FDI nửa đầu năm 2012: Điểm sáng và vấn đề
Cần tìm nguyên nhân từ các nhân tố gắn với môi trường đầu tư của nước ta để có giải pháp ngăn chặn tình trạng giảm sút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), khôi phục mức tăng trưởng trong nửa cuối năm 2012 và những năm tiếp theo.
Thực trạng và động thái của hoạt động FDI
Trên thực tế, vốn FDI đăng ký chỉ là tiềm năng, không nên lấy làm cơ sở dữ liệu để phân tích thực trạng và động thái của hoạt động FDI. Chẳng hạn, vốn FDI đăng ký của các dự án bất động sản lớn hơn rất nhiều so với vốn FDI thực hiện, bởi nhà đầu tư nước ngoài chỉ bỏ một lượng vốn giải phóng mặt bằng, xây dựng một phần hạ tầng kỹ thuật rồi bán cho người mua là nhà đầu tư thứ cấp. Vì thế, nhiều lắm họ chỉ chuyển từ nước ngoài vào nước ta 20-25% vốn đăng ký.
Vốn FDI thực hiện 6 tháng đầu năm 2012 là 5,4 tỷ USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước, là tiêu chí để đánh giá thực trạng, tác động và vấn đề đặt ra đối với hoạt động đầu tư nước ngoài.
Trong tổng vốn đầu tư xã hội của 6 tháng đầu năm 2012 (là 431.700 tỷ đồng), thì vốn FDI là 110.000 tỷ đồng, chiếm 25,5%. Đó là tỷ lệ tương đối hợp lý, vì mặc dù nguồn lực trong nước đã gia tăng đáng kể từ đầu thế kỷ XXI, nhưng nhu cầu vốn đầu tư phát triển để đáp ứng yêu cầu xây dựng hạ tầng kỹ thuật và xã hội, tái cấu trúc nền kinh tế rất lớn. Do đó, cùng với việc khai thác tối đa nguồn vốn còn khá dồi dào trong dân cư, thì cần coi trọng thu hút và nâng cấp vốn nước ngoài, bao gồm ODA, đầu tư gián tiếp và nhất là FDI.
Điểm sáng của FDI là thương mại quốc tế. Mặc dù nền kinh tế nước ta tăng trưởng chậm lại trong 6 tháng đầu 2012, với GDP chỉ tăng 4,38%, thấp hơn 1,25 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng 22,2%.
Khác với 6 tháng đầu năm 2011, khi yếu tố tăng giá đã tác động mạnh đến kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, thì 6 tháng vừa qua, chủ yếu là tăng lượng hàng xuất khẩu. Trong đó, các doanh nghiệp FDI góp phần quan trọng vào gia tăng kim ngạch xuất khẩu với 32,6 tỷ USD, tăng 37,3% và chiếm tỷ trọng 61,5% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 6,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ 2011. Trong cùng thời gian trên, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước là 20,5 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 6 tháng đầu năm 2012, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng công nghệ cao tăng trưởng rất nhanh. Cụ thể, điện thoại và linh kiện đạt 4,7 tỷ USD, tăng 129,8%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 3,4 tỷ USD, tăng 84,9%; máy móc, thiết bị và phụ tùng đạt 2,7 tỷ USD, tăng 43,5%; Những mặt hàng này chủ yếu do doanh nghiệp FDI chế tạo.
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu 6 tháng đầu 2012 đạt 53,8 tỷ USD, tăng 6,9%, trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 25,8 tỷ USD giảm 8,2%; khu vực có vốn FDI đạt 28 tỷ USD, tăng 26,1% so với cùng kỳ năm trước.
Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu 6 tháng năm nay chỉ tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước; đó là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2009 là những năm suy thoái kinh tế. Nhập siêu của cả nước là 658 triệu USD, bằng 1,3% kim ngạch xuất khẩu; giảm rõ rệt so với con số 6,7 tỷ USD, chiếm 15,7% cùng kỳ năm trước.
Đáng lưu ý, trong khi nhập siêu của khu vực kinh tế trong nước là 5,3 tỷ USD bằng 25,8% kim ngạch xuất khẩu; thì khu vực có vốn FDI lại xuất siêu 4,6 tỷ USD, bằng 14,1% kim ngạch xuất khẩu.
Việc giảm nhập siêu trong 6 tháng vừa qua cần được trao đổi để có được nhận định đúng một hiện tượng mới trong thương mại quốc tế của nước ta, không nên nhận định đơn giản rằng, chỉ vì kinh tế trong nước giảm tốc độ tăng trưởng, nên nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu, phụ liệu, máy móc và phụ tùng đương nhiên giảm sút.
Số liệu thống kê các mặt hàng nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2012 đã chứng minh nhận định đó đúng đối với một số ngành. Chẳng hạn, hoá chất đạt 1,4 tỷ USD tăng 7,6%; nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép đạt 1,5 tỷ USD tăng 3%; vải đạt 3,4 tỷ USD bằng 100%; chất dẻo đạt 2,3 tỷ USD giảm 1,7%; thép đạt 3,1 tỷ USD, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy vậy, cũng cần thấy rằng, việc giảm nhập siêu có nguyên nhân từ chủ trương hạn chế nhập khẩu một số mặt hàng không được khuyến khích, cộng thêm việc giảm nhu cầu tiêu dùng trong nước. Điển hình là ô tô đạt 1 tỷ USD, giảm 34,1%. Đồng thời, cơ cấu hàng nhập khẩu của 6 tháng đầu năm 2012 có sự thay đổi tích cực so với cùng kỳ năm trước, tỷ trọng máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng từ 27,8% lên 32,9%, nguyên, nhiên vật liệu giảm từ 64,8% xuống 60,6%; hàng tiêu dùng giảm từ 7,4% xuống 6,5%.
Nhập siêu chủ yếu là từ thị trường Trung Quốc, trong khi kim ngạch xuất khẩu hàng hóa là 6,3 tỷ USD, tăng 31,9%, thì kim ngạch nhập khẩu là 13,2 tỷ USD, tăng 16,9%, nhập siêu 6,9 tỷ USD. Đây là nút thắt chính trong việc giải mã tình trạng xuất siêu, cần được nghiên cứu và đưa ra giải pháp nhanh và đồng bộ để từ thực trạng thương mại quốc tế của 6 tháng đầu năm 2012 xuất hiện khả năng cân bằng xuất nhập khẩu sớm hơn dự kiến vào năm 2015 và tiến tới xuất siêu với mức tăng nhanh dần, để không những cùng với các hoạt động kinh tế đối ngoại khác như du lịch, dịch vụ…cân bằng vững chắc tài khoản thanh toán vãng lai, mà còn gia tăng dự trữ ngoại hối quốc gia, góp phần bảo đảm ổn định tích cực kinh tế vĩ mô.
Một số vấn đề có tính thời sự đối với hoạt động FDI
Trong khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với các bộ, ngành trung ương và cơ quan nhà nước địa phương quản lý FDI đang trong quá trình xây dựng định hướng mới về chính sách FDI, cần quan tâm đến một số vấn đề có tính thời sự đối với hoạt động FDI trong 6 tháng cuối năm 2012 và năm 2013.
Một mặt, trong quan hệ kinh tế đối ngoại, nước ta đang đứng trước cơ hội mới, trong đó có hoạt động FDI, với một số nhân tố chủ yếu là:
1. ASEAN đang tiến gần đến Cộng đồng Kinh tế, trong đó có thị trường chung về hàng hóa và dịch vụ, khu vực đầu tư chung;
2. Từ năm 2008, với Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA), quan hệ giữa hai nước đã có bước phát triển tốt đẹp cả về chính trị và kinh tế. Nhật Bản là nước đứng đầu về ODA và FDI của Việt Nam;
3. Việt Nam và EU đã tiến thêm một bước phát triển mới, đánh dấu bằng Hiệp định Đối tác và hợp tác toàn diện (PCA) vừa được ký kết, đang tiến tới FTA có lợi cho thương mại hai chiều;
4. Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ tiếp tục được cải thiện. Thương mại hai chiều giữa Việt Nam với Hoa Kỳ gia tăng nhanh chóng, nhiều nhà đầu tư từ Hoa Kỳ tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Trong khi theo kết quả khảo sát do Công ty Tư vấn Boston Consulting thực hiện tháng 2/2012 trên 106 công ty Hoa Kỳ tại Trung Quốc, thì “37% công ty có doanh thu hàng năm trên 1 tỷ USD đang lên kế hoạch hoặc cân nhắc việc dời sản xuất về Hoa Kỳ. Tỷ lệ này đối với các công ty có doanh thu thường niên từ 10 tỷ USD trở lên là 48%. Gần hai phần ba số doanh nghiệp đã trả lời rằng: làm ăn tại Trung Quốc tốn kém hơn kế hoạch trên giấy rất nhiều”.
Nếu biết tranh thủ cơ hội bằng hệ thống giải pháp thích hợp với từng đối tác trên đây thì sẽ thu hút thêm FDI có chất lượng cao hơn để góp phần sớm khôi phục tỷ lệ tăng trưởng GDP hàng năm đã đạt được 7,5 - 8% theo hướng bền vững.
Mặt khác, nước ta đang đối mặt với những vấn đề nổi cộm về môi trường đầu tư, trong đó có nguyên nhân từ tình trang suy thoái kinh tế, nhưng nguyên nhân chủ yếu là chậm trễ, kéo dài trong việc khắc phục những yếu kém về quản lý kinh tế vĩ mô đã được phát hiện từ nhiều năm.
Theo khảo sát của Ngân hàng Hồng Kông - Thượng Hải (HSBC), chỉ số PMI ngành sản xuất tiếp tục sụt giảm, từ 48,3 điểm trong tháng 5 xuống còn 46,6 điểm trong tháng 6, cho thấy điều kiện kinh doanh của lĩnh vực sản xuất tiếp tục sa sút. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp, cũng là tháng PMI giảm nhanh nhất kể từ khi cuộc khảo sát được bắt đầu tiến hành vào tháng 4 năm 2011.
Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), Tổng cục Thống kê và Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa hoàn thành “Báo cáo sơ bộ về đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp Việt Nam 2010” dựa trên điều tra gần 1.500 doanh nghiệp (57% là doanh nghiệp FDI) cho thấy, các doanh nghiệp FDI có tỷ suất lợi nhuận trước thuế khoảng 7,6% (mức trung bình trong vòng 3 năm qua), trong khi con số kỳ vọng của doanh nghiệp FDI là 9%.
Chỉ có 8% doanh nghiệp FDI cho biết có ý định mở rộng đầu tư trong vòng 3 năm tới. Con số tương ứng với doanh nghiệp trong nước là 30%.
Khẳng định việc nâng cao thu nhập cho cán bộ, công nhân viên là cần thiết, nhưng UNIDO khuyến cáo, cơ quan quản lý cần có biện pháp để việc tăng lương đi kèm với tăng chất lượng và năng suất lao động. Ở khía cạnh tích cực, báo cáo cho thấy, các doanh nghiệp FDI tỏ ra phấn khởi với những cải thiện về chất lượng hạ tầng, tính ổn định của nền kinh tế cũng như các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp.
Tại Hội thảo Đánh giá và giải pháp cải thiện môi trường đầu tư TP.HCM, đại diện Phòng Thương mại Hoa Kỳ (Amcham) cho rằng, doanh nghiệp FDI ngoài việc tốn kém chi phí, còn mất thời gian mới vượt ải hải quan. Hàng xuất khẩu mất trung bình 3 ngày, nhập khẩu 4 ngày mới thông quan được. Đặc biệt, những mặt hàng dễ hỏng hoặc cần phải xuất gấp thì việc chờ đợi lâu như hiện nay sẽ là thảm họa đối với doanh nghiệp.
Ông Yoshida Sakae, Giám đốc Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) cho biết, có những hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đầu tư đã nộp 6 tháng trước vẫn chưa có kết quả. Quy trình này quá dài và gây nhiều trở ngại cho doanh nghiệp và cần cải thiện nhanh chóng để giúp nhà đầu tư yên lòng rót vốn.
Đại diện Amcham nhận xét, đối với những cải cách hành chính, khu vực tư nhân trong nước hưởng lợi nhiều hơn doanh nghiệp FDI. Tình trạng thiếu điện, giá điện tăng, thủ tục hành chính bất cập, khó khăn trong việc đào tạo và giữ chân lao động... cũng được coi là thử thách không nhỏ của doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam.
Những ý kiến đa chiều của đại diện các tổ chức quốc tế, nhà đầu tư có thể chưa phản ánh đầy đủ những tiến bộ trong điều hành kinh tế vĩ mô, cải cách thủ tục hành chính mà Chính phủ Việt Nam đã và đang thực hiện.
Tuy vậy, đó cũng là sự cảnh báo cần thiết đối với các nhà hoạch định chính sách đối về việc đẩy nhanh hơn nữa cuộc cải cách kinh tế bằng công khai và minh bạch hệ thống chính sách, luật pháp, được “nhà nước dịch vụ” điều hành với các thủ tục hành chính đơn giản, có hiệu năng, với cơ cấu bộ máy tinh giản do đội ngũ công chức có lương tâm nghề nghiệp, có năng lực chuyên môn giỏi.
GS- TSKH Nguyễn Mại
Đầu tư
|