằng bất động sản mà chưa biết xử lý ra sao.

Ngoài giải pháp tháo gỡ thủ tục cho các ngân hàng thì cần có giải pháp thành lập Công ty mua bán nợ để xử lý nợ xấu. Đây là công ty chuyên biệt của ngành ngân hàng và không quá lo lắng về sự phát triển của công ty này, bởi khi kinh tế khởi sắc, nợ xấu, nợ quá hạn giảm thì công ty này sẽ tự mất...

Nguyễn Hiếu

infonet

Các tin tức khác

>   Hệ lụy từ sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng (30/07/2012)

>   Agribank giao chỉ tiêu cho nhân viên huy động vốn (30/07/2012)

>   Nợ xấu lớn: DNNN và đại gia tư nhân (30/07/2012)

>   Giảm lãi suất: Càng gỡ, càng khó (30/07/2012)

>   Ngân hàng đang “xơi” 6% chênh lệch lãi suất? (30/07/2012)

>   Khó vay vốn Quỹ Bảo lãnh tín dụng (29/07/2012)

>   Ngân hàng còn xa doanh nghiệp (29/07/2012)

>   Lãi suất vẫn cao (29/07/2012)

>   Thống đốc: Khống chế lạm phát thành công, lãi vay sẽ về 10%/năm (28/07/2012)

>   Tỷ giá USD đang rẽ hướng nào? (28/07/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật