Thứ Năm, 26/07/2012 10:41

Ủy thác đầu tư: Tảng băng chìm đang nổi

Khoảng 19.000 tỉ đồng là tổng dư nợ các khoản mục ủy thác đầu tư của công ty chứng khoán mà thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã phát hiện trong lộ trình thanh, kiểm tra nhằm tái cơ cấu khối doanh nghiệp này. Các đợt thanh tra chưa kết thúc, nhưng phần kết quả lộ diện đã cho thấy cần phải có khung pháp lý bịt các lỗ hổng, đồng thời chấn chỉnh hoạt động cung cấp vốn, lách qui định tín dụng của không ít ngân hàng.

Tảng băng chìm ủy thác đầu tư

Báo lỗ nặng đến mức về cơ bản đã mất hết vốn chủ sở hữu trong quí 4-2011 và quí 1-2012, nhưng hiện Công ty chứng khoán Sacombank (SBS) vẫn còn một số khoản nợ trị giá hàng trăm tỉ đồng phức tạp, mà việc làm rõ không những đòi hỏi sự tham gia của kiểm toán độc lập, mà cả cơ quan an ninh. Có những khoản vay, như khoản 230 tỉ đồng từ một tổ chức tín dụng nọ, SBS là người trung gian, môi giới giữa khách hàng và ngân hàng. Đến khi đầu tư chứng khoán thua lỗ, khách hàng không trả được nợ, bỏ của chạy lấy người, SBS là người gánh đủ.

Một công ty chứng khoán khác, được sự hỗ trợ của ngân hàng mẹ cũng dưới dạng ủy thác đầu tư, vẫn còn dư nợ đòn bẩy hơn ngàn tỉ đồng, từ đầu năm đến nay mới thu hồi được khoảng 100 tỉ đồng. Nợ xấu là chuyện không tránh khỏi.

Trường hợp như trên không phải hiếm gặp. Suốt hai năm 2010-2011 khi cho vay chứng khoán, bất động sản bị xiết lại, nhất là khi tỷ lệ bị kéo về mức 16% tổng dư nợ theo qui định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tiền từ ngân hàng vẫn chảy vào lĩnh vực này dưới hình thức ủy thác đầu tư, trái phiếu doanh nghiệp, đặt cọc, ký quỹ…Một đợt thanh tra tổng lực của NHNN tập trung riêng vào ủy thác đầu tư năm ngoái đã cho thấy dư nợ của các ngân hàng vào đây lên tới hàng chục ngàn tỉ đồng, làm biến dạng bức tranh tín dụng thật. Tuy nhiên ở thời điểm đó việc xử lý nghiệp vụ ủy thác đầu tư đã không thể ngay lập tức mạnh tay khi thị trường chứng khoán đang lao dốc, nhiều công ty chứng khoán có thể phá sản gây hậu quả nghiêm trọng.

Sự ấm lên của thị trường chứng khoán mới đây là cơ hội để hàng loạt công ty chứng khoán giải quyết “hàng tồn” ủy thác đầu tư. Nhưng dù thế, tổng lượng hỗ trợ tài chính ở lĩnh vực này không giảm nhanh như mong muốn. Gần 19.000 tỉ đồng chưa thể là dữ liệu cuối cùng, vì số liệu này vẫn căn cứ chủ yếu trên báo cáo của các công ty chứng khoán, trong khi việc điều tra để tìm ra con số thực từ phía UBCKNN đang rất khó thực hiện vì thiếu qui định pháp lý.

Trong báo cáo tài chính của các ngân hàng và công ty chứng khoán, ủy thác đầu tư luôn được hạch toán vào các khoản phải thu phải nộp khác, mà phần thuyết minh không nói rõ gồm những khoản mục gì. Khi nhìn vào các khoản phải thu, người ta không thể tách bạch được đâu là nợ quá hạn, đâu là ủy thác đầu tư trái phiếu, đâu là cầm cố cổ phiếu, thậm chí cả đầu tư bất động sản. Một sự che giấu kín đáo và tiện lợi! Chẳng hạn báo cáo tài chính quí 2-2012 của Công ty chứng khoán Agribank (AGR-Hose) cho thấy vào ngày 30-6-2012 các khoản phải trả phải nộp ngắn hạn khác tăng vọt lên 4.127 tỉ đồng từ mức 1.210 tỉ đồng đầu năm (trang 2). Các khoản phải thu của khách hàng cùng thời gian tăng từ 580 lên 1.690 tỉ đồng, chưa kể một khoản mục phải thu chung chung khác nữa 944 tỉ đồng (trang 1).

Trung tâm lưu ký vào cuộc

UBCKNN gần đây đã gửi NHNN ba văn bản đề nghị phối hợp cùng kiểm soát việc cung cấp tín dụng cho các công ty chứng khoán từ phía ngân hàng theo đúng qui định pháp luật. Những điểm nhấn mà cơ quan quản lý thị trường chứng khoán kiến nghị bao gồm một hạn mức cho vay hợp lý, tỷ lệ cho vay chéo và cho vay trở lại công ty mẹ.

Trong khi UBCKNN có thể xiết chặt hoạt động ký quỹ bằng các qui định về an toàn tài chính, cập nhật liên tục danh sách các cổ phiếu margin, loại bỏ các công ty không đủ năng lực ra khỏi mảng nghiệp vụ này, thì Ủy ban lại không thể nắm bắt luồng vốn mà các ngân hàng rót vào công ty chứng khoán dưới nhiều hình thức khác nhau. Có những ngân hàng cho khách hàng vay trên cơ sở cầm cố cổ phiếu ở các công ty chứng khoán. Song số cổ phiếu có thực không? Số lượng nhiều ít ra sao? Có đúng là cổ phiếu chất lượng và thanh khoản không?...thì hầu như ngân hàng không kiểm tra. Chỉ cần có xác nhận về cổ phiếu của công ty chứng khoán là đủ. Sự xác nhận đó của công ty chứng khoán không hề minh chứng là công ty chứng khoán đứng ra vay, họ chỉ môi giới mà thôi.

Đã xảy ra trường hợp cổ phiếu có ít, nhưng được xác nhận nhiều, cổ phiếu A được xác nhận là cổ phiếu B và giá trị vì thế xê dịch. Có trường hợp chưa quá nửa kỳ hạn vay, giá trị cổ phiếu đã mất một nửa, thấp hơn số tiền vay, nhưng ngân hàng không kịp thanh lý vì không…theo dõi kịp! Hoặc khoản cầm cố được gia hạn, được cho vay thêm, đảo nợ bởi không thể thanh lý vì cổ phiếu không thanh khoản và nếu có bán được, phải hạch toán lỗ quá nhiều.

“Hiện nay Trung tâm lưu ký đã chủ động tham gia vào quá trình cho vay cầm cố cổ phiếu bằng cách xác nhận có thực công ty chứng khoán có cổ phiếu trong tài khoản, kể cả tài khoản của chính công ty chứng khoán và khách hàng. Động thái này đã chặn đứng được sự cố tình giả tạo để vay tiền của một số khách hàng, một số công ty chứng khoán” – một quan chức của UBCKNN nói với TBKTSG.

Không thể điều tra dòng tiền

Kể từ khi NHNN có qui định phải tính đầu tư trái phiếu doanh nghiệp vào dư nợ tín dụng, việc cho công ty chứng khoán vay để mua trái phiếu doanh nghiệp giảm mạnh, nhưng tài trợ cho chứng khoán, đặc biệt trong các trường hợp thôn tính, thâu tóm, làm giá cổ phiếu, lũng đoạn thị trường lại bùng phát dưới hình thức mới.

Tiền ngân hàng giờ đây được rót thẳng vào các tài khoản của người mua, cả pháp nhân lẫn thể nhân, không loại trừ tiền từ liên ngân hàng. Thanh tra UBCKNN, theo luật, không có khả năng tiếp cận tài khoản ngân hàng. Tiền từ đâu chuyển vào tài khoản nhà đầu tư? Dòng tiền giữa các tài khoản có liên hệ với nhau như thế nào?

UBCKNN bó tay! Trước khi đến một tài khoản nào đó, tiền có thể đi qua nhiều ngân hàng. Không điều tra được dòng tiền, nghĩa là không nắm được mối liên hệ giữa các tài khoản. Cổ phiếu, tiền có thể chạy từ một tài khoản này về một tài khoản khác của cùng một chủ nhân dưới những tên khác nhau.

Chỉ có các ngân hàng mới có quyền tiếp cận các tài khoản khách hàng và nếu ngân hàng từ chối hợp tác, thanh tra lũng đoạn, làm giá, thâu tóm ách tắc hoàn toàn, trừ khi vụ việc nghiêm trọng đến mức cơ quan an ninh phải tham gia. Bảo mật tài khoản là bắt buộc đối với các ngân hàng.

Luật Chứng khoán hiện hành của Việt Nam không cho phép UBCKNN có nghiệp vụ điều tra, mà chỉ có nghiệp vụ thanh tra. Trong khi đó, luật chứng khoán nhiều nước cho phép điều này. Ở Mỹ 80% các vụ thao túng cổ phiếu, làm giá, nội gián được phát hiện nhờ cơ quan quản lý thị trường có thể tiếp cận tài khoản ngân hàng. Tất nhiên việc tiếp cận tài khoản phải đáp ứng những qui định chặt chẽ và chứng cớ, dấu hiệu minh bạch.

Rõ ràng phải cần nhiều hơn nữa, ở mức độ cao hơn nữa sự hợp tác giữa hai cơ quan quản lý ngân hàng và chứng khoán vì sự trong sạch, minh bạch của thị trường và trả hoạt động tín dụng về với bản chất thực của nó. Thật đáng buồn khi mới đây NHNN công bố tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm ở mức 0,76%, rồi lại phải thòng thêm một câu “nếu tính cả số dư đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp và ủy thác thì tăng khoảng 1,4%”. Tăng trưởng tín dụng đã không cách xa bao nhiêu số dư ủy thác đầu tư. Bao giờ hoạt động ủy thác mới thật sự công khai, thật sự được quản lý đi vào khuôn phép?

Hải Lý

tbktsg

Các tin tức khác

>   NĐT chiến lược: Cuộc trường chinh “bảy nổi, ba chìm” (26/07/2012)

>   Chứng khoán: Kỳ vọng sóng tăng quý 3! (26/07/2012)

>   26/07: Bản tin 20 giờ qua (26/07/2012)

>   HOSE: 15 DNNY bị nhắc nhở do chậm nộp BCTC quý 2 (25/07/2012)

>   Kiếm tiền từ sóng cổ phiếu bất động sản (25/07/2012)

>   Chào thị trường chứng khoán tuổi 13 (25/07/2012)

>   Nhà đầu tư nhỏ ra đi vì chứng khoán thất thường (24/07/2012)

>   25/07: Bản tin 20 giờ qua (25/07/2012)

>   Chậm công bố thông tin, AnPhu bị cảnh cáo (24/07/2012)

>   24/07: Bản tin 20 giờ qua (24/07/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật