Câu chuyện lãi suất thực!
Lập luận lãi suất thực dương để đảm bảo quyền lợi người gửi tiền có vẻ không thuyết phục khi cuộc chạy đua lãi suất huy động từ hai năm trước không xuất phát từ “người gửi tiền”- mà là từ tình trạng mất thanh khoản trầm trọng của hệ thống ngân hàng.
Lãi suất thực phải dương?
Phương trình “Lãi suất thực = Lãi suất danh nghĩa – lạm phát” không xa lạ với bất cứ sinh viên kinh tế nào. Ở Việt Nam, trong nhiều năm kể từ khi xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đảm bảo lãi suất thực luôn dương (>0) luôn là một nguyên tắc bất thành văn; nó thể hiện ở việc lãi suất huy động được các ngân hàng cố gắng duy trì cao hơn chỉ số CPI.
Lập luận của các ngân hàng không phải là vô lý: lãi suất huy động cao hơn lạm phát là giữ cho VND sự hấp dẫn nhất định. Các ngân hàng lo sợ cạnh tranh từ các kênh hút tiền khác như vàng, ngoại tệ, chứng khoán, bất động sản… nên họ luôn phải duy trì một mức lãi suất thực dương; tức là họ đã quan niệm gửi tiết kiệm là một kênh đầu tư.
Nhưng từ năm 2011 trở lại đây việc mua vàng, ngoại tệ không đơn giản như mua mớ rau con cá ngoài chợ, đã có trường hợp bị bắt giam vì giao dịch ngoại tệ trái phép. Bất động sản thì gieo rắc bao nỗi sợ kinh hoàng cho nhà đầu tư từ cách đây… 4 năm. Còn trên TTCK, giao dịch uể oải từ mấy năm nay, việc huy động vốn của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, một số “ông lớn” như HAG, MSN, VNM, CTG… không mặn mà gì với việc huy động trên TTCK trong nước, mà chuyển hướng sang huy động vốn từ nước ngoài… Nên không quá khi cho rằng, trong việc huy động tiền từ người dân, các ngân hàng đang nắm thế độc quyền.
Đấy là chưa kể nguồn tiền gửi thanh toán của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước; nguồn tiền thuế thu hộ Ngân sách Nhà nước không phải trả lãi suất; và còn có NHNN đứng đằng sau sẵn sàng cấp vốn cho các NHTM. Nên nỗi lo bị các kênh đầu tư khác hút tiền chẳng khác nào… lo bò trắng răng.
Hẳn nhiên giới chủ ngân hàng đủ thông minh để biết vị thế độc quyền của mình. Vậy tại sao họ vẫn duy trì mức lãi suất huy động cao như vậy? Câu trả lời vì quyền lợi người gửi tiền có vẻ không thuyết phục.
Thanh khoản, lãi suất và chuyện phá sản ngân hàng
Mức lãi suất cao xuất phát từ cuộc chạy đua lãi suất mà các NHTM nhỏ khởi phát. Đằng sau cuộc chạy đua này là hiện trạng thanh khoản yếu kém của các ngân hàng đó gắn liền với vấn đề nan giải hiện nay - mà rất có thể chúng ta sẽ rơi vào thập kỷ mất mát vì nó, hoặc nếu có giải quyết được thì cũng phải vài năm: nợ xấu!
Các NHTM lớn cũng tham gia vào đường đua vì sợ mất khách hàng. Thị trường ngân hàng vốn có tiếng cạnh tranh gay gắt, nhưng hóa ra mọi khác biệt về uy tín, an toàn thanh khoản, dịch vụ chất lượng, chăm sóc khách hàng… chẳng bằng chênh lệch vài phần trăm.
Khách hàng sẵn sàng đổi ngân hàng vì lợi ích vài phần trăm đó mà chẳng phải cân nhắc gì về rủi ro, về khả năng thanh toán của ngân hàng…vv. Không phải là họ không quan tâm đến món tiền tiết kiệm được tạo ra bằng mồ hôi nước mắt của mình, mà đơn giản, ở Việt Nam, dù là “ông lớn” hay “ông bé” ngân hàng, thì không “ông” nào… được chết! Ngân hàng nào ’’ngắc ngoải“ (mất khả năng thanh toán) thì đã có NHNN đứng đằng sau chi viện, quyền lợi người gửi tiền luôn luôn được đảm bảo. Rủi ro khi gửi tiền vì vậy luôn bằng 0.
