Việt Nam có giảm phát?
Để đánh giá một nền kinh tế rơi vào tình trạng thiểu phát hay lạm phát, người ta thường nhìn vào thời kỳ đủ dài, thường thường một vài quý. Nếu nhìn dưới góc độ như vậy, khó có thể nói Việt Nam rơi vào thiểu phát hay giảm phát.
* Thực hư nợ xấu tại Việt Nam
Đó là nhận định của ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) về vấn đề giảm phát tại buổi giao lưu trực tuyến “Từ nợ xấu, phá sản đến hy vọng phục hồi” do VnEconomy tổ chức chiều 9/7.
Theo ông Thành, hiện nay, phương tiện thông tin đại chúng sử dụng thuật ngữ biến động giá cả chưa thật chuẩn.
Lạm phát là mức giá cả chung tăng, giảm phát là mức giá cả giảm. Thiểu phát là mức giá cả vẫn tăng nhưng mà tăng rất là thấp (nền kinh tế mới nổi như Việt Nam mà lạm phát khoảng 1-2% thì có thể tạm coi là thiểu phát).
Để đánh giá một nền kinh tế rơi vào tình trạng thiểu phát hay lạm phát hay không thì thường nhìn vào thời kỳ đủ dài, không có lý luận chính xác nào ở đây, thường thường một vài quý. Nếu nhìn dưới góc độ như vậy, thì khó có thể nói Việt Nam rơi vào thiểu phát hay giảm phát.
Nếu nhìn lạm phát so với cùng kỳ vẫn là 6.9% và nhiều dự báo cho rằng cả năm có thể, nếu thấp cũng 5-6%, nếu cao cũng 6-7%. Tuy nhiên, Việt Nam có thể rơi vào thiểu phát nếu kinh tế, kinh doanh tiếp tục đình trệ, nếu tổng cầu tiếp tục giảm. Và nếu điều đó được hỗ trợ bởi sự sụt giảm của kinh tế thế giới thì khi đó trong dài hạn có thể rơi xuống tình trạng thiểu phát hoặc giảm phát.
Về dự báo tăng trưởng, ông Thành cho rằng mức hợp lý có thể đạt được là 5.1-5.2%. Trong các năm tới, mức tăng trưởng tăng lên dần và mục tiêu đặt ra cho vài năm tới khoảng 6%.
Đồng quan điểm, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia thừa nhận đúng là tốc độ tăng CPI đã giảm nhiều trong 6 tháng đầu năm, nhưng để nói nước ta rơi vào giảm phát là không có cơ sở. Vì CPI tháng 6 vẫn tăng 2.52% so với tháng 12 năm ngoái, nếu so với tháng 6 năm ngoái vẫn tăng 6.29%. Nếu so tiếp với mức tăng bình quân cùng kỳ thì vẫn trên 12%.
Tuy nhiên, tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm cũng đã kèm theo tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm. Ông Tuyển dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay không thể đạt 6% (mức thấp theo chỉ tiêu Quốc hội đã phê chuẩn từ 6 – 6.5%). Theo đó, dự báo tăng trưởng GDP năm nay chỉ có thể đạt từ 5.3 – 5.7%. Nếu như giải ngân hết nguồn vốn đầu tư từ ngân sách theo kế hoạch của năm thì nền kinh tế có thể tăng trưởng 5.3%.
Khi giải ngân nguồn vốn nêu trên, sẽ tạo ra một tác động lan tỏa trong kinh doanh và đầu tư của các thành phần kinh tế khác. Tác động lan tỏa đến mức nào còn phụ thuộc vào nguồn tín dụng. Vì đây là nguồn vốn chủ yếu cho hoạt động của khu vực doanh nghiệp, nếu điều kiện tiếp cận tín dụng tốt, với lãi suất thấp thì tác động lan tỏa sẽ cao và có thể đạt tăng trưởng GDP 5.7%. Nhưng nếu lãi suất tín dụng vẫn cao, doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận thì tăng trưởng vẫn thấp.
Tương tự, ông Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp cũng nhận định chỉ số giá tháng 6/2012 đã giảm 0.26%, lần đầu tiên giảm sau 38 tháng liên tục tăng. Chưa có thể kết luận là nền kinh tế đã rơi vào giảm phát, vì để kết luận thì chỉ số CPI phải âm trong 3 tháng liên tiếp.
Như Ý (Vietstock)
FFN
|