Tháng Tám – TTCK trước ngã ba đường
Thị trường chứng khoán trải qua tháng Bảy nhiều cảm xúc trước kết quả kinh doanh quý 2 của doanh nghiệp niêm yết. Thị trường bước vào tháng Tám với băn khoăn trước xu hướng hưng phấn và hoài nghi từ dư hương tháng Bảy chuyển sang.
Phân vân chọn lọc giữa hai xu hướng đặt nhà đầu tư trước ngã ba đường.
Xu hướng lạc quan đến từ nhận định của Bộ Trưởng Tài chính và một số chuyên gia rằng Thị trường sẽ khởi sắc từ cuối Quý 3 – như thế, Tháng Tám là thời điểm cần thiết mua vào trước khi thị trường “bùng nổ”. Nhận định trên đến từ một loạt chính sách minh bạch hóa thông tin, bảo vệ nhà đầu tư của Chính phủ và Ủy ban Chứng khoán. Nhận định cũng đến từ cơ sở nền kinh tế sẽ phục hồi và phát triển sau một loạt giải pháp thị trường như giải ngân đầu tư công mỗi tháng khoảng 21,000 tỷ đồng, hạ mặt bằng lãi suất huy động và cả cho vay, đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, miễn giảm thuế, … Nhận định này cũng được hỗ trợ bằng thực tiễn là GDP vẫn trên 4% ở thời kỳ khó khăn, nay có giải pháp hỗ trợ sẽ tăng nhanh; CPI đã hạ nhanh, thậm chí âm, doanh nghiệp sẽ hưởng lợi vì giá đầu vào ổn định …
Xu hướng bi quan đến từ sự hoài nghi rằng những mặt tích cực trên đến quá chậm, lượng quá thấp, khó tiếp cận nên chưa chuyển biến được tình hình. Một điều đáng ghi nhận là xu hướng hoài nghi đã mang lại giá trị thực tiễn cho nhà đầu tư thời gian gần đây. Tháng Bảy, nhà đầu tư hoài nghi đã hưởng lợi khi “thoát hàng giá trần” sau “sức mạnh của lời nói” từ Bộ trưởng Tài chính.
Xu hướng hoài nghi đặt câu hỏi lớn là tại sao GDP tăng hơn 4% mà doanh nghiệp trên sàn – những tinh hoa nhất của nền kinh tế - lại có doanh thu giảm nhiều đến thế, thậm chí không có doanh thu (SJS, BGM). Có tập đoàn café doanh thu chỉ bằng một quán café, công ty bất động sản có doanh thu như một anh thầu nhỏ lãnh nhà. Với doanh thu nhỏ nhoi như thế này, lượng lãi vay ngân hàng khổng lồ đang nằm ở đâu mà chưa thấy lỗ lớn. Ở công ty bất động sản, lượng lãi vay này nằm ở sản phẩm dở dang, ở công ty khác, lượng lãi vay này còn nằm tại ngân hàng ở dạng “chờ thu”.
Thực tiễn từ SBS giải mã cho nhà đầu tư vấn đề này. Quý 1/2012, nhà đầu tư vẫn tưởng SBS lãi lớn vì tự doanh lớn nhưng không ngờ lại lỗ lớn. Câu trả lời là khi thị trường tăng, SBS bán hàng tự doanh, lãi lớn từ giá, nhưng khi trả nợ thì lãi vay ngân hàng “chờ thu” thời gian qua đã quá lớn, nuốt chửng hiệu quả tự doanh và đẩy đơn vị đến lỗ lớn, thậm chí là mép vực của phá sản (vốn chủ sở hữu âm).
Thị trường trân trọng những nỗ lực của Chính phủ và Ủy Ban Chứng khoán nhằm nâng mức minh bạch hóa cũng như bảo vệ quyến lợi nhà đầu tư trong những văn kiện gần đây. Tuy nhiên, sự hoài nghi vẫn còn đó vì những trường hợp như SHN, SBS vẫn có thể xảy ra trong tương lai. Quý 2 này, thị trường mới thấy một PVX lỗ lớn ngoài dự kiến nhưng trong tương lai, những “quả bom” như thế này sẽ ra sao khi nhiều doanh nghiệp vẫn đình đốn, lãi vay ngân hàng vẫn còn “treo” đâu đó và ngày càng phình ra.
Dạng này ở doanh nghiệp niêm yết khá đáng kể. Điển hình một doanh nghiệp xây lắp tại Bắc Trung bộ, nơi có nợ xấu lớn, doanh nghiệp chỉ có vốn chủ sở hữu hơn trăm tỷ nhưng vay nợ trên ngàn tỷ, nhẩm tính thì đơn vị cũng “treo” lãi vay nhiều trăm tỷ (vì trong báo cáo năm 2011 đến nay, chi phí trả lãi vay của đơn vị là 0 đồng). Nay, CEO của đơn vị, người đến từ Tập đoàn, đã thoái gần 90% (từ hơn 400,000 xuống còn hơn 50,000) số cổ phần ít ỏi của mình thì liệu có là một SHN mới hay không ?– một con tàu chìm mà thuyền trưởng đã rời tàu, mọi rủi ro được dành trọn cho nhà đầu tư – Có một điểm mà doanh nghiệp này cũng tương tự với SHN trước ngày sự cố xảy ra chính là việc cổ đông nội bộ chỉ lũ lượt bán ra mà không hề mua vào và trên thị trường, thị giá cổ phiếu vẫn khá ổn định, thậm chí có lúc đánh lên.
Thị trường cũng trân trọng và phấn khởi với chủ trương đưa tiền vào lưu thông qua đầu tư công 21,000 tỷ đồng mỗi tháng. Tuy nhiên, sự rụt rè của nhà đầu tư vẫn còn đó vì số tiền này vẫn nằm trong khung kế hoạch chi ngân sách năm của chủ trương “thắt chặt tiền tệ, tài khóa”. Có chăng là số tiền cao hơn vài ngàn tỷ (có chuyên gia nói là 1/3) so với chi đầu tư công những tháng đầu năm. Vài ngàn tỷ chi thêm hàng tháng sẽ khó chuyển biến được tình hình tiêu thụ hàng hóa trong nền kinh tế có nợ vay ngân hàng hai triệu rưỡi tỷ.
Tạm xếp quý 2 lại, chúng ta cùng nhìn về tương lai, quý 3, để định hướng đầu tư trong tháng Tám.
Ở cổ phiếu ngân hàng, quý 2 đã để lại cho nhà đầu tư nhiều băn khoăn, lo nghĩ. Một ngân hàng lớn nhất nhì sàn đã lần đầu tiên công bố giảm hơn 2/3 lợi nhuận. Đặc biệt, đây lại là thời kỳ lẽ ra ngân hàng lãi khủng vì là đỉnh điểm của lãi suất biên (chênh lệch lãi suất cho vay và huy động nhiều nhất). Tất nhiên, nguyên nhân là nợ xấu. Hiệu quả hoạt động ngân hàng quý 3 sẽ khó khăn hơn trước vì nợ xấu ngày càng tăng, chưa thấy rõ hướng xử lý nợ xấu cũng như biện pháp hạn chế nợ xấu phát sinh.
Mặt khác, việc áp trần cho vay 15% sẽ làm lợi nhuận ngân hàng không như quý 2.
Những nhà đầu tư vào SHB và HBB cũng mõi mòn chờ thông tin sáp nhập. Sự hoài nghi về tính hợp pháp, hợp lệ cũng phát sinh vì sau thời điểm Đại hội cổ đông HBB đồng ý sáp nhập theo tỷ lệ 0.75/1, SHB đã không giữ nguyên trạng khi chi cổ tức 5% và định chi tiếp 21% trước sáp nhập, điều không được đặt ra trong Đại hội cổ đông HBB.
Ở cổ phiếu chứng khoán, quý 2 thể hiện một mặt bằng hiệu quả hoạt động trong môi trường môi giới, cho vay magin, tư vấn là chính, tự doanh ít đi nhiều sau khi thoái vốn quý 1/2012. Mặt bằng này cho thấy đa phần công ty chứng khoán đủ chi phí hoạt động, nhưng việc thu lãi để gỡ lỗ lũy kế là khá xa xăm, sẽ còn nhiều năm nhà đầu tư không nếm mùi cổ tức.
Tuy nhiên, cổ phiếu chứng khoán vẫn có lợi điểm là thanh khoản lớn vì lượng cổ phiếu trong tay nhà đầu tư nhỏ khá nhiều.
Cổ phiếu bất động sản vẫn giữ thanh khoản lớn nhưng tình hình kinh doanh ngày càng căng thẳng. Thị trường bất động sản vẫn đóng băng, doanh thu ít trong khi nợ ngân hàng lớn, lãi vay ngày càng đội cao. Điều cốt lõi nhất là thị trường tan băng, hàng hóa được tiêu thụ thì vẫn chưa có dấu hiệu rõ nét. Bất động sản đang gặp thiệt hại kép, đó là lãi suất cao và giá hàng hóa giảm sâu.
Ở quý 2, khá nhiều doanh nghiệp bất động sản tham gia câu lạc bộ “lãi 1 tỷ”. Những gì tốt nhất chỉ là thế, nhưng rủi ro là thế nào vẫn còn phía trước. Tuy nhiều cổ phiếu doanh nghiệp vật liệu xây dựng cũng tham gia câu lạc bộ này nhưng lại không tiềm ẩn rủi ro nhiều vì vẫn có doanh số luân chuyển nợ và đương nhiên phải trả lãi vay.
Cổ phiếu cao su tự nhiên có kết quả kinh doanh quý 2 giảm vì giá bán thấp nhưng vẫn lãi đáng kể. Vào quý 3, là mùa vụ khai thác nên doanh thu sẽ lớn trong khi giá bán sẽ giảm. Dù thế nào thì doanh nghiệp vẫn lãi vì chi phí lớn nhất chính là lương nhân công cạo mũ, được định mức khoảng 35% doanh thu. Tính thêm những chi phí khác, doanh nghiệp vẫn lãi chắc chắn khoảng 40% doanh thu.
Cao su tự nhiên cũng là ngành có tiền gửi ngân hàng rất lớn, không nợ ngân hàng. Hưởng lợi khi giá cao su giảm chính là những doanh nghiệp công nghiệp dùng cao su làm nguyên liệu (săm lốp, cu roa), đây là những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh quý 2 tốt và sẽ vẫn tốt hơn nữa trong quý 3 vì giá nguyên liệu giảm.
Các nhà máy thủy điện vẫn có kết quả tốt như quý 2 hoặc hơn nữa vì quý 3 là mùa mưa khắp nước, nhiệt điện phụ thuộc vào việc có chạy dầu hay không, nhiều hay ít (NBP lãi khá trong quý 2 vì không chạy dầu). Các doanh nghiệp khoáng sản trước kia xuất quặng thô vẫn bế tắc. Doanh nghiệp vận tải biển ngày càng oằn mình với nợ và lãi vay vì ngành vận tải biển chịu khó khăn chung với khủng hoảng kinh tế thế giới. Tôm xuống giá và cá tra khó khăn sẽ hạn chế hiệu quả ngành thủy sản. Chưa vào mùa đông nên giá than đá chưa cao, doanh nghiệp khai quặng chưa giải phóng mạnh tồn kho nên hiệu quả ngành than chưa khởi sắc.
Trong bức tranh hiệu quả hoạt động quý 2, thông qua doanh thu, lợi nhuận, có thể dễ nhận ra nhiều ngành, đơn vị vẫn hoạt động bình thường trong môi trường thắt chặt tiền tệ. Đó là những đơn vị ít nợ ngân hàng, sản xuất hàng tiêu dùng, vật tư nông nghiệp, bảo hiểm, du lịch, kinh doanh văn hóa phẩm, sách … Hòa trong xu thế giảm giá của thị trường, nhiều cổ phiếu đã khá rẻ, chỉ khoảng ½ đến 1/3 giá trị sổ sách, cổ tức mang lại cao hơn lãi suất ngân hàng, có điều kiện hưởng lợi từ những giải pháp hỗ trợ thị trường của Chính phủ (có thể vay ngân hàng lãi suất hạ, được miễn giảm thuế khi có doanh thu, tăng doanh thu khi cầu xã hội mở rộng…). Tuy không nhiều, nhưng vẫn có những đơn vị hưởng lợi hiện nay như những đơn vị dùng nguyên liệu là hàng hóa cơ bản (nhựa, đồ gia dụng kim khí, …), phân bón (nguyên liệu gas giá rẻ), khử trùng mối, du lịch (vì mùa hè), kinh doanh sách (năm học mới)…
Tháng Tám này, có lẽ nhà đầu tư sẽ nhận được những thông tin mới theo hướng hỗ trợ thị trường vì tình hình khó khăn của doanh nghiệp niêm yết đã rõ nét, nợ xấu ngân hàng đã thành vấn đề thời sự. Nhà đầu tư hy vọng Chính Phủ sẽ mạnh tay hơn nhằm phục hồi và đưa nền kinh tế vào thời kỳ phát triển.
Nguyễn Đình Dũng (Vietstock)
FFN
Bài viết cùng tác giả:
* Tháng 7: Bức tranh thị trường chứng khoán đang rõ dần
* Cảm giác mạnh với cổ phiếu khoáng sản
* Tháng 5: Nỗi trăn trở trên sàn chứng khoán!
* Tháng Tư – Đáp án của kỳ vọng trên TTCK
* SHN có nguy cơ phá sản: Lỗ hổng cơ chế?
|