Thứ Sáu, 06/07/2012 21:54

IMF: VN phải "kiềm chế nới lỏng chính sách tiền tệ quá sớm"

Ngày 06/07, Ban Giám đốc Điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã công bố kết luận về Đợt Tham khảo Điều IV Điều lệ Quỹ với Việt Nam. Theo đó, IMF đánh giá cao các chính sách kinh tế vĩ mô thắt chặt của Chính phủ đã góp phần giúp nền kinh tế ổn định. Song IMF cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải kiềm chế nới lỏng chính sách tiền tệ quá sớm, đồng thời thúc giục các cơ quan chức trách đẩy nhanh tái cơ cấu ngân hàng.

Kinh tế sẽ ổn định trong 2012

Theo IMF, do các chính sách kinh tế vĩ mô thắt chặt đã có hiệu quả, nền kinh tế bắt đầu đi vào ổn định. Tăng trưởng GDP năm 2011 giảm xuống dưới 6%, và trong quý đầu tiên của năm 2012 giảm xuống 4% so với cùng kỳ.

Tăng trưởng tín dụng năm 2011 giảm xuống 14.3% so với cùng kỳ. Lạm phát sau khi chạm đỉnh 23% vào tháng 8/2011 đã giảm xuống 10.5% vào tháng 4. Tài khoản vãng lai năm 2011 thặng dư nhẹ khoảng 0.2% GDP từ mức thâm hụt hơn 4% năm 2010. Niềm tin vào tiền Đồng đã được cải thiện, nhờ đó đưa tỷ giá hối đoái liên ngân hàng không chính thức trở lại trong biên độ giao dịch chính thức.

Chính phủ thông qua gói chính sách bình ổn vào tháng 2/2011 nhằm đối phó với sức ép gia tăng đối với giá cả và tỷ giá vào cuối năm 2010. Kết quả là, Chính phủ thắt chặt đáng kể các chính sách kinh tế vĩ mô trong năm 2011.

Các lãi suất chính sách tăng, trần tín dụng được áp dụng, và đầu tư của Chính phủ và DNNN bị hạn chế. Các chính sách này đã có tác dụng như mong muốn, nhưng khi nền kinh tế phát triển chậm lại nhiều hơn kỳ vọng và lạm phát giảm nhanh vào đầu năm 2012, NHNN đã liên tiếp giảm lãi suất ba lần trong vòng 3 tháng kể từ tháng 3. Chính phủ cũng bắt đầu khuyến khích nhiều tín dụng ngân hàng hơn cho các khu vực chiến lược (nông nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa, v.v…).

Tuy nhiên, các cơ quan chức năng vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô là ưu tiên quan trọng nhất. Mặt khác, nhà chức trách đã có những hành động để giải quyết các điểm dễ bị tổn thương tại một số ngân hàng nhỏ, yếu. Chín ngân hàng được xếp loại yếu đã được giám sát đặc biệt, và phải trình các kế hoạch tái cơ cấu và bổ sung vốn để NHNN phê duyệt. Chính phủ cũng đã thông qua một chiến lược toàn diện trong trung hạn để củng cố toàn bộ khu vực tài chính.

Mặc dù kinh tế suy giảm mạnh vào Quý 1, nền kinh tế được dự báo sẽ ổn định hơn nữa vào năm 2012, nhờ việc lãi suất chính sách giảm và vị thế tài khóa mở rộng khiêm tốn gần đây được dự kiến sẽ làm dịu tác động tiêu cực do cầu trong nước và bên ngoài giảm.

Kết quả là, GDP dự kiến tăng 6% và lạm phát giảm xuống khoảng 10.75% trong năm 2012 (lạm phát cuối năm là 8.25% so với cùng kỳ). Dự trữ quốc tế sẽ tăng hơn nữa từ mức đã đạt được vào tháng 3, ngay cả khi thâm hụt cán cân vãng lai tăng đôi chút. Có các rủi ro có thể tác động tiêu cực đến kịch bản này. Bên cạnh rủi ro suy giảm thị trường xuất khẩu, còn có rủi ro là nếu thị trường cảm nhận rằng Chính phủ giảm dần cam kết về ổn định nền kinh tế và giám sát an toàn khu vực tài chính, sức ép về giá và tỷ giá có thể xuất hiện trở lại.

Kiềm chế nới lỏng chính sách tiền tệ quá sớm

IMF hoan nghênh việc thắt chặt chính sách kinh tế vĩ mô năm 2011, điều này góp phần làm giảm lạm phát, ổn định tỷ giá và xây dựng lại dự trữ quốc tế. Dù vậy, IMF lưu ý rằng vẫn còn các điểm rủi ro và dễ bị tổn thương. Một thách thức lớn là cân bằng giữa hỗ trợ cho nền kinh tế đang chậm lại và rủi ro suy giảm lòng tin, đồng thời xây dựng lại các khoảng đệm chính sách. IMF nhấn mạnh sự cần thiết phải kiềm chế nới lỏng chính sách tiền tệ quá sớm, đồng thời cần đẩy nhanh cải cách cơ cấu.

Theo IMF, cần có vị thế chính sách tiền tệ thận trọng để phát huy các thành công gần đây về ổn định. Mặc dù nhận thấy rằng có cơ sở để nới lỏng chính sách do hoạt động kinh tế chậm lại và lạm phát giảm, IMF khuyến nghị chính sách tiền tệ ưu tiên tiếp tục giảm lạm phát và xây dựng lại dự trữ quốc tế, cân nhắc cẩn trọng những đợt cắt giảm lãi suất chính sách tiếp theo. Trong trung hạn, cơ quan chức trách cần hướng tới các công cụ chính sách dựa trên thị trường và một cơ chế tỷ giá linh hoạt hơn.

Đẩy nhanh tái cơ cấu ngân hàng

IMF hoan nghênh các bước đi được thực hiện cho tới nay để kiềm chế vấn đề tại các ngân hàng yếu kém, nhưng thúc giục các cơ quan chức trách đẩy nhanh việc thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngân hàng.

Các ngân hàng cần ghi nhận các khoản nợ xấu, tăng cường quy mô, chất lượng vốn và cải thiện công tác quản trị. Các cơ quan chức trách cần củng cố khuôn khổ giám sát và quản lý, bao gồm các biện pháp giải quyết ngân hàng và cải thiện tính minh bạch trong hệ thống ngân hàng.

IMF kêu gọi đẩy mạnh các nỗ lực cải cách DNNN và cải thiện môi trường kinh doanh, hoan nghênh các kế hoạch cổ phần hóa và tư nhân hóa một số lượng lớn các DNNN, nhưng nhấn mạnh rằng chìa khóa để cải cách thành công là tăng cường trách nhiệm giải trình và kỷ luật tài chính.

Các Giám đốc Điều hành khuyến khích nhà chức trách tăng tần suất, chất lượng và tính minh bạch của các số liệu thống kê kinh tế vĩ mô.

Như Ý (Vietstock)

FFN

Các tin tức khác

>   TPHCM: Đến 2020, bình quân GDP theo đầu người đạt 8.500 USD (06/07/2012)

>   FDI vào Việt Nam giảm mạnh nhất Đông Nam Á (06/07/2012)

>   Xử lý nợ xấu-nhìn từ kinh nghiệm thế giới (06/07/2012)

>   Ba ngân hàng lớn tham gia cải thiện các đô thị (06/07/2012)

>   Kinh tế Việt Nam: Khó khăn trong xu hướng tích cực (06/07/2012)

>   FDI nửa đầu năm 2012: Điểm sáng và vấn đề (06/07/2012)

>   Sẽ thành lập tổng cục giám sát vốn nhà nước (06/07/2012)

>   Quyết liệt tạo kênh dẫn vốn dài hạn (06/07/2012)

>   Trọng tâm năm 2013 vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô (05/07/2012)

>   Chính sách tiền tệ tạo niềm tin cho thị trường (05/07/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật