Sẽ thực hiện cổ phần hóa 8 doanh nghiệp xây dựng
Từ nay đến hết năm 2015, Bộ Xây dựng sẽ thực hiện cổ phần hóa cả tám doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, trong đó có bốn công ty mẹ - Tổng công ty 90 và bốn công ty thành viên thuộc các tổng công ty.
Cụ thể, trước mắt Bộ Xây dựng sẽ duy trì doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, thực hiện cổ phần hóa vào năm 2015, Nhà nước giữ 65% vốn điều lệ đối với công ty mẹ - Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam (VNCC).
Bên cạnh đó, Nhà nước giữ trên 50% vốn điều lệ đối với các Công ty mẹ của Tổng công ty Xây dựng số 1(CC1), Tổng công ty Vật liệu xây dựng số 1 (FiCO) và Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (IDICO).
Trong quá trình thực hiện cổ phần hóa, IDICO sẽ giữ trên 50% vốn điều lệ đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Phát triển đô thị và khu công nghiệp IDICO - UBIZ và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Xây dựng IDICO. VNCC giữ trên 50% vốn điều lệ đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khảo sát và Xây dựng - Usco.
Cùng với việc tiến hành cổ phần hóa các doanh nghiệp xây dựng, Bộ Xây dựng cũng yêu cầu Xử lý công nợ, tái cơ cấu vốn các doanh nghiệp xây dựng thực hiện cổ phần hóa. Ngoài việc tiến hành rà soát, xử lý những vướng mắc, tồn đọng về tài chính, tài sản, lao động..., các đơn vị phải tập trung hoàn thành việc bàn giao doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần; xử lý công nợ tồn đọng, thực hiện tái cơ cấu vốn tại các đơn vị thành viên…
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Văn Sơn cho biết vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, bởi các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa hầu hết có quy mô lớn, vốn đầu tư ở nhiều doanh nghiệp hoạt động trên nhiều địa bàn khác nhau trong cả nước. Do đó, doanh nghiệp phải tiến hành xử lý nhiều vướng mắc tồn đọng do lịch sử để lại, khối lượng công việc triển khai lớn, phức tạp... đòi hỏi có nhiều thời gian. Vì thế, từ nay đến hết năm 2013, Bộ Xây dựng tập trung chỉ đạo các doanh nghiệp cổ phần hóa rà soát, xử lý những tồn đọng này… đồng thời, các công ty mẹ cần triển khai tái cơ cấu các đơn vị thành viên để tập trung vốn đầu tư vào những lĩnh vực kinh doanh chính, có lợi thế nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả ngay sau khi chuyển sang công ty cổ phần.
Hiện việc xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa của các doanh nghiệp có hoạt động đầu tư, kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, khu đô thị, tham gia xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp thuê cũng còn vướng mắc. Đơn cử như việc xác định giá trị thực tế các tài sản cố định phục vụ chung trong khu công nghiệp, khu đô thị như đường giao thông, hệ thống cấp thoát nước, điện chiếu sáng, cây xanh… nếu tính theo quy định hiện hành là chưa phù hợp. Các tài sản cố định này trong quá trình sử dụng được trích khấu hao theo quy định - đây cũng là cơ sở để hình thành giá vốn kinh doanh hàng năm, đồng thời là cơ sở để hình thành giá cho thuê hạ tầng khu công nghiệp và giá bán nhà ở trong khu đô thị. Giá cho thuê hạ tầng khu công nghiệp lại được cố định trong Hợp đồng thuê và được người thuê trả ngay một lần trong suốt thời gian thuê 49 năm. Giá bán nhà ở trong khu đô thị cũng được cố định trong Hợp đồng bán nhà. Vì vậy, nếu xác định lại giá trị thực tế các tài sản cố định phục vụ chung này sẽ giảm hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp sau cổ phần hóa vì không thu thêm được từ khách hàng.
Nhiều doanh nghiệp cổ phần hóa được Nhà nước giao đất để xây dựng chung cư cho công nhân khu công nghiệp thuê. Việc xác định tăng giá trị quyền sử dụng đất khi xác định giá trị doanh nghiệp sẽ làm tăng giá thuê nhà ở của công nhân, do đó ảnh hưởng đến đời sống của công nhân lao động trong khu công nghiệp. Cùng đó, cơ chế bán cổ phần ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp tư vấn xây dựng theo quy định hiện hành chưa phù hợp vì không khuyến khích người lao động có trình độ chuyên môn giỏi gắn bó với doanh nghiệp.
Trong bối cảnh hiện nay, thị trường vốn giảm sút nhiều, đặc biệt là thị trường khoán nên việc bán cổ phần của doanh nghiệp cổ phần hóa với khối lượng lớn sẽ gặp khó khăn, khó đạt được mục tiêu đề ra - Thứ trưởng Trần Văn Sơn nhận xét.
Ngoài ra, cơ chế, chính sách cổ phần hóa đối với các đơn vị sự nghiệp (Trường đào tạo) thuộc doanh nghiệp chưa có quy định riêng, phù hợp với loại hình hoạt động này nên việc cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp trong doanh nghiệp còn bất cập, chưa tạo điều kiện để tiếp tục duy trì, phát triển sau đó.
Bởi vậy, Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ cần có nghiên cứu quy định phù hợp khi xác định giá trị thực tế của các tài sản cố định phục vụ chung trong khu công nghiệp, khu đô thị trong giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa; xem xét việc xác định giá trị quyền sử dụng đất giao để xây dựng nhà ở cho công nhân trong khu công nghiệp thuê; sửa đổi các cơ chế chính sách cổ phần hóa các doanh nghiệp tư vấn, các đơn vị sự nghiệp (Trường đào tạo, các trung tâm nghiên cứu ứng dụng triển khai công nghệ mới…) trong các doanh nghiệp cổ phần hóa../.
Thu Hằng
Vietnam+
|