Thứ Ba, 31/07/2012 14:13

Ngân hàng nhỏ muốn xin nới “room” tín dụng

Trong khi nhiều ngân hàng lớn "than thở" khó sử dụng hết "room" tín dụng 17%, thì nhiều ngân hàng nhỏ lại đang rục rịch xin thêm "quota" tăng trưởng dư nợ.

NHNN vừa có văn bản yêu cầu các ngân hàng thương mại (NHTM) tiếp tục thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng đã được giao, trường hợp có kế hoạch tăng trưởng tín dụng vượt chỉ tiêu thì báo cáo để NHNN xem xét.

Việc cho phép NHTM được vượt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống từ đầu năm 2012 đến nay rất èo uột. Đến ngày 30/6, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống chỉ đạt 0,76% so với cuối năm 2011, thấp hơn rất nhiều so với chỉ tiêu tín dụng cả năm từ 15 - 17% mà NHNN giao cho các tổ chức tín dụng. Mục tiêu NHNN đặt ra cho 6 tháng cuối năm là tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng phải đạt mức 8 - 10%. Vì thế, đây là cơ hội cho những ngân hàng vừa và nhỏ, có chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng thấp trong năm nay, xin thêm “quota” mở rộng hoạt động cho vay.

Tổng giám đốc OCB, ông Nguyễn Đình Tùng cho biết, Ngân hàng dự kiến xin nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng lên 25 - 30% so với chỉ tiêu nhận được trong năm nay là 15%. Theo ông Tùng, mặc dù tăng trưởng dư nợ tín dụng của OCB trong hơn 6 tháng qua vẫn chậm và “room” tín dụng vẫn còn, song nhu cầu vốn của doanh nghiệp cuối năm chắc chắc sẽ tăng lên, nên cần xin thêm “quota” để đáp ứng.

Lãnh đạo một ngân hàng quy mô tầm trung tại TP. HCM cho hay, 6 tháng qua, ngân hàng đã đạt mức tăng trưởng tín dụng hơn 8%. Vì vậy, theo vị lãnh đạo trên, khả năng Ngân hàng phải xin thêm “quota” tín dụng để mở rộng hoạt động cho vay trong thời gian từ nay đến cuối năm, nhất là khi hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp vào mùa cao điểm.

Trái ngược với tình hình tại nhiều ngân hàng nhỏ và vừa, nhiều ngân hàng lớn lại than thở khó có thể sử dụng hết “room” tín dụng.

Ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank cho biết, khả năng năm nay, DongA Bank khó đạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 15%, bởi hơn 6 tháng qua, Ngân hàng chỉ tăng trưởng tín dụng vài phần trăm. Theo ông Bình, trước xu hướng nợ xấu tăng, các khoản vốn cho vay ra của Ngân hàng phải được kiểm soát rất chặt về chất lượng tín dụng. Chủ trương của DongA Bank là chỉ tập trung vốn cho khách hàng cũ và ưu đãi lãi suất cho khách hàng mới trên cơ sở ưu tiên cho những khách hàng có dự án kinh doanh khả thi. Mặt khác, ông Bình cho rằng, với tình hình thị trường hiện nay, khi sức mua chưa được cải thiện, thì khả năng tăng trưởng tín dụng những tháng còn lại của năm 2012 sẽ còn khó khăn và tình trạng trì trệ trong cho vay vẫn tiếp diễn.

Tương tự DongA Bank, ACB cũng cho biết sẽ khó sử dụng hết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 17% trong năm nay, nếu tình hình kinh tế vĩ mô từ nay đến cuối năm không thuận lợi. Dư nợ tín dụng 6 tháng đầu năm của Ngân hàng chỉ đạt 0,9%. Trong khi đó, nợ xấu tăng từ 0,86% đầu năm lên 1,53% đến cuối quý II, trong đó nợ có khả năng mất vốn tăng gấp đôi, từ 300 tỷ đồng lên 600 tỷ đồng.

Những nhà băng lớn như Vietcombank, Vietinbank…, tăng trưởng dư nợ tín dụng trong 6 tháng qua cũng chỉ đạt từ 3 - 4% so với chỉ tiêu đã nhận được cho cả năm là 17%.

Để có thể kích thích tăng trưởng dư nợ, các ngân hàng đang ra sức tiết giảm chi phí để chia sẻ khó khăn với khách hàng, nhất là khách hàng doanh nghiệp. Tuy nhiên, cạnh tranh trong việc tìm kiếm khách hàng tốt đang trở nên gay gắt. Chủ tịch HĐQT Vietinbank Phạm Huy Hùng cho biết, Vietinbank đang ưu đãi lãi suất và sẵn sàng đón nhận khách hàng từ ngân hàng khác chuyển qua, nếu khách hàng đó đáp ứng được điều kiện tín dụng của Ngân hàng. Lãi suất cho vay vốn lưu động của Vietinbank hiện chỉ ở mức 11%/năm và trung, dài hạn tối đa là 15%/năm.

Ngày 26/7, Sacombank tiếp tục triển khai gói 1.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ tại TP. HCM với lãi suất từ 13 -14%/năm, thời hạn vay tối đa 6 tháng. Còn tại OCB, lãi suất cho vay thấp nhất hiện là 12%/năm.

Tuy nhiên, theo Tổng giám đốc OCB, giảm lãi suất khoản vay cũ sẽ phần nào giảm được chi phí cho các doanh nghiệp, nhưng điều quan trọng nhất đối với doanh nghiệp là tìm đầu ra cho sản phẩm. Chỉ khi sức mua của thị trường tăng lên thì doanh nghiệp mới có khả năng hấp thụ nguồn vốn và các ngân hàng mới có thể đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng.

Thùy Vinh

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Bao nhiêu lãi suất “ở lại” ngân hàng? (31/07/2012)

>   Bao giờ lãi suất hạ tiếp? (31/07/2012)

>   Sắp chỉnh “khung” cho nợ ngân hàng (31/07/2012)

>   Phía sau chuyện ngân hàng kích cầu bất động sản (30/07/2012)

>   Ngân hàng “méo mặt” lo xiết nợ BĐS (30/07/2012)

>   Hệ lụy từ sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng (30/07/2012)

>   Agribank giao chỉ tiêu cho nhân viên huy động vốn (30/07/2012)

>   Nợ xấu lớn: DNNN và đại gia tư nhân (30/07/2012)

>   Giảm lãi suất: Càng gỡ, càng khó (30/07/2012)

>   Ngân hàng đang “xơi” 6% chênh lệch lãi suất? (30/07/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật