Hết tuần đầu tháng 7, tín dụng tăng 1,76%
Số liệu từ NHNN cho thấy, tín dụng tính đến ngày 30/6 đã tăng 0,76% so với đầu năm. Và chỉ riêng hết tuần đầu của tháng 7, TTTD đã tăng lên mức 1,76% so với đầu năm.
Giảm trần lãi suất quá nhanh không giải quyết được vấn đề cho DN mà lại gây khó khăn thêm cho ngân hàng. Giảm lãi suất không phải là giải pháp duy nhất lúc này vì lãi suất có giảm nữa mà không có người vay thì giảm cũng vô nghĩa.
CPI tháng 6 giảm 0,26% so với tháng trước, kéo lạm phát (tính theo năm) giảm xuống mức 6,9%. Trước việc lạm phát tiếp tục giảm mạnh, đã xuất hiện ý kiến đề nghị NHNN tiếp tục giảm trần lãi suất. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia tài chính – ngân hàng, cần cân nhắc lại vấn đề này. Bởi hạ lãi suất nhanh chưa chắc đã giải quyết được khó khăn hiện nay của doanh nghiệp, trong khi có thể gây ra những hệ lụy.
TS.Vũ Viết Ngoạn – Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia:
"CSTT và CSTK phải được phối hợp cả về mặt tính toán và thực thi"
Trên thị trường tiền tệ - tín dụng, thanh khoản hệ thống ngân hàng cải thiện, mặt bằng lãi suất giảm dần, tỷ giá ổn định trong suốt thời gian dài giúp dự trữ ngoại hối cải thiện rõ rệt (tăng 30% so với đầu năm). Cán cân thanh toán quốc tế dự báo thặng dư khoảng 7,5 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2012.
Đặc biệt, mới đây, tại Hội nghị tổng kết 6 tháng đầu năm của Ngành, khi Thống đốc Nguyễn Văn Bình yêu cầu các TCTD chỉ đạo các chi nhánh điều chỉnh giảm lãi suất các khoản nợ cũ, lãi suất cho vay mới đối với các đối tượng không ưu tiên xuống dưới 15%/năm, bên cạnh các giải pháp cơ cấu lại nợ, mở rộng đối tượng cho vay, hạ lãi suất tín dụng dành cho 4 nhóm đối tượng được ưu tiên và hạ trần lãi suất huy động theo xu hướng giảm của CPI, bước đầu đã giúp cho doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, hỗ trợ nguồn vốn lưu động của doanh nghiệp. Số liệu từ NHNN cho thấy, tín dụng tính đến ngày 30/6 đã tăng 0,76% so với đầu năm. Và chỉ riêng hết tuần đầu của tháng 7, TTTD đã tăng lên mức 1,76% so với đầu năm.
Có thể nói, những giải pháp này đã góp phần giảm bớt rủi ro kỳ hạn của hệ thống ngân hàng. Lãi suất huy động thực tế tiếp tục đi xuống và dừng lại ở mức tối đa 9%/năm cho kỳ hạn dưới 1 năm và là mức lãi suất niêm yết thấp nhất trong vòng 8 năm qua. Trong khi đó, ở các kỳ hạn dài hơn 1 năm do không bị áp trần nên tuy không nhiều nhưng đã xuất hiện các mức lãi suất lên tới 12%/năm. Điều này giúp cho đường cong lãi suất tại nhiều ngân hàng đã trở lại “nguyên dạng”. Đây là tín hiệu tích cực khi mà trong suốt vài năm qua, đường cong lãi suất của hệ thống ngân hàng chỉ là một vạch thẳng và thậm chí là dốc xuống khi các lãi suất các kỳ hạn ngắn luôn cao hơn lãi suất các kỳ hạn dài.
Tuy nhiên, với việc điều chỉnh các lãi suất điều hành xuống thêm 1% vào ngày 29/6 vừa qua, chênh lệch lãi suất giữa VND và USD đã giảm khá nhiều, nếu giảm lãi suất nhiều hơn nữa sẽ gây ảnh hưởng đến sự ổn định của tỷ giá. Trên cơ sở dự báo lạm phát khoảng 6% vào cuối năm 2012, dư địa công cụ lãi suất của NHNN hiện chỉ còn khoảng 100 điểm cơ bản. Do đó, theo quan điểm của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, NHNN cần thận trọng trong việc áp dụng công cụ lãi suất theo sát diễn biến CPI và tỷ giá. Và hơn lúc nào hết, CSTT và CSTK phải được phối hợp trong việc tính toán định lượng tổng cầu của nền kinh tế cũng như phối hợp thực thi để hướng tới mục tiêu này.
TS. Đặng Ngọc Đức – Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính (Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội)
"Dòng tiền có thể chảy vào các kênh đầu cơ"
Không nên giảm tiếp lãi suất huy động vào thời điểm này, bởi nếu lãi suất giảm quá sẽ lo ngại lạm phát quay trở lại. Thời gian qua, lãi suất được điều chỉnh giảm khá nhanh, xuống khá thấp chỉ trong một thời gian ngắn cũng có tác động không nhỏ đến tâm lý người gửi tiền. Nếu giảm lãi suất huy động xuống nữa có thể khơi nên làn sóng đầu tư vào bất động sản, chứng khoán. Điều đó có nghĩa có thể đẩy nền kinh tế vào cú sốc khác. Bên cạnh đó, lãi suất giảm sẽ khiến người dân có thể sẽ chuyển sang nắm giữ ngoại tệ, hoặc nhiều DN sẽ mua ngoại tệ chuyển ra nước ngoài, tạo áp lực cho tỷ giá...
Vấn đề hiện nay là làm sao để giảm lãi suất cho vay thực tế và hướng dòng vốn vào sản xuất kinh doanh hiệu quả. Nếu giảm lãi suất mà chỉ để giới đầu cơ bất động sản, chứng khoán mừng thì không nên.
TS.Phan Thanh Hà - Phó vụ trưởng Vụ Tài chính tiền tệ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
"Nhiều ngân hàng bắt đầu bị lỗ"
Từ đầu năm đến nay NHNN đã 4 lần giảm trần lãi suất huy động, đưa lãi suất huy động VND tối đa đối với các kỳ hạn dưới 12 tháng xuống chỉ còn 9%/năm từ mức 14%/năm hồi đầu năm. Các mức lãi suất điều hành cũng được điều chỉnh giảm 5 lần. Hiện lãi suất tái cấp vốn là 10%/năm; lãi suất tái chiết khấu là 8%/năm và lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng là 11%/năm. Đồng thời, NHNN cũng áp dụng “trần” lãi suất cho vay ngắn hạn đối với 4 lĩnh vực ưu tiên là 13%/năm.
Mặc dù với DN thì vẫn nên tiếp tục giảm lãi suất xuống, nhưng vấn đề đặt ra là việc nhanh chóng giảm trần lãi suất có giúp doanh nghiệp vay được vốn của ngân hàng dễ dàng hơn không?
Với mức giảm như vừa qua thì tiếp tục giảm trần lãi suất chưa giúp doanh nghiệp vay dễ dàng hơn do chi phí huy động vốn thực tế của ngân hàng vẫn cao hơn trần quy định. NHTM không thể cho vay thấp hơn huy động, trừ các ngân hàng chính sách được nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất từ ngân sách. Tính toán lý thuyết cho thấy ngân hàng bắt đầu bị lỗ do đã phải huy động với lãi suất cao trước đây, mặc dù hầu như toàn bộ vốn huy động đều được dùng để cho vay ngay.
Tóm lại, giảm lãi suất so với mức hiện nay là cần thiết nhưng giảm trần lãi suất quá nhanh không giải quyết được vấn đề cho doanh nghiệp mà lại gây khó khăn thêm cho ngân hàng. Muốn giảm lãi suất đến mức doanh nghiệp và ngân hàng đều chấp nhận được thì cần dùng các biện pháp kinh tế giải quyết nguyên nhân gốc rễ làm cho lãi suất tăng cao trong thời gian vừa qua.
Luật gia Vũ Xuân Tiền - Chủ tịch HĐTV Công ty tư vấn VFAM Việt Nam
"Lúc này, không nên giảm trần lãi suất huy động"
Giảm lãi suất không phải là giải pháp duy nhất lúc này. Lãi suất có giảm nữa mà không có người vay thì giảm cũng vô nghĩa. Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương vừa công bố, 46% số DN được hỏi không có nhu cầu vay vì hàng tồn kho nhiều, DN đang giảm sản xuất. Trong 54% số DN còn lại, một phần DN muốn vay nhưng không vay được do bản thân họ có nợ quá hạn nhóm 3, 4, một số DN khác không có nợ quá hạn, nhưng tình hình tài chính của họ không đảm bảo, không có phương án sản xuất kinh doanh khả thi nên ngân hàng không dám rót vốn.
Lúc này, để giúp DN phải giải tỏa từ phía DN chứ không chỉ giảm lãi suất.
Nói chung lãi suất càng hạ được xuống càng tốt nhưng ở mức độ nhất định thôi. Với mức lãi suất huy động và mức CPI như hiện nay, lãi suất huy động đã đảm bảo thực dương. Nếu muốn hạ lãi suất cho vay nữa phải hạ lãi suất huy động mà hạ lãi suất huy động nữa, người dân không gửi tiết kiệm mà rút tiền đầu tư sang kênh khác còn nguy hiểm hơn. Cũng không loại trừ khả năng, khi lãi suất huy động giảm thấp, một phần nhỏ người gửi tiền có thể rút vốn đem cho vay lại ngoài thị trường có thể xảy ra tín dụng đen như vừa rồi. Cho nên chưa phải cứ phải hạ lãi suất đã là tốt.
Lúc này, không nên giảm trần lãi suất huy động. Nhưng để tạo lãi suất cho vay thấp hơn, nên có giải pháp giảm độ chênh giữa lãi suất tiền gửi và tiền vay để lãi suất tiền vay giảm trên thực tế.
thời báo ngân hàng
|