Thứ Tư, 18/07/2012 13:14

Hành trình giành giật thị phần môi giới

Trước thực trạng tự doanh thua lỗ trầm trọng trong năm vừa qua, hầu hết các công ty chứng khoán đều cam kết với cổ đông sẽ giảm hoạt động tự doanh và đẩy mạnh các dịch vụ khác đặc biệt là hoạt động môi giới trong năm 2012. Chính điều này làm cho mức độ cạnh tranh trên thị trường thêm phần khốc liệt.

Dễ dàng nhận thấy, miếng bánh thị phần môi giới ngày càng co hẹp theo sự sụt giảm chung của thị trường chứng khoán, và miếng bánh cũng không thuộc về những công ty chứng khoán nhỏ hoặc yếu thế trong hoạt động môi giới.

Nếu như quý 3/2009, top 10 công ty có thị phần môi giới cổ phiếu lớn tại HNX chỉ chiếm 42.13% toàn thị trường thì đến quý 2 vừa qua đã lên đến 52.21% tức đã tăng hơn 10 điểm phần trăm.

Tại HOSE, trong vòng 3 năm, thị phần top 10 đạt tỷ lệ thấp nhất vào quý 2/2011 khi chiếm 49.87% và cao nhất khi chiếm 61.4% ở quý 2/2012. Như vậy, chỉ trong một năm, thị phần top 10 của HOSE tăng trên 11 điểm phần trăm. Quý 2 vừa qua, thị phần top 10 tại HOSE giảm xuống 57.56% nhưng vẫn chiếm tỷ lệ rất cao.

Trong khi đó, khoảng 80 công ty chứng khoán còn lại cùng chung nhau miếng bánh chưa đến 40%.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, với làn sóng tái cấu trúc công ty chứng khoán bắt đầu từ cuối năm ngoái khi nhiều công ty cắt giảm tự doanh, môi giới thậm chí giải thể… nhà đầu tư sẽ tập trung vào các đơn vị có uy tín và thị phần lớn để giao dịch. Xu hướng này càng làm cho miếng bánh thị phần của 10 công ty chứng khoán lớn ngày một phình to.

Giành khó, giữ cũng không dễ

Lọt vào top 10 thị phần môi giới là một nỗ lực rất lớn, nhưng để duy trì và phát triển nó lại là một điều không dễ. Vài năm gần đây, khi thị trường chứng khoán ngày càng khó khăn, nhiều công ty chứng khoán thuộc hàng “đại gia” cũng khó lòng trụ vững trong top 10.

Điển hình như Chứng khoán Thăng Long (tiền thân của Chứng khoán MB (MBS) hiện nay) và Chứng khoán Sacombank (SBS), nhiều quý liền chiếm vị trí nhất nhì trên bảng tổng sắp của HOSE và HNX với thị phần áp đảo, nhưng do chiến lược kinh doanh sai lầm, quản trị rủi ro kém nên thị phần bị rơi vào tay các công ty khác. Hiện nay, SBS đã không còn chỗ đứng trong top 10 về môi giới cả HOSE lẫn HNX. Riêng MBS vẫn bám trụ được nhưng thị phần nắm giữ hết sức khiêm tốn so với thời kỳ vàng son trước đây, có lúc công ty này nắm hơn 20% thị phần toàn thị trường.

Tuy nhiên, hiện MBS đang trong quá trình tái cơ cấu để chuyển đổi từ thương hiệu Chứng khoán Thăng Long sang Chứng khoán MB. Công ty không tập trung nhiều về việc gia tăng thị phần môi giới mà chỉ hướng tới mục tiêu nằm trong Top 3 và sẽ tập trung thị phần ở các mảng nghiệp vụ khác. Sau những bước đầu tái cơ cấu, MBS đạt kết quả tương đối khả quan với doanh thu 6 tháng đạt gần 60% kế hoạch, xấp xỉ 166 tỷ đồng, trong đó doanh thu môi giới chiếm 32.5 tỷ đồng. Lợi nhuận cũng đạt khoảng 6 tỷ đồng, tức xấp xỉ 60% kế hoạch mà Đại hội cổ đông đã thông qua là 10.5 tỷ đồng.

Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cũng là một đại diện cho sự sụt giảm thị phần môi giới. Với thế mạnh về vốn và thương hiệu, thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn cũng như chiến lược kinh doanh hợp lý, SSI không ngừng gia tăng thị phần từ nửa cuối năm 2010 đến gần hết năm 2011. Đỉnh điểm của thời kỳ này, có lúc SSI nắm gần 16% thị phần môi giới cổ phiếu ở sàn HOSE. Tuy nhiên, quý 4/2011 đến nay, thị phần của SSI liên tục giảm mạnh, chỉ còn 8.06% ở quý 2 vừa qua, đồng thời cũng đánh mất ngôi vương.

Bên cạnh đó, vẫn có những “đại gia” vẫn duy trì “phong độ”. Liên tục qua các quý đều chiếm giữ thứ hạng cao trên bảng tổng sắp về thị phần ở mỗi sàn là Chứng khoán VNDirect (VND), Chứng khoán ACB (ACBS), Chứng khoán FPT (FPTS)…

VND có thể mạnh về vốn, thương hiệu nên thị phần môi giới luôn giữ vị trí nhất nhì tại HNX trong khoảng 1 năm trở lại đây và cũng trở lại top 10 ở HOSE trong hai quý vừa qua. Tuy nhiên, liên tục các năm, do quá sa đà vào các hoạt động tự doanh nên VND luôn gặp thua lỗ lớn. Từ năm 2012, VND chủ động giảm thiểu tự doanh, điều này giúp công ty có được lợi nhuận khá tốt. Hai quý liên tục, công ty đều đạt mức lợi nhuận trên dưới 30 tỷ đồng, điều mà từ cuối năm 2010 đến hết năm 2011 VND chưa hề có được.

FPTS được công ty mẹ hỗ trợ về công nghệ, bản thân cũng cung cấp nhiều dịch vụ trực tuyến cho nhà đầu tư nên thu hút được nhiều khách hàng và giữ được thị phần ổn định trên cả hai sàn trong suốt thời gian dài. Tuy vậy, vài quý gần đây, thứ hạng của FPTS đang có nguy cơ bị lung lay do trước một số công ty chứng khoán mới nổi.

Thị phần môi giới của FPTS

Với ACBS, trong vòng một năm trở lại đây, công ty luôn bám trụ được các thứ hạng khá cao từ top 5 trở lên, điển hình là quý 1 và quý 2 vừa qua, ACBS đã giữ vững được vị trí thứ 3 tại HOSE sau SSI, và HCM do vậy khả năng bị đánh tụt hạng là khá thấp.

Trào lưu chứng khoán mới nổi

Trào lưu mới bắt nguồn từ một vài công ty chứng khoán vừa và nhỏ có chiến lược kinh doanh hợp lý, quản trị rủi ro khá tốt. Các công ty này đã từng bước chinh phục được cảm tình nhà đầu tư, từ đó ghi tên mình lên bảng vàng về thị phần môi giới của hai sở HOSE và HNX.

Chứng khoán Kim Eng Việt Nam (KEVS) là một điển hình. Với số vốn điều lệ 200 tỷ đồng nhưng suốt 3 năm liền, công ty đều hoạt động có lãi. Trong bối cảnh thị trường khó khăn, KEVS vẫn chủ động mở rộng các chi nhánh và phòng giao dịch, nâng cao chất lượng phục vụ nhà đầu tư. Ngay từ đầu, Kim Eng đã không đưa tự doanh vào các hoạt động kinh doanh của mình nên cũng tránh được tình trạng thua lỗ. Kết quả, suốt 3 năm liền KEVS thường xuyên có mặt trong top 10 công ty có thị phần môi giới cao tại HOSE. Đặc biệt, 2 quý gần đây, KEVS đã leo lên được top 5 với thị phần tăng trưởng từ 5.11% rồi đến 5.7%. Ngoài ra, từ quý 2/2011, KEVS cũng đặt chân vào top 10 của sàn HNX và không ngừng cải thiện thứ hạng. Quý 2 vừa qua, KEVS đứng thứ 3 tại HNX với thị phần 5.39%. Năm nay, KEVS dự kiến tăng vốn lên 600 tỷ đồng với mục đích tiếp tục phát triển mạnh hoạt động môi giới và hỗ trợ khách hàng.

Một số công ty chứng khoán vừa và nhỏ khác, sau khi thực hiện cơ cấu, đẩy mạnh hoạt động môi giới cũng đạt được kết quả tích cực như Chứng khoán Rồng Việt (VDS) hai quý liên tục đứng hạng 6 tại HOSE, Chứng khoán Golden Bridge với 5 quý liên tục lọt vào top 10 tại HNX mặc dù vị trí còn khiêm tốn.Nhưng đặc biệt phải kể đến là Chứng khoán Phương Nam (PNS) khi lần đầu tiên vào top 10 tại HOSE nhưng đã giữ vị trí thứ 4 ở quý 2 vừa qua, với thị phần 6.2%, vượt qua cả KEVS, VDS, VND, FPTS…

Còn tại HNX, Chứng khoán Ngân hàng Đông Á (DAS) sau thời gian dài vắng bóng cũng quay lại sàn này vào quý 2/2012 với vị trí thứ 4 khi nắm 4.94% thị phần, sau HCM, VND và KEVS trong khi lại cao hơn ACBS, BVS, FPTS.

Viết Vinh (Vietstock)

FFN

Các tin tức khác

>   AGC giảm sàn do niềm tin suy giảm nghiêm trọng (18/07/2012)

>   18/07: Bản tin 20 giờ qua (18/07/2012)

>   “Bánh vẽ” cổ tức (17/07/2012)

>   Sàn chứng khoán là sòng bài cho những con bạc lớn (17/07/2012)

>   17/07: Bản tin 20 giờ qua (17/07/2012)

>   Chào bán cp không đăng ký, DucGiang bị phạt 230 triệu đồng (16/07/2012)

>   Đầu tư chứng khoán: Thân cò lặn lội… (16/07/2012)

>   Thực hư nợ xấu chứng khoán (16/07/2012)

>   Thị trường đang bao trùm bởi tâm lý “nghi ngờ” (16/07/2012)

>   Chứng khoán UpCom như ngôi chợ “ma” (16/07/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật