Góc nhìn 11/07: Cầu bắt đáy sẽ tăng?
Mặc dù vẫn nhận định tiêu cực về thị trường, nhưng một số công ty chứng khoán cho rằng khả năng sẽ xuất hiện lực cầu mạnh hơn khi VN-Index về sát ngưỡng 400 điểm.
Kỳ vọng lực cầu gia tăng
CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDS): Bên cạnh các vấn đề về vĩ mô, thị trường tiếp tục thể hiện sự lo ngại của nhà đầu tư trước động thái tăng cường kiểm tra, giám sát công ty của cơ quan quản lý. Cùng với đó, áp lực cung từ khối ngoại và thanh khoản thấp cũng là nguyên nhân khiến nỗ lực đảo chiều của các chỉ số thất bại.
Quan sát diễn biến giao dịch có thể thấy bên bán khá bình tĩnh trong phiên buổi sáng và lực cầu có xu hướng tăng nhẹ đã giúp các chỉ số đảo chiều tăng nhẹ khi gần kết thúc phiên.
Lực bán bất ngờ tăng mạnh trong đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa, đặc biệt ở nhóm trụ cột, đã xóa bỏ hoàn toàn mọi nỗ lực trước đó của VN-Index và gián tiếp tác động tiêu cực đến HNX-Index. Các chỉ số do đó đóng cửa với số điểm gần mức thấp của phiên, thanh khoản giảm phiên thứ hai liên tiếp.
Mức độ thận trọng của nhà đầu tư có thể sẽ tăng lên do tần suất thất bại trong nỗ lực đảo chiều của các chỉ số ngày càng nhiều hơn. Sau phiên này, khoảng cách đến ngưỡng hỗ trợ 400 điểm của VN-Index tiếp tục được thu hẹp, và nếu xu hướng này vẫn tiếp diễn trong các phiên tới, chúng tôi kỳ vọng lực cầu sẽ gia tăng tương ứng.
Chúng tôi giữ quan điểm rằng vùng điểm 400 là thích hợp cho nhà đầu tư với chiến lược dài hạn bắt đầu tiến hành giải ngân một cách có chọn lọc.
Lực cầu bắt đáy gia tăng
Công ty Chứng khoán ACB (ACBS): VN-Index tiếp tục có phiên mất điểm thứ hai. Nhìn chung, chỉ số này dao động chậm trong biên độ hẹp, cho thấy sự do dự của nhà đầu tư.
Khối lượng cũng xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm. Điều đáng nói là trong xu hướng giảm, khối lượng không cần tăng để củng cố xu hướng. Lực cầu yếu khiến thị trường từ từ đi xuống mà không cần áp lực bán mạnh.
Trong các phiên tới, VN-Index có thể tiếp tục mất điểm. Hiện một số mã có vốn hóa lớn là GAS, HPG, VIC … vừa hình thành các breakout tiêu cực, nên sẽ có thể làm tăng đà giảm của VN-Index.
Tương tự, VN30-Index có thể sớm chạm vùng hỗ trợ 465-475, mức Fibonacci 50%, trong các phiên tới. Chúng tôi kỳ vọng lực cầu bắt đáy có thể gia tăng ở đây.
Nhà đầu tư cũng do dự trên sàn HNX khiến chỉ số HNX-Index chỉ đi ngang trong biên độ hẹp cùng khối lượng giao dịch thấp.
Chúng tôi tiếp tục duy trì quan điểm tiêu cực với HNX-Index trong các phiên tới.
Ở tình huống tích cực, nếu đảo chiều tăng vượt 70.34, HNX-Index sẽ hình thành một mô hình Double Bottoms nhỏ với mức mục tiêu là 72.
Chưa thể xuất hiện đột biến
CTCP Chứng khoán BIDV (BSI): Hai chỉ số thị trường dao động quanh quẩn mức tham chiếu. Đà giảm được hãm lại chút ít tuy nhiên thị trường vẫn chưa cho thấy dấu hiệu có thể hồi phục. Thanh khoản tiếp tục giảm trong khi khối ngoại tăng cường bán ròng.
Cũng vì thanh khoản quá thấp nên chỉ số chung của thị trường chịu ảnh hưởng lớn từ các động thái mua/bán của nhóm bluechips lớn, điều này cũng lý giải vì sao chỉ số trong ngày dao động lên xuống liên tục quanh tham chiếu.
Nói chung diễn biến thị trường vẫn ảm đạm, chưa xuất hiện nhân tố đột biến có thể khiến thị trường thay đổi xu thế.
Nhiều khả năng 2 chỉ số sẽ sớm tiếp cận mức hỗ trợ kỹ thuật là 390 điểm đối với VN-Index và 66 điểm đối với HNX-Index. Chúng tôi tiếp tục duy trì quan điểm thận trọng trong giai đoạn này.
Khả năng dao động với biên độ lớn hơn
CTCP Chứng khoán Á Âu (AAS): Các phiên tăng giảm xen kẽ nhưng phần lớn theo chiều hướng đi xuống đã khiến hai chỉ số ngày càng trôi gần về mức điểm được lập hồi tháng 02/2012, tương đương ngưỡng hỗ trợ theo Fibonacci Retracement 61.8% và chỉ còn cách mức điểm hiện tại 1 phiên giảm điểm với tỷ lệ xấp xỉ 2%.
Nếu xu hướng này tiếp diễn, rất có thể, trong thời gian tới, sẽ xuất hiện nhiều hơn các phiên giảm sâu khi mà Bollinger Bands đang có dấu hiệu mở rộng, báo hiệu một khả năng dao động với biên độ lớn hơn so với hiện tại.
Trong bối cảnh giá cổ phiếu đang ở mức thấp, đã xuất hiện một số dấu hiệu cho thấy hoạt động mua gom cổ phiếu với mục đích nắm giữ lâu dài của nhiều tổ chức, quỹ đầu tư chẳng hạn Công ty TNHH Quản lý Qũy SSI (SSIAM) mua 11.26% GIL, SGInvest bất ngờ thông báo sở hữu 62.38% vốn điều lệ FLC, hay trước đó là quỹ ĐTCK IPA đã mua 5,13% của PTI hoặc đình đám nhất là nghi án Quỹ Platinum Victory Pte Ltd của Singapore đang có ý định thâu tóm REE, …
Tuy vậy, đối với nhà đầu tư ngắn hạn, chúng tôi duy trì quan điểm thận trọng, hạn chế giải ngân cho đến khi xuất hiện các tín hiệu tích cực hơn.
Viết Vinh tổng hợp (Vietstock)
FFN
|