Thứ Năm, 05/07/2012 10:11

Nền kinh tế rơi vào suy giảm “kép”

“Tăng trưởng kinh tế thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước, lạm phát giảm quá thấp ngoài mong muốn, tinh thần doanh nhân Việt đang xuống dốc. Nền kinh tế rơi vào suy giảm ‘kép’” là nhận định của TS. Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Những nghịch lý hiện nay đang tồn tại trong nền kinh tế của chúng ta theo ông là những gì?

Tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam đang xuất hiện nhiều khó khăn và thử thách.

Nền kinh tế của chúng ta đang rơi vào giai đoạn suy giảm kép, khi GDP 6 tháng đầu năm chỉ tăng khoảng 4,38%, trong đó, tuy quý II có tăng hơn quý I, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước. Nếu không có giải pháp kịp thời thì tăng trưởng còn tiếp tục gặp khó.

Cùng với đó, số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ngừng hoạt động, phá sản, giải thể ngày càng nhiều, kéo theo tình trạng thất nghiệp gia tăng, thu ngân sách nhà nước cũng suy giảm.

Điều mà tôi thấy nghịch lý trong bối cảnh hiện nay là nền kinh tế khó khăn như vậy, nhưng khoản chi ngân sách vẫn theo xu hướng đang tăng lên. Trong 6 tháng đầu năm 2012, tổng thu ngân sách chỉ ước đạt khoảng hơn 346 nghìn tỷ đồng nhưng chi ngân sách vẫn gần 414 nghìn tỷ đồng. Rồi đâu đó vẫn là những đề xuất xây trụ sở này, trụ sở kia từ trung ương đến các tỉnh, thành phố hàng trăm nghìn tỷ đồng. Rồi vấn đề xử lý nợ xấu ngân hàng, cần phải làm nhanh là làm rốt ráo, nếu không nó sẽ đe dọa đến sự an toàn của cả hệ thống ngân hàng Việt Nam, nhưng không hiểu sao vấn đề này vẫn còn chần chừ...

Vấn đề nợ xấu xem ra có vẻ là câu chuyện rất “khó xử” giữa Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính vì dường như đang có sự cạnh tranh “ngầm” xem Bộ nào có đủ “sức nặng” hơn để đứng ra gánh vác việc này?

Theo tôi, Chính phủ cần lập ngay một ủy ban liên bộ để tập trung xử lý nợ xấu đang lớn nhanh và biến tướng gây tác động xấu đến tình hình kinh tế vĩ mô hiện nay, lãi suất vừa qua tăng cũng vì khâu này, một số ngân hàng yếu kém cũng vì nguyên nhân đó. Nếu chần chừ, như tôi đã nói, thì tình hình sẽ càng xấu hơn đối với hệ thống ngân hàng.

Chính phủ mặc dù luôn tuyên bố nhất quán ưu tiên kiềm chế lạm phát nhưng có vẻ lại muốn dốc sức để thúc đẩy cho tăng trưởng hơn?

Tôi đồng tình với Chính phủ về mục tiêu kinh tế - xã hội hiện nay là ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Chính vì vậy, để có thể đảm bảo thực hiện nhất quán mục tiêu này, tôi cho rằng Chính phủ cần chia thành 2 nhóm giải pháp. Nhóm giải pháp ngắn hạn để giải quyết những khó khăn trước mắt và nhóm giải pháp dài hạn có tính ổn định lâu dài để khuyến khích đầu tư, sử dụng vốn hiệu quả, sử dụng các nguồn lực xã hội, góp phần tăng trưởng bền vững.

Về gói giải pháp ngắn hạn thì Chính phủ cũng đã có khá đầy đủ rồi, như các giải pháp miễn giảm giãn thuế, đẩy nhanh tiêu thụ hàng tồn kho, hạ nhanh lãi suất, hỗ trợ xúc tiến thương mại cả trong nước và ngoài nước... Nhưng trong các giải pháp ngắn hạn, vẫn phải tính đến một tầm nhìn dài hạn.

Chẳng hạn, như với vấn đề lãi suất, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải hạ nhanh lãi suất cho vay nhưng cũng cần phải đồng thời cam kết lãi suất sẽ không quay đầu tăng cao trở lại hoặc biến động thất thường trong những năm trước khi, lúc tăng, lúc giảm, khi thì còn 10%, 6% nhưng lúc lên 16%, 18%, 20%.

Có làm được như vậy, doanh nghiệp và nhà đầu tư mới dám vay và yên tâm vay. Chính phủ cũng cần điều hành lãi suất theo lạm phát mục tiêu hoặc theo lạm phát cơ bản ngay để hạn chế bớt những cú sốc từ bên ngoài. Mặt khác, tuy giảm nhanh lãi suất nhưng không thể giảm các điều kiện cho vay, giảm chất lượng tín dụng vì nếu không, vòng luẩn quẩn nợ xấu sẽ tăng trở lại.

6 tháng cuối năm được xác định là thời kỳ cấp tập giải ngân đầu tư công. Ông nhìn nhận về tinh thần này thế nào?

Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công là định hướng rất đúng và việc tiếp tục tháo gỡ khó khăn, giải ngân các dự án đầu tư công theo đúng tiến độ và kế hoạch được duyệt, thể hiện quyết tâm rất cao của Chính phủ trong việc thúc đẩy tăng trưởng. Nhưng chỉ đẩy mạnh việc giải ngân thôi hoặc cố giải ngân bằng mọi giá là rất nguy hiểm, cũng giống như việc giảm lãi suất đồng thời giảm cả điều kiện cho vay, để đạt tiến độ.

Vì vậy, đi liền với giải ngân phải là việc hoàn thiện thể chế giám sát đầu tư công theo hướng công khai, minh bạch và hiệu quả, nhất là nâng cao vai trò, trách nhiệm của chủ đầu tư dự án và người cấp phép dự án. Chỉ thị 1792 của Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện được tinh thần này rất rõ nhưng để Chỉ thị này được thực thi nghiêm túc, thì các cơ quan chức năng phải rất sát sao.

Nguyên Mẫn

TBKTVN

Các tin tức khác

>   Cắt "sở hữu chéo" trị nợ xấu (05/07/2012)

>   Ủy ban Giám sát tài chính: Lực cầu của nền kinh tế rất yếu (04/07/2012)

>   TPHCM: Tập trung tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ DN (04/07/2012)

>   Hà Nội phấn đấu thu nhập bình quân 7.500 USD năm 2020 (04/07/2012)

>   TS Cao Sỹ Kiêm: Bơm tiền vô lối rất nguy hiểm! (04/07/2012)

>   “Việt Nam muốn cứu tăng trưởng, không dễ!” (04/07/2012)

>   Sẽ cần gói kích cầu 2012? (04/07/2012)

>   Không nên chỉ loay hoay với chính sách tiền tệ, tài chính (04/07/2012)

>   Nút thắt mới mang tên “nợ xấu” (04/07/2012)

>   Tiếp tục ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô (03/07/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật