Chủ Nhật, 15/07/2012 09:49

Đầu tư công chèn ép đầu tư tư nhân

Đầu tư của Nhà nước vào lĩnh vực nông nghiệp, khoa học, giáo dục-đào tạo có xu hướng giảm dần trong những năm qua. Trong khi đó, tỉ trọng đầu tư nhà nước vào các lĩnh vực an ninh, quốc phòng và đoàn thể lại gia tăng.

Tại kỳ họp Quốc hội tháng 6 vừa qua, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) gây chú ý với dư luận khi ông dẫn lại một loạt vụ tham nhũng, lãng phí lớn gần đây, từ PMU18 đến Vinashin, Vinalines và nhắc nhở Chính phủ: “Nếu không sớm giải quyết thì Việt Nam không phải là nước chậm phát triển mà là nước khó phát triển”.

Phát biểu của ông gợi nhớ đến câu nói của Thiếu tướng Lê Văn Cương được lưu truyền từ trước đó: “Việt Nam không phải nước đang phát triển, đã phát triển hay chậm phát triển, mà là khó phát triển”.

Cao nhất trong tổng đầu tư của xã hội

Nhận xét trên tuy mang tính hài hước nhưng không phải không có khía cạnh đúng đắn, khi mà khu vực kinh tế quốc doanh vẫn được xác định là giữ vai trò chủ đạo và đầu tư nhà nước nhờ thế vẫn được nhìn nhận như động lực thúc đẩy tăng trưởng. Trong khi trên thực tế, đầu tư công trong hoàn cảnh Việt Nam lại có những trở ngại khiến cho nó rất khó đạt hiệu quả cao.

Đầu tư công về bản chất là chi tiêu của Chính phủ cho mục đích kinh doanh hoặc công ích như lương hưu, trợ cấp xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng,… Trên thế giới, có định nghĩa cho rằng đầu tư công chỉ bao gồm chi tiêu công cho các dự án phục vụ lợi ích chung, phi kinh doanh. Song ở Việt Nam, đầu tư công cũng được hiểu là đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước, nghĩa là có cả mục đích kinh doanh. Với nghĩa đó, nó chiếm khoảng 38,9% tổng vốn đầu tư trong toàn xã hội năm 2011, tương đương với 27,43% GDP, cao nhất trong cơ cấu đầu tư của xã hội. Đầu tư của khu vực kinh tế ngoài Nhà nước chiếm 35,2% tổng vốn. Còn tỉ lệ này ở khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là 25,9% (số liệu của Tổng cục Thống kê).

Chiếm phần cao nhất, song chất lượng đến đâu thì còn phải bàn. Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2012 “Đối diện thách thức tái cơ cấu kinh tế” của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) công bố một thống kê xác nhận sự nghi ngờ lâu nay của nhiều người: Từ năm 2005 đến 2010, đầu tư của Nhà nước vào lĩnh vực nông nghiệp giảm từ 7,14% xuống còn 5,86%. Xu hướng tương tự cũng xảy ra trong khoa học, giáo dục-đào tạo: 6,75% xuống còn 5,55%; và y tế, trợ giúp xã hội: 3,37% xuống còn 2,7%. Tuy nhiên, đầu tư nhà nước vào các lĩnh vực quản lý nhà nước, an ninh, quốc phòng và đoàn thể lại tăng từ mức 8,29% năm 2005 lên 9,67% năm 2010.

“Tranh phần” của tư nhân

Tuy vậy, cái đáng nói nhất có lẽ là nguy cơ đầu tư công “chèn ép” đầu tư tư nhân. Theo TS kinh tế Tô Trung Thành - một trong các tác giả của bản báo cáo “Đối diện thách thức tái cơ cấu kinh tế” thì đầu tư công thúc đẩy đầu tư tư nhân nếu nó có tính bổ trợ cho đầu tư tư nhân. Nói cách khác, chừng nào doanh nghiệp tư nhân thu được lợi nhuận cao nhờ có đầu tư công và họ tăng cường đầu tư tư nhân, thì chừng đó đầu tư công là có hiệu quả, có ích cho phát triển kinh tế bền vững.

Cụ thể, việc cạnh tranh có thể diễn ra trong lĩnh vực tín dụng, khi Chính phủ phát hành trái phiếu để vay vốn nhằm mục đích mở rộng đầu tư công. Khi ấy, nguồn tín dụng thương mại dành cho tư nhân sẽ bị tác động giảm. Cạnh tranh còn là khi doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lấn át doanh nghiệp tư nhân trên thị trường hàng hóa-dịch vụ. Sự chèn ép sẽ đặc biệt xấu khi DNNN làm ăn yếu kém, thua lỗ, gây thiệt hại cho ngân sách chính phủ. “Nền kinh tế sẽ bị rơi vào trạng thái bất ổn, trì trệ; lạm phát sẽ gia tăng và thậm chí khủng khoảng kinh tế có thể xảy ra. Trong trường hợp này, doanh nghiệp tư nhân không những ngừng mở rộng mà thậm chí sẽ còn phải thu hẹp sản xuất để tránh nguy cơ bị phá sản” - TS Tô Trung Thành lý giải.

Bằng một số tính toán lý thuyết, ông Thành cho rằng ở Việt Nam, “hiện tượng đầu tư công “lấn át” đầu tư tư nhân thể hiện rõ nét”, “sau một thập niên, 1% tăng vốn đầu tư công ban đầu sẽ khiến đầu tư tư nhân bị thu hẹp khoảng 0,48%”. Về hiệu quả phục vụ cho tăng trưởng thì lại ngược lại: “Tác động đến GDP của đầu tư khu vực nhà nước là thấp so với tác động của đầu tư khu vực tư nhân, theo đó 1% tăng lên của đầu tư tư nhân có thể đóng góp 0,33% tăng trưởng, trong khi đầu tư công chỉ đóng góp 0,23% tăng sản lượng trong cân bằng dài hạn”.

Hiệu quả của đầu tư công còn bị nghi ngờ nhiều hơn nữa, khi mà nó là nguyên nhân chính khiến nợ công của Việt Nam liên tục tăng. Tính đến cuối năm 2011, nợ công của Việt Nam đã lên tới 58,7% GDP. ThS Đinh Tuấn Minh, Trưởng phòng Phân tích, Ngân hàng TMCP Quân đội, cho biết: “So với các nước trong khu vực thì nợ công của Việt Nam đang quá cao: Nợ công của Thái Lan chỉ là 44% GDP, của Indonesia là 39,7% GDP và của Philippines là 47,3% GDP. Khu vực DNNN vẫn còn rất lớn của Việt Nam thường là đơn vị được Nhà nước lựa chọn để thực hiện các dự án phát triển cơ sở hạ tầng. Hầu hết nguồn vốn vay ODA để phát triển cơ sở hạ tầng đều giao cho các DNNN thực hiện. Điều đó càng khuếch đại sự chèn ép của đầu tư công đối với đầu tư tư nhân”.

Khó nâng cao hiệu quả nếu vẫn “tham”

Để đầu tư công không còn chèn ép mà ngược lại, thúc đẩy đầu tư tư nhân, thì các giải pháp cơ bản mà giới kinh tế vẫn thường đề xuất là phân bổ vốn đầu tư công sao cho hợp lý (ví dụ, theo hướng tăng cường phát triển nguồn nhân lực bằng cách đầu tư vào y tế, giáo dục, nghiên cứu khoa học), giám sát tốt quá trình đầu tư, nâng cao hiệu quả quản lý và vận hành khối DNNN.

Riêng về các DNNN - lực lượng nắm giữ phần lớn các dự án đầu tư công ở Việt Nam - việc nâng cao chất lượng quản trị, điều hành đã được nhắc đến từ lâu. Cựu Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam, ông Ayumi Konishi, trong một cuộc trao đổi với Pháp Luật TP.HCM từng khẳng định: “Doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước hay tư nhân không quan trọng, cho dù là của thành phần kinh tế nào thì cũng cần được quản trị tốt”. Ông nhấn mạnh yếu tố quan trọng để quản trị có chất lượng là phải đảm bảo minh bạch.

Đây cũng là một phần nội dung đề xuất trong bản Báo cáo Kinh tế Thường niên của VEPR. Theo đó, Việt Nam cần theo xu thế giảm dần tỉ trọng đầu tư công trong tổng vốn đầu tư của xã hội, đồng thời tăng cường mạnh mẽ hiệu quả và chất lượng của đầu tư công. Cần tạo cơ hội bình đẳng hơn nữa cho các nguồn vốn đầu tư khác của xã hội, tạo ra các cơ chế hiệu quả để huy động tối đa các nguồn vốn tư nhân, giảm dần sự phụ thuộc, trông chờ vào ngân sách. Ngoài ra, cần đổi mới tư duy về vai trò Nhà nước trong nền kinh tế, cụ thể là giảm bớt chức năng “nhà nước kinh doanh”. Không nên phân bố đầu tư nhà nước vào các ngành mà khu vực tư nhân có thể đảm nhiệm và đảm nhiệm tốt, chuyển trọng tâm ra ngoài lĩnh vực kinh tế, tập trung vào phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội, phát triển thể chế và phát triển năng lực, để tạo được ngoại ứng tích cực lan tỏa đến khu vực tư nhân, hỗ trợ khu vực này trong quá trình kinh doanh và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế”.

 

TS NGUYỄN ĐÌNH CUNG, Viện Quản lý Kinh tế Trung ương:

Đầu tư nhà nước chiếm tỉ trọng lớn mà không hiệu quả

Đầu tư nhà nước bao gồm đầu tư từ ngân sách nhà nước, đầu tư bằng vốn trái phiếu chính phủ, tín dụng đầu tư nhà nước và đầu tư của các DNNN. Đầu tư nhà nước hiện đang chiếm tỉ trọng lớn nhất trong tổng đầu tư xã hội nhưng hiệu quả lại không cao; đang phân tán trong hầu hết các ngành kinh tế, kể cả các ngành mà khu vực kinh tế tư nhân đã có khả năng đầu tư phát triển như khách sạn, nhà hàng, dịch vụ kinh doanh tài sản, thương mại và một số dịch vụ tiêu dùng khác.

Đầu tư nhà nước, nhất là đầu tư từ ngân sách có quy mô lớn, luôn đồng hành với chính sách tài khóa mở rộng là một trong những nguyên nhân chủ yếu của lạm phát và bất ổn kinh tế vĩ mô.



Hoàng Thư

Pháp luật tp

Các tin tức khác

>   Tái cơ cấu một cách đồng bộ (14/07/2012)

>   Quản trị sự thay đổi (14/07/2012)

>   200 ngàn tỷ đồng nợ xấu: “Không AMC, không xử lý được!” (13/07/2012)

>   TPHCM tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất (11/07/2012)

>   Dự báo về diễn biến giá cả trong 6 tháng cuối năm (11/07/2012)

>   Tập đoàn Mỹ hỗ trợ dự án điện Việt Nam (11/07/2012)

>   4 việc lớn mong đợi nhà nước (11/07/2012)

>   Hà Nội: GRDP 6 tháng thấp hơn cùng kỳ các năm trước (10/07/2012)

>   Triển vọng kinh tế 6 tháng cuối năm 2012 (10/07/2012)

>   TS. Võ Trí Thành: Bức tranh nền kinh tế sẽ rõ hơn vào tháng 8 (10/07/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật