"Chứng' và sóng ngầm thâu tóm, sáp nhập
Doanh thu sụt giảm mạnh, thua lỗ nặng nề, khiến một số công ty chứng khoán bị rơi vào tình trạng kiểm soát đặc biệt. Sóng ngầm thâu tóm, sáp nhập các công ty chứng khoán đang âm ỉ.
Hai thông tư do Bộ Tài chính ban hành gần đây đã có tác động mạnh mẽ đến tình hình hoạt động của các công ty chứng khoán (CTCK). Nó cho thấy một bức tranh đa chiều về các CTCK hậu giai đoạn bùng nổ phát triển.
Hành lang pháp lý
Thông tư 52/2012/TT-BTC quy định về hoạt động công bố thông tin nhằm tăng cường tính minh bạch thông tin của các công ty niêm yết. Thông tư 226/2010/TT-BTC quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính đối với các CTCK có thể coi tương đương như Thông tư 13 đối với các ngân hàng thương mại (NHTM). Theo đó, CTCK thuộc nhóm 2 và 3 sẽ thuộc diện kiểm soát và kiểm soát đặc biệt, chịu các biện pháp khắc phục chủ yếu như: tăng vốn điều lệ, cơ cấu danh mục đầu tư, tình hình vay nợ, cắt giảm chi phí hoạt động, hợp nhất và sáp nhập theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, các CTCK này phải chịu yêu cầu soát xét về tình hình tài chính, đầu tư, công nợ, rút bớt nghiệp vụ môi giới nhằm bảo vệ khách hàng. Nếu không khắc phục được sẽ phải giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật. Do các vấn đề nổi cộm như: an toàn vốn thấp, lỗ lũy kế âm vốn chủ sở hữu và nợ xấu bùng phát trong 2 - 3 năm liên tiếp, đã có 7 CTCK nằm trong diện kiểm soát đặc biệt (Cao su, Vina, Hà Nội, Trường Sơn, Đà Nẵng, Mê kông, Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp).
Cung cấp đòn bẩy tài chính cho khách hàng nhưng lại thiếu biện pháp quản trị rủi ro cũng là nguyên nhân dẫn đến kết quả thua lỗ nghiêm trọng của Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp (VIG) hay tranh chấp với khách hàng của CTCK Trường Sơn. Tổng doanh thu của VIG 2 quý đầu năm 2012 chỉ vỏn vẹn 4,54 tỷ đồng, chứng tỏ mọi hoạt động của công ty gần như đình trệ. Tuy nhiên, Thông tư 226 cũng để "lọt lưới" các CTCK bị mất thanh khoản nghiêm trọng như CTCK SMEs...
Giải cơn "khát vốn"
Thiếu vốn đang là bài toán hóc búa đối với các CTCK thua lỗ liên tiếp. Phải tìm cách vực dậy CTCK bằng cách tìm kiếm nguồn vốn bổ sung cho vốn lưu động. Lựa chọn phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược hay trái phiếu chuyển đổi tỏ ra không dễ dàng nếu như thiếu các cổ đông lớn là NHTM cổ phần "chống lưng". Ví dụ như, gặp rắc rối với khoản phải thu lên đến hàng nghìn tỷ, CTCK Ngân hàng Quân đội (MBS) nhanh chóng phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 5 năm để bổ sung vốn lưu động. Tất nhiên, trái chủ của lô trái phiếu này không là ai khác ngoài NHTM Quân đội hỗ trợ, nếu không MBS đã rơi vào tình cảnh rất bi đát. Hiện nay, MBS đang từng bước xác lập lại vị trí trên thị trường cho dù kết quả kinh doanh còn khá khiêm tốn. Trong 6 tháng đầu năm, doanh thu của MBS đạt 165 tỷ đồng và lợi nhuận ước đạt khoảng 6 tỷ đồng.
Tương tự, đối với trường hợp của CTCK Ngân hàng Sài gòn Thương Tín (SBS), kết quả kinh doanh thua lỗ năm 2011 đã "ăn" mất gần 2/3 vốn chủ sở hữu 1.266 tỷ đồng của công ty này. Nguyên nhân chính là các khoản chi phí lớn cho trích lập dự phòng, chi phí lãi vay, trong khi doanh thu giảm sút mạnh theo đà giảm của thị trường. Năm 2012, Đại hội đồng cổ đông của SBS đã thông qua việc phát hành gói trái phiếu chuyển đổi 800 tỷ đồng nhằm bổ sung vốn lưu động, giúp công ty đủ khả năng duy trì hoạt động. Kỳ hạn của trái phiếu này là 5 năm, giá chuyển đổi là giá trị sổ sách tại thời điểm báo cáo tài chính gần nhất, lãi suất trái phiếu do HĐQT quyết định. Nhìn vào đặc điểm nguồn vốn dài hạn này, vị cứu tinh cơn khát vốn của SBS không ai khác ngoài Ngân hàng mẹ Sacombank. Cho dù là công ty con của các NHTM, các CTCK lớn như SBS hay MBS đều đang chật vật tìm hướng đi riêng sau thời gian phát triển quá nóng. Thế nhưng, liệu tình trạng thua lỗ thê thảm của SBS có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu thiếu vắng định hướng phát triển phù hợp, bền vững trong điều kiện thị trường khó khăn?
Xoay sở với chiến lược phát triển
Thành lập chỉ với mức vốn điều lệ 1 tỷ đồng, CTCK Sài Gòn (SSI) đã nhanh chóng tăng vốn lên trên 3.526 tỷ đồng để dẫn đầu thị trường. SSI đã nhanh chân hơn các CTCK quy mô trung bình đang tìm cách tăng vốn điều lệ để gia tăng thị phần nhằm lọt vào top 20 CTCK dẫn đầu thị trường. Thế nhưng, việc tăng vốn hiện rất khó khăn do điều kiện thị trường. Việc này khiến một số CTCK như APS phải nghĩ đến giải pháp thâu tóm một số CTCK nhỏ hơn.
Còn các CTCK nhỏ thì đang tăng vốn một cách khó nhọc. Thực chất họ chỉ còn tồn tại trên giấy tờ do không đủ sức cạnh tranh và đang chờ tìm kiếm đối tác mua lại. Ví dụ CTCK Đà nẵng (thuộc diện kiểm soát đặc biệt) vừa công bố tăng vốn điều lệ từ 50 tỷ đồng lên 60 tỷ đồng. Mức vốn này chỉ đủ cho công ty hoạt động trong 2 mảng môi giới và tư vấn. Đã qua rồi thời kỳ các cổ đông, tập đoàn lớn ồ ạt lập ra CTCK để giao dịch chứng khoán cho chính họ, hoặc đẩy các dịch vụ qua công ty sân sau này. Yếu kém về nhân sự, vốn quá mỏng dẫn đến việc giải thể hay sáp nhập các CTCK này chỉ còn là vấn đề thời gian.
Bên cạnh đó, chiến lược doanh thu là định hướng quan trọng trong định hướng phát triển của CTCK. CTCK HSC thành công cũng nhờ chiến lược "chiếc bánh thu nhập" đa dạng, chú trọng vào mảng dịch vụ và kinh doanh nguồn vốn. Tính đến hết quý II/2012, lợi nhuận trước thuế của HSC đã vượt cả năm 2011. Trong tổng doanh thu 330 tỷ đồng của công ty này, 210 tỷ đồng đến từ hoạt động kinh doanh nguồn repo cổ phiếu, cho thấy công ty hoạch định chính sách phù hợp với bối cảnh thị trường suy giảm, lãi suất cao. Tương tự với MBS, sau khi thay thế bộ máy điều hành, hoạt động của CTCK này chuyển hướng vào mảng dịch vụ, đặc biệt là tư vấn M&A. Các thương vụ thành công của MBS chủ yếu hướng đến các đối tác Nhật muốn tham gia thị trường Việt Nam, đơn cử như bán 19% cổ phần Cholimex cho đối tác Nhật; chào mua công khai cổ phần của Halico cho Diageo, tư vấn niêm yết cho Fecon. Ngay cả CTCK Kim Long cũng tập trung vào kinh doanh nguồn và tự doanh. Trong 6 tháng đầu năm, doanh thu của KLS đạt 161 tỷ đồng, trong đó phần lớn đến từ doanh thu khác (137 tỷ đồng). Tuy nhiên, hướng đi của KLS vẫn chịu khá nhiều rủi ro khi công ty chủ yếu đầu tư trên sàn niêm yết và giải ngân mạnh trong quý II/2012.
Sau 12 năm hình thành phát triển, đã đến lúc các CTCK phải có sự sắp xếp, bố trí lại do sự mất cân đối và rủi ro nợ xấu tiềm ẩn.
Qui định của Thông tư 226/2010/TT-BTC về chỉ tiêu an toàn tài chính đối với các CTCK, có 3 nhóm CTCK được phân chia theo mức độ rủi ro giảm dần. Nhóm 1 - nhóm bình thường: có tỷ lệ vốn khả dụng/tổng tài sản rủi ro trên 150% và có lãi hoặc lỗ lũy kế dưới 30% vốn điều lệ. Nhóm 2 - nhóm trong diện kiểm soát: có tỷ lệ vốn khả dụng/tổng tài sản rủi ro dưới 150% tới trên 120% và có lỗ lũy kế chiếm từ 30% đến 50% vốn điều lệ. Nhóm 3 - nhóm kiểm soát đặc biệt: có tỷ lệ vốn khả dụng/tổng tài sản rủi ro dưới 120% và có lỗ lũy kế từ trên 50% vốn điều lệ. |
Gia Trình
diễn đàn doanh nghiệp
|