Lãi suất vẫn cao
Đó là ý kiến của hầu hết các doanh nghiệp (DN) tại hội nghị “Kết nối ngân hàng - DN tháo gỡ khó khăn thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn TP.HCM” do UBND TP.HCM và NH Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức vào sáng 28.7.
Theo đại diện Tổng công ty Bến Thành, LS cho vay hiện nay đã giảm nhưng không đáng kể, vẫn trên mức 15%/năm trong khi DN chỉ có thể chấp nhận được LS vay ở mức 12 - 13%/năm. Ông Nguyễn Trí Kiên - Giám đốc Công ty may túi xách Minh Tiến - nêu hiện trạng thị trường cặp xách học sinh hiện nay đa số là hàng Trung Quốc. Trong mùa tựu trường sắp tới, DN cần khoảng 40 tỉ đồng vốn lưu động nhưng tài sản thế chấp chỉ 6,5 tỉ đồng, DN đề nghị thế chấp hàng hóa nhưng NH không chấp nhận. DN rơi vào luẩn quẩn, đầu mùa vụ không đủ sản phẩm bán ra thị trường. Khi kịp có hàng thì hết mùa vụ dẫn đến tồn kho. Nguyên nhân chủ yếu là NH vẫn cho vay dựa trên tài sản thế chấp mà không phân tích sản phẩm, thị trường tiêu thụ sản phẩm của DN.
Ông Văn Đức Mười - Chủ tịch HĐQT Công ty Vissan - cho rằng NH nên xem xét khoanh nợ đọng của DN lại và cho vay mới để DN tiếp tục sản xuất, tạo sản phẩm có giá thành rẻ. Bên cạnh đó, lãi vay cần tiến đến mức 10%/năm thì DN mới có thể cạnh tranh được. Nêu các vấn đề khó khăn của các DN trong Hội DN cơ khí điện, bà Lã Thị Lan - Chủ tịch Hội DN cơ khí điện - đưa ra thực trạng bế tắc của DN ngành mình. Đó là kinh doanh giảm sút 30%, tài sản thế chấp đang nằm ở các khoản vay cũ. Vì vậy, NH cần có cơ chế cho vay tín chấp; NH tự động điều chỉnh giảm LS xuống dưới 15%/năm thay vì DN phải đi xin.
Ông Võ Quốc Thắng - Phó chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam - cũng than thở, từ năm 2010 đến nay, các DN không còn suy nghĩ đến việc tạo ra sản phẩm mới mà cứ xoay xở tìm nguồn trả nợ cho NH. 4 năm qua, với mặt bằng LS 20%/năm đã quét sạch vốn của DN gầy dựng trong 5 năm trước đó. Cùng quan điểm, ông Nguyễn Hoàng Hà - Thường trực Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam (có khoảng 9.000 doanh nhân) - thừa nhận mấy năm qua, các DN cứ loay hoay tìm cách trả nợ, đảo nợ.
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, sau 2 tuần (từ ngày 15 - 27.7) giảm LS cho vay xuống dưới 15%/năm, đã có 50% khoản vay trên 15%/năm trước đó được giảm xuống dưới 15%/năm. NHNN chỉ kêu gọi, vận động và đề nghị NH thương mại điều chỉnh giảm LS cho khoản vay cũ xuống dưới 15%/năm chứ không ra văn bản nào yêu cầu. Bởi văn bản không có hiệu lực đối với các khoản vay trước đây do hợp đồng vay là hợp đồng kinh tế không mang tính hồi tố. Chính vì vậy, NHNN chỉ kêu gọi các NH tháo gỡ khó khăn cho DN cũng là tháo gỡ khó khăn cho chính bản thân mình. Đối với NH làm tốt, NHNN sẽ có chính sách hỗ trợ, khen thưởng.
Ông Nguyễn Văn Bình thừa nhận, trong 5 năm trở lại đây, chính sách thay đổi liên tục đã “quét sạch” lợi nhuận của DN. Nếu NHNN tung vài trăm ngàn tỉ đồng để cứu DN đang khó khăn hiện nay, làm tăng trưởng “hồng hào” lên không phải không làm được. Thế nhưng những năm sau đó kinh tế lại đối mặt với lạm phát cao.
Lãi suất huy động sẽ còn giảm 1 - 2%/năm
Ông Nguyễn Văn Bình đưa ra kịch bản, trường hợp lạm phát 2012 dưới 7%, LS huy động sẽ xuống 8%/năm. LS huy động giảm tạo điều kiện giảm LS cho vay. Sang quý 1 và 2 năm 2013, kinh tế vĩ mô ổn định (lạm phát ở mức 4 - 6%), lúc đó LS huy động sẽ giảm về 7%/năm. LS cho vay giảm về 10%/năm trong vòng 2 năm, nhanh lắm là vào giữa năm 2013 với điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định.
|
Thanh Xuân
Thanh niên
|