Thứ Năm, 26/07/2012 14:42

Công ty quản lý quỹ: sống bằng gì?

Hiện chỉ có 23 quỹ đầu tư đang hoạt động trên tổng số 47 công ty quản lý quỹ được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cấp phép tại Việt Nam.

Tổng giá trị tài sản quản lý của các công ty quản lý quỹ sụt giảm 23% so với cuối năm 2011. Nhiều công ty quản lý quỹ đang trong tình trạng cầm cự để duy trì giấy phép hoạt động.

Huy động quỹ èo uột

Ấn tượng nhất đối với thị trường quản lý quỹ tại Việt Nam năm 2012 là việc niêm yết chứng chỉ quỹ ASIAGF của Quỹ đầu tư Tăng trưởng ACB, do Công ty TNHH một thành viên Quản lý quỹ ACB quản lý. Tuy nhiên, quy mô ban đầu của Quỹ chỉ đạt hơn 240 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối quý II/2012, quy mô tài sản của ASIAGF tăng lên 275 tỷ đồng. Nhưng với mức phí quản lý 0,5% giá trị tài sản ròng mỗi năm, quỹ này cũng chỉ mang lại khoảng gần 1,4 tỷ đồng doanh thu cho Công ty Quản lý quỹ ACB. Một con số rất khiêm tốn so với chi phí của doanh nghiệp.

Ngoài trường hợp nêu trên, huy động quỹ của các công ty quản lý quỹ đều là số 0. Rất nhiều công ty hiện đang sống nhờ vào việc quản lý tài sản, hoặc đơn giản là tham gia thị trường bằng vốn tự có như một NĐT thông thường. Trong số các công ty quản lý quỹ trong nước, Công ty Quản lý quỹ Việt NAM (Vinafund - VFM) hiện huy động được nhiều quỹ nhất (4 quỹ), trong đó 3 quỹ VFMVF1, VFMV4, VFMVFA là quỹ đại chúng niêm yết, một quỹ thành viên là VFMVF2. Tổng vốn điều lệ của 4 quỹ là hơn 3.000 tỷ đồng.

Cố gắng cầm cự

Ngay trường hợp của Vinafund, dù quản lý nhiều quỹ nhất trong số các quỹ đầu tư trong nước, nhưng thu phí từ quản lý của Công ty năm 2011 vẫn rất thấp. Theo điều lệ quỹ của cả 4 quỹ đang quản lý, Vinafund sẽ thu 2% giá trị tài sản của các quỹ VF1, VF4, VFA; 1% của VF2. Tuy nhiên, với sự giảm giá chung của TTCK, Công ty đã chấp nhận giảm phí quản lý của VF4 xuống 1,5%; VF2 sẽ không thu phí quản lý nếu giá trị tài sản ròng của chứng chỉ quỹ dưới mệnh giá. Năm 2011, phí quản lý thu được của Vinafund là 56,588 tỷ đồng, phí quản lý danh mục đầu tư là 168 triệu đồng. Lợi nhuận sau thuế cả năm 2011 của Công ty là 7,864 tỷ đồng trên vốn điều lệ gần 230 tỷ đồng.

Đó là trường hợp của Vinafund - đơn vị có quỹ. Đa số các công ty quản lý quỹ còn lại rơi vào 1 trong 2 trạng thái: cầm cự để duy trì giấy phép, hoặc đóng vai trò quản lý danh mục đầu tư, ủy thác đầu tư để “làm đẹp” báo cáo tài chính cho một số DN.

Những trường hợp quỹ thành viên như của công ty quản lý quỹ SSI, Bảo Việt… không nhiều. Đa phần những công ty quản lý quỹ “sống khỏe” đều trực thuộc những định chế có tiềm lực tài chính lớn, đầu tư nhiều như ngân hàng, công ty tài chính, bất động sản...

Với 98.000 tỷ đồng đang được quản lý bởi các công ty quản lý quỹ, chủ yếu là quản lý danh mục đầu tư (tổng vốn điều lệ các quỹ gần 15.000 tỷ đồng), với mức phí quản lý bình quân cho tài sản ủy thác đầu tư khá thấp, thậm chí chỉ ở mức 0,1 - 0,2% tổng giá trị tài sản. Nếu tính mức phí quản lý bình quân là 0,3% giá trị tài sản ròng, thì tổng mức phí thu được của các công ty quản lý là 294 tỷ đồng trên tổng vốn điều lệ 2.600 tỷ đồng, tương đương hơn 11% vốn điều lệ. Trừ đi các loại chi phí, thu nhập này chẳng đáng là bao so với số tiền mà các chủ đầu tư công ty quản lý quỹ đã bỏ ra.

Trao đổi với ĐTCK, lãnh đạo một công ty quản lý quỹ cho biết, theo tìm hiểu của ông, khoảng 20 công ty quản lý quỹ đang trong tình trạng rất khó khăn, không tìm ra định hướng phát triển.

Nếu giai đoạn trước, các công ty này có thể bấu víu vào những con sóng của thị trường để đầu tư, thì nay họ chủ yếu đi tìm đối tác có nhu cầu “làm đẹp” báo cáo tài chính. Khá hơn một chút, một số công ty kết hợp với DN bất động sản, CTCK xây dựng và triển khai các sản phẩm tài chính đầu tư vào bất động sản. Tuy nhiên, đa số dự án này mới đang ở khâu lên kế hoạch.

Èo uột, khó tìm lối thoát, nhưng đã có giai đoạn, giấy phép công ty quản lý quỹ rất đắt giá. Cuối năm 2010 - 2011, một giấy phép thành lập công ty quản lý quỹ thậm chí được định giá tới 20 tỷ đồng. Sự đắt giá của công ty quản lý quỹ giai đoạn này không đến từ kỳ vọng các công ty sẽ mang lại hiệu quả đầu tư, mà đến từ mục tiêu “làm đẹp” báo cáo tài chính, hoặc công cụ tài chính khác của các ông chủ.

Vì đâu nên nỗi?

Đầu năm 2009, lãnh đạo một công ty quản lý quỹ tuyên bố: họ không cần huy động quỹ, bởi sống chủ yếu bằng tiền thu phí ủy thác đầu tư của khách hàng theo “sóng” của thị trường. Quan điểm này khiến không ít công ty quản lý quỹ bỏ qua cơ hội tốt để huy động được quỹ - cơ sở quan trọng giúp duy trì nguồn thu phí

trong những giai đoạn khó khăn của thị trường. Bởi vì, những khoản đầu tư ủy thác ngắn hạn chỉ xuất hiện khi thị trường có “sóng lớn”. Đó có lẽ là lý do khiến tổng giá trị tài sản được quản lý bởi nhóm này sụt tới 23% chỉ trong 6 tháng đầu năm 2012.

Ngoài vấn đề thị trường chung, thì một lý do quan trọng khác dẫn đến việc huy động quỹ khó khăn là do các cơ chế, chính sách hiện tại chưa kích thích NĐT bỏ vốn thành lập quỹ, thay vì ủy thác danh mục đầu tư, đặc biệt là chính sách thuế. Nguồn tiền huy động quỹ trong nước khó khăn, huy động vốn từ NĐT nước ngoài gặp trở ngại vì thuế, do chênh lệch mức thuế giữa NĐT nước ngoài giao dịch qua tài khoản vãng lai (thuế 1% giá trị giao dịch) và thuế suất 25% lợi nhuận đối với quỹ đầu tư.

Trong khi đó, các công ty quản lý quỹ hiện tại đang có “đất diễn” khá hẹp, khi họ rất khó để triển khai các sản phẩm tài chính, ngoài việc bán dịch vụ quản lý tài sản. Bao giờ các công ty quản lý quỹ thoát khỏi tình trạng cầm cự hiện nay nếu TTCK không bùng phát?

Bùi Sưởng

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Vốn ngoại, 12 năm ở Việt Nam (26/07/2012)

>   PVX: Khi nào hết làm “tội đồ” của TTCK? (26/07/2012)

>   Chính thức rút nghiệp vụ Môi giới của TSS, HSSC, DDS (26/07/2012)

>   Phía sau nỗi niềm oan ức của nhà đầu tư chứng khoán (26/07/2012)

>   Ủy thác đầu tư: Tảng băng chìm đang nổi (26/07/2012)

>   NĐT chiến lược: Cuộc trường chinh “bảy nổi, ba chìm” (26/07/2012)

>   Chứng khoán: Kỳ vọng sóng tăng quý 3! (26/07/2012)

>   26/07: Bản tin 20 giờ qua (26/07/2012)

>   HOSE: 15 DNNY bị nhắc nhở do chậm nộp BCTC quý 2 (25/07/2012)

>   Kiếm tiền từ sóng cổ phiếu bất động sản (25/07/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật