Thứ Ba, 10/07/2012 13:18

Hà Nội: GRDP 6 tháng thấp hơn cùng kỳ các năm trước

Sáng 10/7, báo cáo trước HĐND Thành phố về tình hình phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2012, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Sửu cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng ước tăng 7,6%, cao hơn mức tăng dự kiến của cả nước nhưng thấp hơn kế hoạch cả năm và mức tăng cùng kỳ của các năm trước.

Ông Nguyễn Văn Sửu
Ông Nguyễn Văn Sửu

Theo Phó Chủ tịch, trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, kinh tế chung cả nước còn nhiều khó khăn, nhưng kinh tế của Thủ đô vẫn duy trì tăng trưởng với mức tăng cao gấp 1,7 lần mức tăng trưởng chung của cả nước, lạm phát được kiềm chế, an sinh xã hội được tiếp tục được bảo đảm, sự nghiệp văn hoá, giáo dục, y tế tiếp tục phát triển, công tác quy hoạch được triển khai quyết liệt và đồng bộ, quản lý trật tự đô thị, đảm bảo an toàn giao thông và giảm ùn tắc giao thông được tập trung chỉ đạo quyết liệt đạt hiệu quả; cải cách hành chính đạt được kết quả tích cực; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, quốc phòng địa phương tiếp tục được củng cố…

Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng ước tăng 7,6%, cao hơn mức tăng dự kiến của cả nước nhưng thấp hơn kế hoạch cả năm và mức tăng cùng kỳ của các năm trước (GDP cả nước 6 tháng ước 4,3-4,5%, chỉ tiêu kế hoạch GRDP của Hà Nội cả năm tăng 10- 10,5%, GRDP cùng kỳ năm 2010 và 2011 tương ứng tăng 10,1% và 9,3%); trong đó, dịch vụ tăng 8,5%, công nghiệp - xây dựng 8,1%, nông - lâm - thuỷ sản giảm 2,9%. Tuy vậy, tình hình kinh tế có dấu hiệu khả quan hơn: tổng sản phẩm quý II ước tăng 7,9%, cao hơn mức tăng của quý I (7,3%).

Hoạt động du lịch duy trì phát triển. Tổng lượng khách lưu trú tại Hà Nội ước đạt 3,96 triệu lượt, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2011; trong đó, khách quốc tế 736 nghìn lượt, tăng 19,7%; khách nội địa 3,23 triệu lượt, tăng 8,7%. Lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội quý II ước tăng 22,4%, cao hơn quý I (19%), trong đó, tổng mức bán lẻ tăng 22,3%. Tính chung 6 tháng đầu năm, lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 20,7%, trong đó, tổng mức bán lẻ tăng 20,3%.

Xuất khẩu có xu hướng phục hồi ở tất cả các khu vực kinh tế. Kim ngạch xuất khẩu quý II ước tăng 13,7%, trong khi quý I giảm 0,4% so cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn 6 tháng ước đạt 4.860 triệu USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2011; trong đó, xuất khẩu địa phương tăng 9,2%, khu vực đầu tư nước ngoài tăng 12,6%.

Kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn ước đạt 11.500 triệu USD, giảm 8,6% so cùng kỳ năm 2011, nhập khẩu địa phương 4.815 triệu USD, giảm 4,4%. Kim ngạch xuất khẩu giảm ở tất cả các khu vực kinh tế, giảm mạnh nhất là khu vực kinh tế nhà nước (-11,1%).

Sản lượng lương thực vụ đông xuân ước đạt gần 743,9 nghìn tấn, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2011. Đồng thời, chi phí đầu vào cho sản xuất nông nghiệp vẫn tăng cao ảnh hưởng đến hiệu quả của ngành nông nghiệp: mặc dù giá trị sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2012 xấp xỉ như mức cùng kỳ 2011 nhưng giá trị tăng thêm giảm tới 2,9%.

Huy động vốn đầu tư xã hội đạt thấp so với kế hoạch. Tổng vốn đầu tư trên địa bàn 6 tháng đầu năm ước đạt 85.060 tỷ đồng, chỉ tăng 10,2% (kế hoạch cả năm là từ 15-17%). Số dự án đầu tư nước ngoài đăng ký mới giảm so với cùng kỳ, số dự án ngừng hoạt động có xu hướng tăng. Tính đến hết tháng 5, có 123 dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới và tăng vốn với tổng vốn đầu tư đăng ký là 381,3 triệu USD (bằng 42% so với cùng kỳ năm 2011).

Thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 69.062 tỷ đồng, bằng 47,2% dự toán HĐND Thành phố giao, tăng 5,1% so cùng kỳ năm 2011; Chi ngân sách địa phương ước đạt 22.210 tỷ đồng, bằng 41,6% dự toán năm, trong đó, chi thường xuyên 13.242 tỷ đồng, đạt 49,7% dự toán năm, chi đầu tư XDCB là 8.130 tỷ đồng, đạt 40,6% dự toán năm. Tỷ lệ thu ngân sách/dự toán cả năm đạt thấp so với các năm trước.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có xu hướng tăng chậm lại. So với tháng trước, CPI tháng 3 tăng 0,19%, tháng 4 giảm 0,03%, tháng 5 tăng 0,16%, tháng 6 giảm 0,17%. Như vậy, tỷ lệ lạm phát đã được kiềm chế, CPI tháng 6 chỉ tăng 2,57% so với tháng 12/2011 (CPI tháng 6/2011 tăng 12,94% so tháng 12/2010).

Thị trường ngoại hối, vàng và ngoại tệ được kiểm soát. Thành phố đã tích cực kiểm tra, kiểm soát thị trường ngoại hối, vàng và ngoại tệ; đã kiểm tra một số doanh nghiệp trên địa bàn, qua đó xử phạt hành chính 4 đơn vị, cá nhân vi phạm qui định chế độ quản lý, kinh doanh ngoại tệ trên địa bàn. Chỉ số giá vàng tháng 6 giảm 2,69%, chỉ số giá đô-la Mỹ tăng 0,25% so với tháng 5/2012. So với tháng 12/2011, chỉ số giá vàng tháng 6 đã giảm 8,54%, chỉ số giá đô-la Mỹ giảm 0,39%.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế xã hội của Thủ đô còn nhiều vấn đề đặt ra cần khắc phục trong thời gian tới, như tăng trưởng thấp hơn so với dự báo; thị trường bất động sản đóng băng; công tác đấu giá quyền sử dụng đất gặp khó khăn, thu tiền sử dụng đất đạt thấp so với những năm trước; lãi suất ngân hàng vẫn còn ở mức cao đã hạn chế mở rộng đầu tư sản xuất kinh doanh; quản lý trật tự xây dựng đô thị ở một số nơi có biểu hiện buông lỏng, tình trạng xây dựng không phép, sai phép và lấn chiếm đất công, đất nông nghiệp vẫn xảy ra; số đơn thư khiếu nại, tố cáo có xu hướng gia tăng, vẫn còn phát sinh một số vụ việc phức tạp về an ninh trật tự xã hội…

Với quyết tâm không hạ chỉ tiêu tăng trưởng, để hoàn thành mục tiêu đã đề ra trong năm 2012, đồng thời với việc thực hiện các nhiệm vụ giải pháp đã xác định từ đầu năm, trong 6 tháng cuối năm, Thành phố sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường qua các giải pháp giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào và hỗ trợ đầu ra cho doanh nghiệp, ưu tiên tín dụng và tạo điều kiện thuận lợi cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, sản xuất hàng xuất khẩu và các mục tiêu an sinh xã hội, phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp; Tăng cường công tác phòng chống lụt bão, chuẩn bị tốt cho kế hoạch sản xuất vụ mùa 2012, vụ đông 2012-2013, đảm bảo tổng diện tích gieo trồng vụ mùa 119,5 nghìn ha, diện tích gieo trồng cây vụ đông 65 nghìn ha;

Đồng thời, Kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra và bảo đảm an sinh xã hội; Đẩy nhanh công tác quy hoạch, quản lý trật tự, xây dựng đô thị và xây dựng nông thôn mới, thực hiện hiệu quả các giải pháp giảm ùn tắc, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giảm tai nạn giao thông, tiếp tục đầu tư một số cầu vượt có kết cấu nhẹ tại một số nút giao thông trên các tuyến đường vành đai 2, 3 và một số nút giao thông quan trọng; Nâng cao hiệu quả đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ; Đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, y tế; Tiếp tục xây dựng, củng cố và giữ vững ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; Đẩy mạnh cải cách hành chính…

H.V

Hà Nội mới

Các tin tức khác

>   Triển vọng kinh tế 6 tháng cuối năm 2012 (10/07/2012)

>   TS. Võ Trí Thành: Bức tranh nền kinh tế sẽ rõ hơn vào tháng 8 (10/07/2012)

>   Việt Nam có giảm phát? (09/07/2012)

>   Bộ trưởng Bộ KH&ĐT: “Không quá lo lắng về tăng trưởng GDP” (09/07/2012)

>   Triển vọng kinh tế 6 tháng cuối năm: Còn những quan ngại (08/07/2012)

>   Chính sách tiền tệ tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất (07/07/2012)

>   Nỗ lực cải thiện chính sách tiền tệ (07/07/2012)

>   IMF: VN phải "kiềm chế nới lỏng chính sách tiền tệ quá sớm" (06/07/2012)

>   TPHCM: Đến 2020, bình quân GDP theo đầu người đạt 8.500 USD (06/07/2012)

>   FDI vào Việt Nam giảm mạnh nhất Đông Nam Á (06/07/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật