Chứng khoán: Kỳ vọng sóng tăng quý 3!
Các mặt hoạt động kinh tế được dự báo có chuyển biến tích cực từ cuối quý 3/2012. Đáy của sóng điều chỉnh từ đầu tháng 5 có lẽ đã được xác lập trong tháng 7 tại vùng giá rất nhạy cảm 400-420 của VN-Index. TTCK dường như đang tích lũy và củng cố cho giai đoạn bứt phá sắp tới.
Tháng quyết định xu hướng thị trường
Cho tới thời điểm này, có thể khẳng định xu hướng tăng từ đầu năm 2012 vẫn rất vững vàng. Tuy nhiên, cũng nên “ôn lại” diễn biến của thị trường tại một thời đoạn then chốt.
Sau giai đoạn phân hóa mạnh cuối 2011, tích lũy và khởi động tháng 1/2012, TTCK đã bước vào tháng 2 có tính quyết định. Khởi đầu tháng 2 thị trường tiếp tục diễn biến tích cực trong sự thận trọng. Khối lượng khớp lệnh biến động khá lớn giữa các phiên cho thấy tâm lý NĐT vẫn còn hoài nghi, chưa thật ổn định và cảm giác “chim sợ cành cong”.
Chỉ số VN-Index đi lên từ vùng hỗ trợ “cứng” 320-340 gặp “cửa ải” rất nhạy cảm 410-420 trong tháng 2. Tại đây, “Bò” và “Gấu” đã có “những trận quyết đấu”. Ngay từ “tiền trạm” 400 điểm của VN-Index, diễn biến thị trường đã có sự rung lắc rất mạnh.
Phiên giao dịch ngày 21/2, với khí thế “hừng hực” của bên mua, tưởng chừng vùng 410-420 sẽ được “giải quyết” gọn. Nhưng chung cuộc, mặc dù đã có lúc đạt 421.81 điểm, VN-Index phải lùi về 410.91 điểm mà chưa thể vượt qua. Khối lượng khớp lệnh hai sàn phiên này tăng mạnh, đạt 140 triệu chứng khoán (cao hơn nhiều so với mức trung bình trong nhiều tháng trước đó). VN-Index đóng cửa giảm tới gần 12 điểm so với lúc mở cửa kèm khối lượng bùng nổ khiến nhiều người lo lắng về sự kết thúc của một con sóng ngắn để rồi thị trường lại trở về kịch bản “lịm dần” như mấy năm trước.
Tuy nhiên, đó chỉ là một phiên “lùi chiến thuật”. Phiên giao dịch ngày 22/2 thị trường lại tiếp tục bứt phá mạnh mẽ, chỉ số VN-Index đóng cửa đạt 418.41 điểm với 120 triệu chứng khoán được chuyển nhượng trên hai sàn. Và kết thúc phiên ngày 23/2, vùng 410-420 đã bị phá vỡ một cách thuyết phục với khối lượng khớp lệnh hai sàn khoảng 150 triệu chứng khoán.
Sự bứt phá ngoạn mục của nhóm cổ phiếu ngân hàng được cho là động lực chính giúp VN-Index chinh phục thành công vùng giá rất nhạy cảm 400-420 của VN-Index. Không chỉ dòng tiền nội mà ngay cả dòng tiền ngoại cũng tích cực gom mua nhóm cổ phiếu “vua” có giá rất “bình dân”. Trong tháng 2, riêng 4 mã MBB, VCB, CTG, STB đã được khối ngoại mua ròng gần 600 tỷ đồng. Mã cổ phiếu HBB trở nên “hot” nhất thị trường trong nửa cuối tháng 2 với khối lượng khớp lệnh thường xuyên đạt khoảng 10 triệu đơn vị/phiên (thậm chí phiên ngày 28/2 đã có trên 40 triệu đơn vị được chuyển nhượng qua phương thức khớp lệnh).
Sau khi chỉ số VN-Index chinh phục thành công “cửa ải” 410-420, tâm lý NĐT được giải tỏa, dòng tiền ào ào đổ vào thị trường khiến chỉ số VN-Index duy trì đà tăng kéo dài đến đầu tháng 5.
Mặt bằng giá mới
Cuối quý I – nửa đầu quý II năm 2012 nổi lên một vài quan ngại: mặt bằng lãi suất cho vay vẫn được neo giữ ở mức cao quá lâu và chậm được điều chỉnh giảm theo tín hiệu lạm phát; dư nợ tín dụng ngân hàng tăng trưởng âm các tháng đầu năm; số lượng doanh nghiệp phải giải thể và phá sản, tồn kho của doanh nghiệp, nợ xấu NHTM tiếp tục gia tăng...; khu vực đồng Euro lại đối diện nguy cơ đổ vỡ; kinh tế Mỹ kém lạc quan hơn so với cuối 2011 và đầu 2012... Trong bối cảnh đó, đợt điều chỉnh từ đầu tháng 5/2012 được cho là hoàn toàn bình thường để TTCK xác lập và củng cố tại mặt bằng giá mới.
Phiên ngày 8/5 diễn biến thị trường cho tín hiệu xấu. Và sau đó giá của hàng loạt mã cổ phiếu sụt giảm mạnh trong phần còn lại của tháng 5 đưa chỉ số VN-Index về vùng 420 điểm. Các phiên đầu tháng 5, khối lượng khớp lệnh đạt khá cao (trung bình khoảng 140 triệu/phiên trên cả hai sàn). Tuy nhiên, đến cuối tháng 5 thanh khoản giảm mạnh còn khoảng 80 triệu/phiên trên cả hai sàn.
Nửa đầu tháng 6 thị trường có sự phục hồi nhẹ đưa chỉ số VN-Index tăng trở lại vùng 440 điểm. Thanh khoản đứng ở mức tương đương cuối tháng 5. Nửa cuối tháng 6 và đầu tháng 7 thị trường lại tiếp tục sóng điều chỉnh với cường độ không còn khốc liệt như đợt giảm tháng 5.
Tính từ thời điểm cuối tháng 2/2012, khi chỉ số VN-Index vượt 400 điểm, tổng cộng gần 8 tỷ chứng khoán (khoảng hơn 50% tổng khối lượng niêm yết) được trao tay trên HOSE và khoảng 7.5 tỷ chứng khoán (gần 100% tổng khối lượng niêm yết) được trao tay trên HNX. Với số liệu thống kê trên, có nên cho rằng một mặt bằng giá mới đã được xác lập?
Trải qua sóng điều chỉnh từ đầu tháng 5 đến nay, giá của hầu hết các mã cổ phiếu trên cả hai sàn đều đã bị điều chỉnh khoảng 50-70% thành quả của sóng tăng 4 tháng đầu năm. Hiện tại, mặt bằng giá của hầu hết các mã đang tương đương với thời điểm tháng 2, khi mà chỉ số VN-Index chinh phục vùng 400-420 điểm. Và cũng tại vùng giá này, hoạt động thâu tóm, chống thâu tóm thù nghịch qua sàn đã diễn ra khá mạnh. Lượng cầu mạnh tại vùng giá thấp các phiên cuối tháng 7 của nhiều mã cổ phiếu ít nhiều gợi nhớ lại những câu chuyện này.
Tích lũy, củng cố và kỳ vọng bứt phá
Cuối tháng 6 - đầu tháng 7, thanh khoản giảm mạnh cho thấy lượng cung giá thấp đã suy kiệt. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng thanh khoản thấp cũng thể hiện lực mua yếu và hoài nghi về sự xuất hiện một sóng tăng lớn.
Nửa đầu tháng 7, thị trường tiếp tục xen kẽ các phiên tăng – giảm trong sự hoài nghi đó. Những thời điểm giá giảm, tốc độ tăng của khối lượng khớp lệnh không lớn do áp lực cung giá thấp giảm mạnh. Và khi giá tăng, tốc độ tăng của khối lượng khớp lệnh lại mạnh lên cùng với độ tăng của giá do sự thúc ép của cầu (dù bên mua vẫn chưa thể hiện mức độ quá quyết liệt).
Phiên tăng điểm ấn tượng ngày 13/7 đi kèm thanh khoản tăng mạnh so với mức trung bình các phiên trước đó là một phép thử đối với tương quan cung - cầu, cho thấy thực lực của cầu tiềm năng đang chờ gia nhập thị trường. Sau phiên này, thị trường tiếp tục duy trì đà tăng và thanh khoản cũng tăng khá tốt.
Tuần 16-20/7 là một tuần giao dịch sôi động. Chỉ số VN-Index đã bứt phá thành công khỏi ngưỡng tâm lý 420 tại phiên giao dịch ngày 19/7. Đóng cửa tuần, VN-Index đạt 424.47 điểm (trong phiên 20/7 có lúc chỉ số này đạt 432.46 điểm). Khối lượng khớp lệnh trung bình khoảng gần 100 triệu/phiên trên cả hai sàn được cho là khá tốt so với mức trung bình của cuối tháng 6 và đầu tháng 7 (khoảng 60 triệu/phiên trên cả hai sàn).
Động lực khiến thị trường bứt phá và chỉ số VN-Index vượt lên khỏi vùng nhạy cảm 400-420 lần này lại đến từ nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán. Tín hiệu đầu tiên là sự đảo chiều mạnh mẽ của nhóm cổ phiếu này cuối phiên ngày 5/7 đưa giá từ mức sàn đóng cửa tại mức trần với thanh khoản tăng mạnh. Và các đợt “dâng lên” của thị trường trong các phiên về sau đều dễ dàng nhận thấy có vai trò dẫn dắt của nhóm cổ phiếu chứng khoán.
Tuần 23-27/7 chỉ số VN-Index dường như đang kiểm tra lại vùng giá 400-420. Điểm thu hút sự chú ý trong tuần này là hoạt động chốt lời ngắn hạn trên một số mã cổ phiếu nóng, đặc biệt trên sàn HNX. Trong khi đó một số nhóm cổ phiếu do được hỗ trợ bởi lượng cầu khá tốt, lượng cung giá thấp lại không lớn, nên không bị điều chỉnh mạnh mà chỉ đi ngang tích lũy. Thậm chí có một số mã tiếp tục xu hướng tăng giá. Mặc dù chỉ số chung toàn thị trường có một số phiên giảm khá mạnh, khối lượng khớp lệnh cũng chỉ ở mức trung bình, không quá lớn. Các diễn biến trên đang khá giống với thời điểm cuối 2011 – đầu 2012.
Sử dụng các công cụ phân tích kỹ thuật như sóng Elliott, kênh xu hướng, mẫu hình kỹ thuật, các chỉ báo kỹ thuật, tâm lý thị trường... cho thấy vùng giá 400 và sâu hơn là 380 của VN-Index đủ sức chặn đứng sóng điều chỉnh từ đầu tháng 5. Và thực tế, sóng điều chỉnh dường như đã phải dừng bước tại 405.39 điểm đóng cửa phiên 10/7 (phiên 11/7 có lúc chỉ số này giảm nhẹ về 405.07 điểm).
Quý III được cho là thời điểm nhà điều hành sẽ triển khai các biện pháp quyết liệt để giải quyết một số vấn đề hiện nay, đặc biệt là mặt bằng lãi suất cho vay, dư nợ tín dụng ngân hàng, tiêu thụ và hàng tồn kho DN...Theo đó, các mặt hoạt động kinh tế được dự báo sẽ có chuyển biến tốt từ cuối quý III.
Khi sóng điều chỉnh và giai đoạn tích lũy kết thúc, TTCK được kỳ vọng tiếp tục xu thế giá tăng bắt đầu từ đầu năm 2012.
Phạm Tường Phán (Vietstock)
FFN
---------------------------------
Bài viết của cùng tác giả:
1- Triển vọng kinh tế 6 tháng cuối năm 2012
2- Điều hành chính sách tiền tệ: kiên định về nguyên tắc, linh hoạt trong tổ chức thực hiện
3- Dự cảm năm Nhâm Thìn – kỳ 1
4- Dự cảm năm Nhâm Thìn - kỳ 2
5- Chứng khoán tháng 1: tích lũy và khởi động
6- Chứng khoán Việt Nam 2011: Dấu ấn tháng 12
|