Thứ Ba, 17/07/2012 13:06

“Bánh vẽ” cổ tức

Lần lữa mãi vẫn không chia cổ tức cho cổ đông, doanh nghiệp (DN) đã gây nên những thiệt hại không nhỏ cho các ông chủ của chính mình. Làm sao để cân bằng quyền lợi của đôi bên là một bài toán không dễ dàng.

Điểm mặt các công ty khất cổ tức

Năm 2012 đã qua hơn nửa chặng đường, song một số DN niêm yết hiện vẫn còn khất cổ tức của năm 2010. Đơn cử như CTCP Sông Đà 9.06 (HNX: S96) ngâm cổ tức 2010 bằng tiền mặt 20% sang tận 19/12 thay vì 29/06 như thông báo trước do chưa thu xếp được nguồn tiền. Thậm chí công ty này còn xin ý kiến UBCKNN thay đổi hình thức trả cổ tức năm 2010 bằng tiền mặt sang cổ phiếu.

Bên cạnh đó, CTCP Xây dựng Công trình ngầm (HNX: CTN) hoãn thanh toán cổ tức 2010 từ 28/06 sang 12/07. Nguyên nhân do công ty đang tập trung nguồn vốn nên nguồn tiền dùng để trả cổ tức bị chậm so kế hoạch.

Thậm chí cổ đông CTCP Đầu tư & Phát triển Du lịch Vinaconex (HNX: VCR) sẽ còn mỏi mòn ngóng cổ tức năm 2010 đến tận cuối tháng 3/2013 thay vì ngày 29/06 theo thông báo trước đó. Lý do hoãn là bởi VCR phải tập trung vốn đầu tư dự án, công ty chưa thu xếp được nguồn tiền để thanh toán.

Điều đáng nói, một số DN còn liên tục “ca’ điệp khúc nợ cổ tức. Điển hình trong số này có SD7 dời ngày chi trả cổ tức 2010 từ 29/06 đến 28/12, V15 ngâm cổ tức từ 18/05 đến 31/10. Đây là lần thứ hai SD7 khất cổ tức với lý do thu hồi tiền bán hàng, công nợ không đúng kế hoạch. Trong thông báo phát đi lần đầu, SD7 công bố trả cổ tức 2010 với tỷ lệ 16% bằng tiền vào ngày 26/03. Thế nhưng ngay sau đó, công ty này đã điều chỉnh sang 29/06 do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chậm thanh toán tiền công nợ khối lượng xây lắp hoàn thành của công ty tại các công trình.

Với CTCP Xây dựng Số 15 (HNX: V15), công ty cũng công bố dời tiếp ngày trả cổ tức 7% đợt 2 năm 2010 sang 31/10 thay cho 18/05 vì các chủ đầu tư chưa thanh toán tiền thi công các công trình. Lần công bố đầu, ngày chi trả cổ tức là 23/03.

Bỏ quên quyền lợi cổ đông?

Theo TS Đinh Thế Hiển, Giám đốc Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng (IIB), nguyên nhân giãn thời gian trả cổ tức chủ yếu là do DN không có tiền mặt để trả, hoặc lợi nhuận mà họ báo cáo không có thực nên không có nguồn lực để chia.

Trên thực tế, dù với lý do gì thì cổ đông cũng là người chịu thiệt thòi. Việc chậm trả cổ tức mặc dù đã thông báo chi trả trước đó sẽ gây thiệt hại cho nhà đầu tư ít nhất là bằng với lãi suất tiền gửi. Chậm nhận cổ tức còn đồng nghĩa với việc NĐT đã mất đi cơ hội tái đầu tư vào một kênh khác.

Trường hợp tồi tệ hơn, có người còn rơi vào tình cảnh bán sống bán chết khi trót lỡ vay tiền chơi “chứng”. Khi TTCK sụt giảm, ngoài việc chứng kiến đồng vốn của mình ky cóp bấy lâu ngày càng teo tóp, không ít người chỉ mong sớm nhận được cổ tức để có thể nhanh chóng trả lãi ngân hàng. Họ không lường trước tình huống DN xin khất cổ tức, lãi ngân hàng tăng cao khiến NĐT phải bán tài sản trả nợ. Sẽ khó có thể thống kê hết những thiệt hại của NĐT trong những trường hợp này.

Theo TS Hiển: “Khi công ty đã báo cáo lợi nhuận và kế hoạch chia cổ tức thì NĐT chắc hẳn rất vui mừng. Cuối cùng lại bị nợ, giống như cho NĐT ăn “bánh vẽ”, làm cho cổ đông thực sự hụt hẫng”.

“ĐHĐCĐ đã thông qua kế hoạch lợi nhuận và cổ tức từ đầu năm. DN không thực hiện là không làm tròn trách nhiệm, cổ đông có quyền chất vấn họ. Một trong những cái cổ đông yêu cầu HĐQT phải bảo đảm là công bố thông tin và thực thi nó. Nhiều DN lập kế hoạch cao từ đầu năm mà không dựa trên nền tảng, đến giữa năm hoặc cuối năm lại đột ngột thay đổi kế hoạch, giải thích này nọ. Nói chung đây là lỗi của HĐQT” – ông Hiển nói.

Trong khi đó, TS Nguyễn Văn Thuận - Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng (ĐH Mở TPHCM) lại có một cách nhìn nhận khác. Ông Thuận cho rằng khó khăn hiện tại của DN là dòng tiền không có. Nếu vay ngân hàng để trả cổ tức thời điểm này cũng không vay được. Vì vậy, NĐT cũng cần chia sẻ khó khăn với họ.

Để khắc phục, ông Thuận cho rằng DN phải có phương án tính toán lại dòng tiền, công bố lại thời điểm nào chi trả được, cần minh bạch để công bố cho NĐT biết. Giao dịch cổ phiếu làm thay đổi chủ sở hữu nên cổ tức cũng bị ảnh hưởng.

Tự bảo vệ mình

Theo Khoản 2 Điều 108 luật DN, nếu ĐHĐCĐ không quy định rõ ngày thanh toán cổ tức, HĐQT DN có quyền quyết định thời hạn chi trả.

Như vậy, hiện luật pháp vẫn chưa có quy định cụ thể nào về việc khất cổ tức. Theo ông Hiển, đây là một hạn chế thực sự của TTCK Việt Nam.

Ông Hiển cho hay ở một số nước, các NĐT thiểu số được bảo vệ khá tốt. Hiệp hội Các NĐT thiểu số được thành lập để đứng ra bảo vệ quyền lợi NĐT nhỏ lẻ, thậm chí kiện cáo nếu DN vi phạm. Hiệp hội này sẽ tạo ra áp lực để HĐQT hài hòa lợi ích của các bên.

Còn theo Luật sự Quách Tú Mẫn, (Đoàn Luật sư TPHCM), trên thực tế, HĐQT "ngâm" cổ tức vì quyền lợi của DN, tức cũng chính là của cổ đông nên không có gì để xử lý cho các trường hợp này. Tuy nhiên, nếu HĐQT không thể thanh toán cổ tức như đã báo cáo với ĐHĐCĐ, tức báo cáo tài chính gian dối; cổ đông cần làm rõ vấn đề theo hướng này hơn là đòi cổ tức.

Dù vậy, trong khi chưa có quy định cụ thể nào ràng buộc về vấn đề cổ tức, NĐT cũng cần nhận diện chính xác thực tại của DN để có cách ứng phó cho hợp lý.

TS. Thuận cho rằng trước tiên, NĐT nên soi báo cáo dòng tiền trong bảng lưu chuyển tiền tệ có thực sự khó khăn không. Kế đến, vấn đề nợ nần, chi phí lãi vay phát sinh như thế nào, tình hình doanh thu và thu tiền ra sao để đánh giá. Còn các chỉ số tài chính khác không phản ánh dòng tiền, như những chỉ số ROA, ROE tương đối cao không có nghĩa là tốt. Tài sản nhiều nhưng tiền và các khoản tương đương tiền quá thấp so với các khoản nợ ngắn hạn cũng không cho thấy tình hình tài chính tốt. “Chung quy lại, NĐT cần tìm hiểu kỹ dòng tiền, nợ ngắn hạn tương quan như thế nào so với tài sản ngắn hạn, so với tiền và các khoản tương đương tiền” – ông Thuận nói.

Bổ sung thêm, ông Hiển khuyến nghị NĐT nên xem báo cáo kiểm toán và báo cáo tài sản của công ty. Xem xét lợi nhuận và dòng tiền đưa vào nếu không tương xứng, không phù hợp thì có thể giả định rằng dòng tiền có lẽ không có thực, không từ hoạt động kinh doanh thực chất. Ngược lại, nếu ta nhìn vào kết quả kinh doanh, DN vẫn còn các khoản gửi ngân hàng, đầu tư ngắn hạn tài chính tương xứng với lợi nhuận mà vẫn trì hoãn cổ tức cho thấy họ đang cố tình không thực hiện nghĩa vụ đối với các ông chủ của mình.

Xung quanh giả định khả năng DN chiếm dụng vốn của cổ đông khi khất cổ tức, ông Hiển cho rằng cách hành xử này nếu có hoàn toàn không thỏa đáng. Cổ đông là ông chủ của công ty. Nếu HĐQT xem cổ đông như khách hàng để dùng thủ thuật này kia thì họ không xứng đáng để đại diện cho cổ đông.

Bội Mẫn (Vietstock)

FFN


Các tin tức khác

>   HHS: Phát hành 7.5 triệu cổ phiếu trả cổ tức 2:1 (17/07/2012)

>   HVG: Thưởng cổ phiếu 20%, tăng vốn lên 792 tỷ đồng (16/07/2012)

>   VHL: 03/08 GDKHQ nhận 4% cổ tức bằng tiền (16/07/2012)

>   S55: 18/07 GDKHQ nhận cổ tức 20% bằng tiền (16/07/2012)

>   HVG sắp phát hành cổ phiếu thưởng tăng vốn lên 792 tỷ đồng (14/07/2012)

>   FDC: Trả cổ tức 2011 với tỷ lệ 5% bằng cổ phiếu (13/07/2012)

>   B82: 26/07 GDKHQ nhận 12% cổ tức 2011 bằng tiền (13/07/2012)

>   Trả cổ tức bằng cổ phiếu quỹ: chờ hướng dẫn cụ thể (13/07/2012)

>   HLY: 27/07 GDKHQ nhận cổ tức 15% bằng tiền (13/07/2012)

>   SSM: Thanh toán cổ tức 2011 sớm 20 ngày (12/07/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật