M&A CTCK: Sự phá hủy mang tính sáng tạo
Để tạo ra “sự phá hủy mang tính sáng tạo”, nhu cầu M&A là tất yếu. Nhưng hiện nay chưa có một văn bản nào hướng dẫn hoạt động M&A cho khối CTCK. Nếu các nhà quản lý không nhanh chóng thực hiện sẽ có hiện tượng nhiều CTCK rơi vào tình trạng “ngủ đông” hoặc “chết lâm sàng”.
ĐTTC số 543 ra ngày 23-7 có bài viết “Phí môi giới - Cạm bẫy hoa hồng”, phản ánh nhiều CTCK lấy hoạt động môi giới làm nền tảng phát triển, nhưng thực tế không hề đơn giản vì cuộc chiến phí môi giới do áp lực doanh số nên có CTCK “bí quá làm liều”.
Để bạn đọc và NĐT có cái nhìn rõ hơn về hoạt động CTCK hiện nay, ĐTTC trích đăng ý kiến của TS. Lê Đạt Chí (Trường Đại học Kinh tế TPHCM) về vấn đề này.
Hiện tượng “ngủ đông” hoặc “chết lâm sàng”
Sự suy yếu của TTCK trong 2 năm gần đây bộc lộ rõ những hạn chế của hệ thống CTCK. Nhiều CTCK hoạt động kinh doanh yếu kém, quản lý tài chính không tốt dẫn đến rủi ro cao. Hiện nay TTCK Việt Nam có hơn 100 công ty đang hoạt động, nhưng thực chất chỉ còn khoảng trên dưới 10 công ty hoạt động khá tốt.
Việc cấu trúc lại hoạt động của CTCK là điều cần thiết, bắt nguồn từ nhu cầu nội tại của chính CTCK. Do vậy, cơ quan quản lý cần có những biện pháp nhằm thanh lọc lại CTCK.
Số lượng trên 100 CTCK rõ ràng quá nhiều so với quy mô thị trường chỉ có giá trị khoảng 30 tỷ USD và giá trị bình quân giao dịch mỗi phiên khoảng 1.000 tỷ đồng trong năm 2011.
Thử nhẩm tính vài con số sẽ thấy đa phần các CTCK khó khăn đến mức nào. Với phí môi giới là 0,03% cho cả mua và bán thì doanh thu phí môi giới mỗi ngày khoảng 600 triệu đồng cho toàn thị trường. Nếu chia đều cho 100 CTCK mỗi công ty chỉ có khoảng 6 triệu đồng/ngày, tương đương khoảng 132 triệu đồng/tháng với 22 phiên giao dịch.
Con số này không đủ để bù đắp cho chi phí lương, điện và thuê sàn giao dịch. Chỉ riêng sàn giao dịch tối thiểu 150m2 cũng đã ngốn ít nhất 50 triệu đồng/tháng (tương ứng với giá thuê hạng C). Thế nhưng, CTCK không thể tính bình quân, bởi chỉ riêng 10 CTCK chuyên môi giới hàng đầu đã chiếm hết hơn 60% thị phần, số 90 công ty còn lại chắc chắn “ngập” trong thua lỗ.
Để tạo ra “sự phá hủy mang tính sáng tạo”, nhu cầu M&A là tất yếu. Nhưng hiện nay chưa có một văn bản nào hướng dẫn hoạt động M&A cho khối CTCK. Nếu các nhà quản lý không nhanh chóng thực hiện sẽ có hiện tượng nhiều CTCK rơi vào tình trạng “ngủ đông” hoặc “chết lâm sàng”.
Hiện nay nhiều CTCK rơi vào bế tắc và tiến hành ngưng hoạt động qua việc cắt bỏ tất cả các nghiệp vụ, kể cả môi giới và chỉ giữ lại mỗi hoạt động tư vấn đầu tư. Về danh nghĩa vẫn còn hoạt động, nhưng hoạt động tư vấn tài chính doanh nghiệp các CTCK nhỏ gần như cũng không có khách hàng, vì không ai dám đi chọn một CTCK nhỏ để tư vấn trong khi các CTCK lớn uy tín hơn nhiều.
Điều này sẽ tạo nên sự lãng phí lớn cho xã hội vì sẽ có một lượng vốn nhất định của những CTCK này bị kẹt lại. Đó là chưa kể sự lãng phí về mặt cơ sở hạ tầng, máy móc đã đầu tư. Khơi thông hoạt động M&A của CTCK sẽ giúp hoạt động tái cấu trúc trở nên thực chất hơn.
Hình thành loại CTCK theo từng nghiệp vụ
Hiện nay CTCK được thực hiện cả 5 nghiệp vụ: môi giới chứng khoán, tự doanh, tư vấn đầu tư, bảo lãnh phát hành và lưu ký chứng khoán. Đối với các thị trường tài chính phát triển, các nghiệp vụ trên được tách ra thành từng loại hình công ty riêng. Việc môi giới sẽ dành cho các công ty chuyên môi giới chứng khoán; tư vấn đầu tư, bảo lãnh phát hành sẽ do các ngân hàng đầu tư thực hiện; tự doanh, quản lý đầu tư là công việc của các quỹ đầu tư chuyên nghiệp.
Việc các CTCK được thực hiện cùng lúc nhiều nghiệp vụ đã dẫn đến rủi ro trong hoạt động, tạo nên rủi ro đạo đức rất lớn. Nếu một CTCK thực hiện dịch vụ ngân hàng đầu tư cho doanh nghiệp, họ có thể thông qua nghiệp vụ môi giới để khuyến khích mua vào. Hệ thống phân tích của CTCK cũng đưa ra những nhận định thiếu khách quan. Nếu như CTCK có tự doanh và môi giới sẽ rất dễ ưu tiên lệnh của mình hơn lệnh của khách hàng khi thực hiện mua/bán.
Thực tế vào năm 2010, Hoa Kỳ đã đưa ra đạo luật Dodd-Frank, nhằm ngăn chặn hoạt động tự doanh tại các ngân hàng đầu tư. Đề xuất này khiến các ngân hàng đầu tư Hoa Kỳ phải bán đi các bộ phận chuyên kinh doanh vốn cổ phần tư nhân (private-equity business) và các công cụ Buyout.
Đây là bài học Hoa Kỳ đã rút ra từ cuộc khủng hoảng tài chính 2007, họ muốn tách bạch các nghiệp vụ ra khỏi một “ngân hàng tổng hợp” để tránh sự cấu kết lẫn nhau trong các hoạt động kinh doanh. Mặc dù thế giới đã tiến hành những cải cách trên trong suốt gần 5 năm qua, nhưng TTCK nước ta vẫn đang tiếp tục duy trì kiểu “ngân hàng tổng hợp” này.
TS. Lê Đạt Chí
sài gòn đầu tư tài chính
|