Đến đây, ta thấy một nghịch lý: gửi tiết kiệm là một kênh đầu tư. Nhưng kênh đầu tư sinh lời này lại có rủi ro bằng 0 (!?). Không một hình thức đầu tư nào trong nền kinh tế lại có mức rủi ro như vậy cả.
Nên chẳng phải tự nhiên mà công ty chứng khoán Kim Long (KLS) có cục tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn lên đến 1644.75 tỷ đồng cuối năm 2010, và trở thành tấm gương cho rất nhiều các doanh nghiệp khác học theo.
Rõ ràng, với mức lãi suất huy động rất cao thì “chiến thuật” gửi tiết kiệm cũng đủ giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động, trả tiền lương cho nhân viên mà không phải suy nghĩ tính toán sản xuất kinh doanh làm gì. “Chiến thuật” này lại càng tỏ ra hữu ích trong bối cảnh hàng chục ngàn doanh nghiệp giải thể, phá sản, số doanh nghiệp đạt tỷ suất ROE cao hơn lãi suất huy động chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Và số doanh nghiệp có tiền để gửi tiết kiệm trong thời buổi này cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay!
Số còn lại (số sống sót còn lại) đang phải vật lộn để trả lãi vay ngân hàng (lãi suất cho vay luôn cao hơn lãi suất huy động khi phải đèo bòng thêm chênh lệch vài ba % cho ngân hàng).
Nền kinh tế đang kiệt quệ như hiện nay có nguyên nhân trực tiếp từ lãi suất cho vay. Giảm lãi suất lúc này không chỉ là biện pháp kinh tế!
Gửi tiết kiệm - không nên là một kênh đầu tư!
Trong buổi trao đổi với nhân dân ngày 12/1, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã nói sẽ định hướng người dân đầu tư vào thị trường vốn - thị trường trái phiếu, cổ phiếu.
Nhưng nếu các NHTM còn duy trì mức lãi suất huy động cao, còn lo sợ kênh chứng khoán “hút tiền” thì định hướng của NHNN sẽ không bao giờ thành hiện thực; và lúc ấy thị trường tiền tệ (vốn chỉ đóng vai trò huy động nguồn tiền nhàn rỗi tạm thời trong nhân dân) sẽ cướp” vai trò của thị trường vốn (một kênh đầu tư) như trong thời gian qua.
Theo người viết, nên định hướng quan điểm trong nhân dân về gửi tiết kiệm không phải là một kênh đầu tư. Mà nên định hướng muốn có lợi nhuận thì phải đầu tư vào TTCK. Thực tế cho thấy, tuy rằng TTCK đã bước sang tuổi 13, nhưng nó vẫn chưa đươc “bình dân hóa”. Muốn đạt tỷ lệ 70% dân chúng đầu tư vào chứng khoán như của Singapore thì cần một thời gian dài cùng với nhiều chính sách hỗ trợ hợp lý.
Mới đây, chuyên gia Bùi Kiến Thành, đã bày tỏ quan điểm: “Nếu tôi làm Thống đốc NHNN thì ngay ngày mai, tôi sẽ cam kết cấp vốn cho NHTM lãi suất 2-3%/năm, thậm chí 1%/năm. Tôi cam kết lãi vay không quá 7%/năm ổn định trong 5-7 năm tới và không gây ra lạm phát”.
Quan điểm đột phá này nên chăng cần được xem xét nghiêm túc.
Đoàn Xuân Thạo (Vietstock)
FFN
Bài viết cùng tác giả:
* Sức mạnh của một lời nói!
* Gian nan hành trình giảm lãi suất!
* Niềm tin: Một lần nữa bị thử thách
* Thời buổi khó khăn, lắm chuyện ngược đời!
|