Triển vọng kinh tế 6 tháng cuối năm 2012
Dường như nhà điều hành đang có những động thái điều chỉnh chính sách theo hướng linh hoạt hơn. Các mặt hoạt động kinh tế có thể sẽ chuyển biến tốt hơn từ cuối quý 3/2012. Thời điểm đạt đáy được dự báo rơi vào cuối quý 2 – đầu quý 3 này.
Kinh tế Mỹ, sau một thời gian diễn biến khá tích cực từ nửa cuối 2011, số liệu thống kê các tháng quý 2/2012 khiến giới đầu tư kém lạc quan. Tuy nhiên, diễn biến trên được cho là sự điều chỉnh tạm thời. Khu vực đồng Euro một lần nữa lại thoát được nguy cơ đổ vỡ khi Hội nghị Thượng đỉnh EU cuối tháng 6 đã đạt được kết quả mang tính đột phá. Vẫn biết các cuộc thỏa hiệp sẽ không dễ dàng và sớm kết thúc, tương lai của đồng Euro có cơ sở để hy vọng.
Cảm nhận chung về kinh tế Việt Nam
Kể từ giữa năm 2011, kinh tế vĩ mô cơ bản tiến triển khá tích cực: Lạm phát, nạn đầu cơ lũng đoạn thị trường vàng và ngoại tệ đã được kiểm soát; tỷ giá USD/VND duy trì ổn định; dự trữ ngoại hối tăng thêm hơn 10 tỷ USD so với cuối 2011 và có thể đạt chuẩn 12 tuần nhập khẩu vào cuối năm nay; trong bối cảnh quyết liệt tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, khủng hoảng nợ dưới chuẩn ở Mỹ, khủng hoảng nợ công khu vực đồng Euro, tốc độ tăng GDP 6% năm 2011 và 4.38% trong 6 tháng đầu năm 2012 không hẳn là quá xấu.
Bên cạnh đó còn tồn tại một số vấn đề đang khiến dư luận quan ngại như: mặt bằng lãi suất (đặc biệt lãi suất cho vay của các NHTM) được neo giữ ở mức cao quá lâu và chậm được điều chỉnh theo tín hiệu lạm phát; dư nợ tín dụng ngân hàng liên tục tăng trưởng âm trong các tháng đầu năm; hàng tồn kho cao, số lượng doanh nghiệp rơi vào tình trạng phải giải thể và phá sản cùng nợ xấu NHTM tiếp tục gia tăng.... Những vấn đề trên, nếu không sớm được giải quyết một cách hiệu quả, có thể phát triển thái quá trở thành nhân tố tiêu cực cản trở công cuộc tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình kinh tế trong thời gian tới.
Trước nguy cơ và thách thức đó, dường như nhà điều hành đang cho thấy tín hiệu điều chỉnh chính sách theo hướng linh hoạt hơn.
Lãi suất và tăng trưởng dư nợ tín dụng ngân hàng
Tái cấu trúc hệ thống tài chính – ngân hàng được xác định là một trong những trụ cột của tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình kinh tế. Dường như nhà điều hành còn có dụng ý dùng chính sách tiền tệ như một mũi công phá tạo sức ép thúc đẩy quá trình này. Do đó, việc điều hành chính sách tiền tệ, đặc biệt là công cụ lãi suất và dư nợ tín dụng ngân hàng, sẽ tác động không nhỏ tới chiều hướng và cách thức vận động của toàn bộ “cỗ máy” nền kinh tế.
Tái cơ cấu các kênh dẫn vốn hướng tới sự an toàn và bền vững cũng như tăng hiệu quả sử dụng vốn để giảm tỷ trọng vốn đầu tư toàn xã hội/GDP. Có lẽ vẫn nên nêu lại một quan điểm mang tính nguyên tắc trong tái cấu trúc hệ thống tài chính – ngân hàng: trả lại thị trường tiền tệ vai trò kênh dẫn vốn ngắn hạn, thúc đẩy và phát triển bền vững TTCK trở thành kênh dẫn vốn trung – dài hạn của nền kinh tế.
Với diễn biến giá hàng hóa thế giới cũng như trong nước hiện nay, NHNN nên chủ động điều hành giảm mặt bằng lãi suất để giảm chi phí vốn thực tế. Nếu không tận dụng thời cơ này, việc tái cơ cấu nguồn vốn của các DN nói riêng và các kênh dẫn vốn trong nền kinh tế nói chung sau đó sẽ trở nên khó khăn và tốn kém hơn rất nhiều.
Từ đầu năm 2012 và đặc biệt từ ngày 11/6, trần lãi suất huy động kỳ hạn 1-12 tháng đã được kéo giảm từ 14% xuống còn 9% (bỏ trần lãi suất huy động đối với các kỳ hạn trên 12 tháng). NHNN cho biết sẽ giữ ổn định mức lãi suất huy động hiện nay tới cuối năm 2012. Người viết cho rằng, mặc dù lãi suất huy động hiện vẫn còn khá cao so với lạm phát kỳ vọng, mức độ giảm lãi suất huy động năm 2012 như trên cũng là hợp lý.
Lãi suất cho vay của các NHTM hiện nay vẫn rất cao. Theo dư luận, ngay cả khi một số NHTM lớn đã công bố các chương trình cho vay lãi suất thấp, quy mô vốn được giải ngân ở vùng lãi suất 12-13% còn rất khiêm tốn. Mặt bằng lãi suất cho vay nếu không được kéo giảm sẽ khiến chi phí vốn trong nền kinh tế tiếp tục ở mức cao, ngoài việc làm “tắc” các kênh dẫn vốn khác sẽ góp phần làm cho quá trình giải quyết nợ và nợ xấu khó khăn hơn, tác động đến lợi ích của chính các NHTM.
Người viết cho rằng việc giảm mạnh mặt bằng lãi suất cho vay sẽ đi vào thực chất hơn trong thời gian tới. Cuối năm 2012 - đầu năm 2013, lãi suất cho vay có thể sẽ xác lập mặt bằng chung 12-13%.
Năm 2013, nếu lạm phát kỳ vọng vẫn tiếp tục duy trì mức thấp, việc điều hành giảm thêm nữa mặt bằng lãi suất (cả huy động và cho vay) nên được cân nhắc nhưng cũng cần phải bám sát xu hướng diễn biến giá hàng hóa thế giới.
Mô hình tăng trưởng chiều rộng đã khiến tăng trưởng GDP phụ thuộc chủ yếu vào tăng trưởng vốn đầu tư toàn xã hội, trong khi các kênh dẫn vốn khác chưa phát triển, tín dụng ngân hàng đóng vai trò rất quan trọng. Tái cơ cấu các kênh dẫn vốn trong nền kinh tế không thể hoàn thành trong một sớm một chiều. Trong giai đoạn đầu, nên tránh điều hành giảm quá mạnh tốc độ tăng dư nợ tín dụng ngân hàng như 6 tháng đầu năm (theo NHNN, dư nợ tín dụng 6 tháng đầu năm tăng 0.76% so với cuối năm 2011, rất thấp so với mục tiêu năm).
Dường như NHNN đang quyết liệt hơn để thúc đẩy tín dụng. Và 6 tháng cuối năm được dự báo sẽ có những chuyển biến tích cực.
Hàng tồn kho và nợ xấu
Hơn 1 năm qua, tổng cầu nền kinh tế đã có sự điều chỉnh khá mạnh. Tuy nhiên, tổng cung có lẽ cũng giảm mạnh – số lượng DN giải thể và phá sản tăng mạnh, hầu hết các DN còn tồn tại đều đã và đang cắt giảm mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp chỉ duy trì hoạt động cầm chừng.....
Số liệu thống kê về hàng tồn kho cho thấy, mặc dù vẫn còn ở mức cao, tình hình đang diễn biến theo chiều hướng khả quan (tháng 3 là 34.9%; tháng 4 là 32.1%; tháng 5 là 29.4%; tháng 6 là 26%). Với chu kỳ quý 4 và giáp Tết Nguyên đán thường là thời vụ tiêu thụ tốt nhất trong năm, người viết cho rằng tình hình về hàng tồn kho sẽ cải thiện rõ nét hơn bắt đầu từ cuối quý 3/2012.
Khi vấn đề hàng tồn kho có tiến triển, “dòng tiền” của các doanh nghiệp cũng được cải thiện và bớt áp lực lên các vấn đề nợ nói chung và nợ xấu nói riêng. Chính phủ và các bên hữu quan có thể chủ động thúc đẩy quá trình này. Ví dụ, Chính phủ có thể thực thi các biện pháp (cả hành chính lẫn kinh tế) hỗ trợ doanh nghiệp, giải quyết các vấn đề đang làm ách tắc khâu lưu thông hàng hóa hiện nay. Phía ngân hàng hạ lãi suất cho vay (lạm phát và lãi suất huy động đã giảm mạnh) để các doanh nghiệp giảm được chi phí tài chính và giá thành sản phẩm. Về phía doanh nghiệp, cần thúc đẩy tái cấu trúc để tăng hiệu quả, giảm giá thành, trong bối cảnh tiêu thụ khó khăn nên chấp nhận giảm lợi nhuận để chủ động giảm giá bán thúc đẩy tiêu thụ (nhiều DN hàng tiêu dùng và gần đây một số DN BĐS đã triển khai theo hướng này)....
Người viết cho rằng nguyên tắc giải quyết nợ xấu là NHTM và doanh nghiệp có nợ xấu sẽ phải tự gánh chịu tổn thất và chi phí, không áp đặt lên người đóng thuế. Giải quyết nợ xấu là vấn đề cấp thiết hiện nay. Tuy nhiên, NHNN nên tránh cách tiếp cận: ưu tiên hàng đầu (hay điều kiện tiên quyết) là phải giải quyết triệt để vấn đề nợ xấu rồi mới thúc đẩy được các vấn đề khác như tăng trưởng tín dụng. Với cách tiếp cận đó, các vấn đề hiện nay có thể sẽ tiếp tục bế tắc trong thời gian dài và nền kinh tế sẽ phải trả giá.
Giảm mạnh được chi phí vốn thực tế (hiện đang bị cản trở bởi mặt bằng lãi suất ngân hàng neo giữ cao quá lâu), các kênh dẫn vốn phi ngân hàng được khơi thông, DN có thể chủ động và dễ dàng hơn trong việc tái cơ cấu nguồn vốn, hoạt động kinh doanh sẽ thuận lợi hơn. Đồng thời, như nói trên, nếu vấn đề tiêu thụ và hàng tồn kho được giải quyết, áp lực và chi phí giải quyết nợ nói chung và nợ xấu nói riêng sẽ giảm đáng kể.
Một số vấn đề quốc tế đang được quan tâm
Thứ nhất, bước “đột phá” tại khu vực đồng Euro
Cuối quý I - đầu quý II, ông Hollande bất ngờ liên tục dẫn điểm trong các cuộc thăm dò trước bầu cử và đã đắc cử Tổng thống Pháp. Đảng Xã hội giành đa số tuyệt đối trong Hạ viện bầu ngày 17.6 được cho là một thuận lợi lớn cho ông Hollande trong việc theo đuổi các chính sách thúc đẩy tăng trưởng của khu vực đồng Euro cũng như có thể chủ động hơn trong việc thỏa hiệp với các đối tác khu vực đặc biệt là Đức.
Diễn biến trên chính trường Pháp hẳn đã có tác động nhất định tới tình hình chính trị tại các nước khác trong khu vực đồng Euro. Các cuộc bầu cử Quốc hội Hy Lạp là một bằng chứng cho thấy khu vực này đang bị chia rẽ khá sâu sắc. Kết quả bầu cử lần 2 Quốc hội Hy Lạp và một Chính phủ liên minh theo đường lối ủng hộ gói cứu trợ được thiết lập đã cứu đồng Euro thoát khỏi tình trạng hiểm nghèo.
Hầu hết các nước trên thế giới đều đã phải lên kế hoạch ứng phó với kịch bản khu vực đồng Euro bị tan rã. Thậm chí một số nước gần đây còn lên tiếng sẵn sàng trợ giúp khu vực này giải quyết khủng hoảng. Ổn định và tăng trưởng ở khu vực đồng Euro là mối quan tâm và lợi ích của nhiều nước hiện nay, trong đó có Mỹ (đặc biệt ông Obama đang nỗ lực tái cử trong cuộc bầu cử tháng 11 tới).
Trong bối cảnh chung như thế, phía Đức đang cho thấy có sự nhượng bộ hơn so với trước đây trong việc giải quyết những vấn đề của khu vực đồng Euro. Có lẽ các chính trị gia Đức nhận ra rằng, nếu càng để kéo dài, họ sẽ càng trở nên bị cô lập và gặp nhiều bất lợi hơn, nước Đức sẽ càng phải thỏa hiệp nhiều hơn.
Sự thỏa hiệp từ các thành viên khu vực đã đem lại kết quả gây bất ngờ với các thị trường. Hội nghị Thượng đỉnh EU cuối tháng 6 kết thúc với bước đột phá cho khu vực đồng Euro bằng việc đạt được một loạt kế hoạch dài hạn cũng như những kế hoạch thiết thực trước mắt. Các thị trường chứng khoán thế giới ngày 29/6 tăng điểm mạnh mẽ phản ánh sự lạc quan của giới đầu tư về tương lai của khu vực này.
Sau kết quả ban đầu rất tích cực đó, khu vực này còn nhiều việc phải làm. Cuộc khủng hoảng nợ công không dễ được giải quyết dứt điểm trong một thời gian ngắn và thậm chí có thể đòi hỏi những sự thỏa hiệp hơn nữa từ các nước thành viên. Tuy nhiên, với những diễn biến hiện nay, tương lai của đồng Euro có cơ sở để hy vọng. Khu vực này sẽ hội nhập sâu hơn và có lẽ sẽ trở nên mạnh mẽ hơn sau khủng hoảng.
Thứ hai, chính sách tiền tệ của FED và các ngân hàng TW
Cuối quý 1 - đầu quý 2, số liệu thống kê về kinh tế và việc làm của Mỹ đã có phần kém lạc quan hơn. TTCK Mỹ cũng trải qua một đợt điều chỉnh từ đầu tháng 5. Dù vậy, vẫn có quan điểm cho rằng kinh tế Mỹ chỉ điều chỉnh tạm thời trong xu hướng tích cực bắt đầu từ cuối năm 2011 (nhân tố chính khiến TTCK Mỹ tăng điểm cuối 2011 và đầu 2012 bất chấp những vấn đề nợ công tại Eurozone). GDP năm nay của Mỹ được dự báo tăng 3% so với mức tăng 1.7% năm 2011, tỷ lệ thất nghiệp hiện đang giảm xuống dưới 9%, thị trường nhà đất cũng đang phát đi tín hiệu tích cực.
Nước Mỹ sẽ có cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11 tới. Tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp luôn là những nhân tố có tác động không nhỏ tới kết quả bầu cử. Người ta cũng thống kê được rằng, trong những năm FED thắt chặt tín dụng, Tổng thống đương nhiệm khó cơ cơ hội tái cử hơn.
Dường như các chính sách của FED không mẫu thuẫn (nếu như không muốn nói có sự hỗ trợ) cho kế hoạch tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm của ông Obama kể từ khi đắc cử tổng thống. FED vẫn để ngỏ khả năng sử dụng QE3 trong trường hợp nợ công Eurozone tiếp tục xấu đi hoặc các chỉ báo tăng trưởng kinh tế và việc làm Mỹ không cải thiện.
Không chỉ FED, một số NHTW như ECB, BoE... cũng vẫn tiếp tục chính sách nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Tổng hợp lại, người viết cho rằng 6 tháng cuối năm 2012 tình hình sẽ biến chuyển tốt hơn. Thời điểm đạt đáy được dự báo rơi vào cuối quý 2 – đầu quý 3 này.
Phạm Tường Phán (Vietstock)
FFN
|