Nợ xấu lớn: DNNN và đại gia tư nhân
Đây vẫn là một bí mật, chưa từng được công bố. Nhưng theo một quan chức của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, trong số trên 200.000 tỷ đồng nợ xấu (tương đương hơn 8,6%), có hai đối tượng chính đang chiếm tỷ lệ nợ xấu cao chính là doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và nhiều đại gia tư nhân.
Hai “thủ phạm” chính
Trong một công bố mới đây của cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tỷ lệ nợ xấu (có khả năng mất vốn), chiếm hơn 8,6% tổng dư nợ của toàn hệ thống tổ chức tín dụng.
Theo VNEconomy, dữ liệu cập nhật đến 31-3-2012 cho thấy, khối ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước chiếm quá nửa miếng bánh nợ xấu, tới 50,5%; nhóm thứ hai là khối NHTM cổ phần với 27,8%; nhóm ngân hàng nước ngoài chiếm khá nhỏ (do sự hạn chế về quy mô) với 4,2%; nhóm các tổ chức tín dụng khác chiếm 17,5%.
Tuy nhiên, những con nợ xấu, kẻ tạo ra “cục máu đông” đang bóp nghẹt huyết mạnh của cả nền kinh tế vẫn là ẩn số. Trong chương trình “Dân hỏi -Bộ trưởng trả lời” ngày đầu tháng 7-2012, dẫn số liệu của Bộ Tài chính, Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho biết, tổng số nợ của DNNN là 1.008.000 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu là 790.000 tỷ đồng.
Tính bình quân, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của các DNNN là 1,36 lần. Nhưng trong số này, có tới 30 DNNN có số nợ vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu.
Điển hình là Tổng Cty Xây dựng Trường Sơn có số nợ gấp 9,19 lần vốn chủ sở hữu, Tổng Cty Xây dựng và phát triển hạ tầng (Licogi) là 4,79 lần, Tập đoàn HUD là 4 lần, Tập đoàn điện lực EVN là 3,83 lần, Vinalines là 3,12 lần…
So sánh tổng vay nợ ngân hàng của các DNNN, thì con số này chiếm gần một nửa tổng dư nợ cho vay của hệ thống ngân hàng (khoảng hơn 2,5 triệu tỷ đồng). Nếu chia trung bình trên khoản nợ, thì khối DNNN chiếm khoảng một nửa số nợ xấu của ngân hàng.
Cho đến thời điểm này, chưa có báo cáo, thống kê chính xác về số nợ thực tế của các DNNN. Nhưng năm 2012, tình hình kinh tế càng khó khăn hơn, thì số dư nợ của các DNNN tiếp tục tăng lên đáng kể.
Trong đó, nhiều khoản nợ chuyển sang nhóm có rủi ro lớn hơn. Còn theo ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, có đến 70% nợ xấu ngân hàng là nợ của các DNNN, còn nợ của tư nhân chỉ là phần nhỏ. Trong đó, tập trung chủ yếu là khoản vay đầu tư bất động sản, chứng khoán, đầu tư ngoài ngành…
Theo ông Đặng Văn Thanh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kiểm toán Việt Nam, các khoản nợ của DNNN rất phức tạp, đan xen, chồng chéo giữa các doanh nghiệp với nhau, giữa doanh nghiệp với các ngân hàng.
Do đó, đến thời điểm này, chưa có con số thống kê chính xác thì chưa thể đánh giá một cách đầy đủ về các khoản nợ của DNNN trong tổng nợ xấu của ngân hàng.
Một quan chức của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, cho biết: Phần nợ xấu lớn thứ hai (sau DNNN) là một số doanh nghiệp của các đại gia tư nhân, trong đó có người từng xuất hiện trong TOP những người giàu nhất trên thị trường chứng khoán.
“Các đại gia này, chủ yếu là vay đầu tư bất động sản. Đại gia ít cũng dăm trăm tỷ, nhiều lên tới hàng chục ngàn tỷ. Nay thị trường bất động sản đóng băng, thì vốn liếng đầu tư cũng đóng băng luôn. Trong khi lãi suất vay quá cao, khiến họ không thể trả nợ. Tôi biết có đại gia vay tới 4.000 tỷ đồng đầu tư tòa nhà cao ốc tại TPHCM, nay không cho thuê được, thì lấy tiền đâu trả”, vị quan chức này nói.
Vì đâu nợ xấu lớn?
Khi ngân hàng và doanh nghiệp đã móc nối với nhau, thì bất cứ chỗ nào sơ hở là xảy ra rủi ro, nợ xấu tăng lên. Doanh nghiệp nhà nước có khoản vay lớn nên xảy ra rủi ro thì tổn thất lớn hơn. Đây chính là mảng tối trong mối quan hệ giữa ngân hàng- doanh nghiệp hiện nay
Nguyên Thống đốc NHNN Cao Sĩ Kiêm
|
Theo ông Cao Sỹ Kiêm, DNNN là con nợ xấu lớn, vì lâu nay tuy không có tiêu chí riêng cho DNNN vay vốn, chế độ tín dụng và kiểm soát giống nhau, nhưng lãnh đạo ngân hàng thường vẫn có ưu tiên, ưu đãi riêng với các DNNN, có ngân hàng lấy đối tượng khách hàng này làm trọng tâm.
“Họ thường coi các DNNN là đối tượng “có tóc”, nên việc thẩm định dự án, hồ sơ vay vốn thiếu chặt chẽ. Trong khi các DNNN biết mình có lợi thế đi vay vốn, nên họ sử dụng đồng vốn thiếu chặt chẽ, kém hiệu quả”, ông Kiêm nói.
Ngoài ra, theo ông Kiêm, những con nợ xấu lớn, còn có nguyên nhân lãnh đạo NHTM thường ưu ái cho “doanh nghiệp ruột” hoặc “sân sau”. Mà chỗ nào có những tồn tại này thì rủi ro cho vay rất lớn, tùy thuộc vào mức độ, mối quan hệ…
Mối quan hệ giữa ngân hàng- doanh nghiệp dựa trên sự tín nhiệm và quan hệ lợi ích đôi bên cùng có lợi. Nhưng “quan hệ” hiểu theo nghĩa vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm mà nhẹ tay, làm sai quy định, thì sớm muộn sẽ dẫn tới rủi ro.
Như trong lĩnh vực bất động sản, ngân hàng cho vay 60-70% giá trị dự án, nhưng khi định giá tài sản lại nâng giá gấp vài lần, tức là có 1 đồng, thổi giá thành 2 đồng, nên doanh thu, lợi nhuận làm ra không thể bù được khoản vay.
TS Nguyễn Quang A, nguyên thành viên HĐQT của Ngân hàng VPbank nhắc lại bài học đau đớn. Trong năm 1997-1998, tổng nợ xấu của VPbank là trên 1.000 tỷ đồng, trong khi vốn tự có chỉ 70 tỷ đồng.
“Tôi đã mất 6 năm trời, dành 100% thời gian chỉ để xử lý nợ xấu. Có những năm, tôi phải khởi kiện 400 khách hàng ra tòa để có thể thanh lý tài sản, thu hồi được 30-40% khoản nợ”- TS Quang A nói.
Theo ông Nguyễn Quang A, sai lầm của VPbank hồi đó chính là cho vay dễ dãi, chủ yếu cho doanh nghiệp của ông chủ ngân hàng hoặc người thân vay.
Với tư duy quản lý ấu trĩ này, VPbank và một số ngân hàng cùng thời như Thái Bình Dương, Việt Hoa, Vũng Tàu… đã ngập sâu trong nợ xấu, dẫn tới đổ vỡ. Hiện tượng ngân hàng cho doanh nghiệp “cánh hẩu” vay đã và đang xuất hiện ở một số nơi.
Nhất là ngân hàng có 1 - 2 cổ đông lớn chi phối. Thực tế, có bà chủ ngân hàng dùng nhiều thủ thuật để rót vốn cho doanh nghiệp của mình…
Nhìn vào các nhân vật chính tạo nên “cục máu đông”, có nguyên do từ hai phía, ngân hàng và doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp có quan hệ thân thiết với ngân hàng.
Ở đây, cơ quan quản lý không thể ngăn con nợ “chơi thân” với ngân hàng, nhưng có thể kiểm soát, xử lý mạnh tay với những ông chủ ngân hàng cho vay bất chấp các quy định về an toàn nguồn vốn. Chỉ có điều, đến nay chưa thấy ông chủ ngân hàng nào bị xử lý vì nợ xấu tăng?
Nhật Anh - Thu Hằng
tiền phong
|