“Bể” kế hoạch cổ phần hóa 2012: Nguy cơ hiển hiện
Theo kế hoạch, trong năm 2012, có 93 DNNN sẽ thực hiện cổ phần hóa cổ phần hóa (CPH). Tuy nhiên, đến nay, đã qua nửa đầu năm, nhưng Bộ Tài chính vẫn chưa nhận được quyết định phê duyệt CPH của DN nào gửi về.
Theo Bộ Tài chính, tổng hợp từ báo cáo của 4 bộ ngành, 9 tập đoàn kinh tế, 10 tổng công ty nhà nước đặc biệt và 57 địa phương, trong giai đoạn 2011 - 2015, sẽ có 899 DNNN thực hiện các hình thức sắp xếp, CPH. Trong đó, 367 DN sẽ thực hiện CPH, 532 DN thực hiện các hình thức sắp xếp khác như giao, bán, giải thể, phá sản, giữ nguyên là công ty TNHH một thành viên, chuyển thành công ty TNHH hai thành viên. Theo kế hoạch, trong năm 2012, có 93 DNNN thực hiện CPH. Có thể thấy, việc hoàn thành kế hoạch CPH năm 2012 là thách thức không nhỏ. Đây cũng không phải năm đầu tiên hoạt động CPH có nguy cơ vỡ kế hoạch.
Ông Nguyễn Duy Long, Trưởng phòng Đổi mới, sắp xếp và phát triển DN, Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) phân tích, ngoài nguyên nhân kinh tế khó khăn, TTCK đi xuống dẫn đến chậm tiến độ CPH được nhiều chuyên gia mổ xẻ và DN viện dẫn, thì chủ yếu các DN thuộc diện CPH trong năm nay có quy mô lớn và đang có khó khăn về tài chính cần xử lý. Đương nhiên, với nhóm DN này, việc CPH đòi hỏi nhiều thời gian hơn. Ngoài ra, theo thông lệ, do quý I hàng năm là thời điểm các DN thực hiện kiểm kê, lập BCTC…, nên số lượng DN thực hiện CPH trong nửa đầu năm thường ít hơn so với nửa cuối năm.
Đại diện Cục Tài chính Doanh nghiệp cho biết, việc có hoàn thành kế hoạch CPH hay không phụ thuộc chủ yếu vào nỗ lực của chính đơn vị được CPH cũng như bộ ngành, địa phương và tập đoàn, tổng công ty chủ quản. Trước mắt, giải pháp chủ yếu vẫn là tập trung tổ chức triển khai và phối hợp thực hiện. Các bộ, ngành địa phương chủ quản của các DN trong danh sách phải triển khai quyết liệt các bước đã quy định trong Nghị định 59/2011/NĐ-CP như lập Ban chỉ đạo CPH, lập báo cáo kiểm kê các vấn đề tài chính, xử lý tài chính… Nếu có vướng mắc hay chưa rõ về cơ chế, các bộ, ngành địa phương phải có ý kiến với Bộ Tài chính, Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển DN, thậm chí báo cáo Chính phủ. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính xây dựng kế hoạch năm tới, cũng như đề xuất giải pháp, kiến nghị tháo gỡ khó khăn.
Trong số các đơn vị nằm trong danh sách CPH, hiện nay, Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã hoàn thành cơ bản các công việc để CPH và đang trình Bộ Công thương phê duyệt để đấu thầu, lựa chọn đơn vị tư vấn xác định giá trị DN. Trả lời ĐTCK về việc liệu Vinatex có đúng hẹn IPO vào cuối năm nay, lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng, khả năng này là rất thấp, bởi đến thời điểm hiện tại, đơn vị tư vấn vẫn chưa được lựa chọn.
Cũng có trường hợp, một đơn vị chủ quản của DN trong diện CPH sốt sắng với việc CPH của DN, thường xuyên có văn bản xin hướng dẫn của cơ quan chức năng để xử lý rất nhiều tình huống phát sinh trong quá trình CPH, mặc dù tình huống đó đã được quy định cụ thể tại các văn bản liên quan và trước đó cơ quan này đã hỏi, đã được trả lời và áp dụng cho các đơn vị khác. Mỗi lần công văn đi công văn lại là DN phải chờ đợi thêm dăm bữa nửa tháng, làm chậm tiến trình CPH của DN. Đến nỗi, một vị lãnh đạo DN trong diện CPH phải than thở, những phần việc tại DN đã làm xong hết, nhưng việc phê duyệt đấu thầu, định giá DN lại nằm ngoài tầm tay của DN. Như vậy, yếu tố cơ quan chủ quản DN là một phần quan trọng, quyết định tiến trình CPH có đúng hẹn hay không.
Bên cạnh đó, cơ chế chính sách đối với hoạt động CPH vẫn còn nhiều vấn đề cần xem xét. Chẳng hạn, theo quy định, để bảo toàn vốn nhà nước, hạn chế thất thoát, sau khi mốt số đối tượng DN đã được đơn vị tư vấn độc lập xác định giá trị, Kiểm toán Nhà nước phải kiểm toán lại. Hiện có 4 đối tượng được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán lại, gồm tập đoàn, tổng công ty, DN có vốn điều lệ trên 500 tỷ đồng hoạt động trong ngành nghề đặc thù (hàng không, bưu chính, dầu khí…) và đối tượng được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện kiểm toán. Tuy nhiên, sau khi đơn vị tư vấn định giá thì cổ phần của DN được đấu giá công khai và nếu thị trường thuận lợi, DN có khả năng sinh lời thì người mua có thể trả giá cao hơn giá khởi điểm. Vì vậy, có ý kiến cho rằng, có thể bỏ bớt khâu kiểm toán sau khi đã xác định giá trị DN để đẩy nhanh CPH.
Một trong những vấn đề lớn và tốn nhiều thời gian trong quá trình CPH đó là phương án xử lý đất đai mà DN đang sử dụng. Theo quy định, DN phải lập phương án xử lý đất đai và được cơ quan có thẩm quyền, ở đây là các địa phương, có ý kiến. Trên cơ sở ý kiến của địa phương, DN thực hiện phương án đó và từ đó tính toán, xác định giá trị DN. Đối với các tập đoàn, tổng công ty có địa bàn hoạt động trải dài trên khắp cả nước, thời gian chờ đợi ý kiến của các địa phương mà DN đang sử dụng đất là rất lâu. Bởi vậy, UBND các tỉnh, thành cần có trách nhiệm đưa ra ý kiến sớm về vấn đề này để giúp DN đẩy nhanh tiến độ CPH.
Được biết, Bộ Tài chính dự kiến sẽ tổ chức sơ kết một năm thực hiện Nghị định 59/2011 để nắm bắt tình hình thực hiện CPH tại các DN, cũng như xem xét các vướng mắc mới phát sinh để đề xuất cơ chế tháo gỡ. Như vậy, những cú hích cho tiến trình CPH thì vẫn phải chờ và kế hoạch CPH vẫn thường trực nguy cơ trở thành “nhiệm vụ bất khả thi”.
Hoàng Duy
đầu tư chứng khoán
|